Quảng cáo lấp lửng - Ảnh: Mạnh Khang |
Chuyện mua bán gian lận không chỉ có chiêu trò gian dối số lượng, chất lượng và giá cả sản phẩm, mà nhiều bạn đọc còn bức xúc chia sẻ với Tuổi Trẻ về các trường hợp quảng cáo lập lờ, đưa ra các thông tin hàng bán giảm giá đến... 97-98% nhưng thực tế chỉ là cách câu khách.
Người mua nếu nhấp chuột vào chương trình này để mua sản phẩm thì phải bỏ tiền thêm gấp…10 lần mới có được sản phẩm.
Phiếu giảm giá… phải bù tiền
Chị Quế Chi (Q.7, TP.HCM) vẫn còn tức giận khi kể lại chuyện mua voucher ăn uống nhưng không được giảm giá như thông tin ban đầu.
Chị mua voucher giảm giá 50% cho phần cơm trưa từ một trang mạng chuyên quảng cáo các loại voucher ăn uống, làm đẹp, thực phẩm… Chị Chi đinh ninh mình chỉ phải trả 50% hóa đơn nhưng khi thanh toán mới tá hỏa khi nhân viên cho biết voucher chỉ được giảm giá từ 13g-14g mỗi ngày.
“Tôi muốn nổi điên với kiểu làm ăn đó. Sao ngay từ đầu khi quảng cáo bán trên mạng hoặc trong voucher không ghi rõ?" - chị Chi bức xúc.
Trên một diễn đàn có chủ đề chia sẻ về những chiêu thức lập lờ khi bán voucher nhận được hàng trăm lượt bình luận với nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười”.
Chị Hoàng Minh cho biết mua voucher trị giá 150.000 đồng để chụp ảnh phong cách Nhật nhưng tới khi đến cửa hàng mới biết phải thêm gần 1 triệu đồng để trang điểm và thuê trang phục thì mới được chụp.
Tương tự, anh H. vào một trang mạng mua yến sào về tẩm bổ cho mẹ, anh thấy trang quảng cáo khuyến mãi giá rất rõ là: yến sào cao cấp, mua 100 gram yến sẽ được khuyến mãi thêm 10 gram yến huyết và 10 gram yến thiên nhiên.
Giá gốc 4.000.000 đồng, giảm còn 99.000 đồng. Tuy nhiên khi anh H. đăng ký mua yến, cơ sở bán yến sào yêu cầu anh H. phải đóng thêm 1.600.000 đồng nữa thay vì mua với giá 99.000 đồng, lý do giá trên mạng chỉ là giá... của nhà mạng quảng cáo.
Vô lý... nhưng vẫn ngập tràn
“Đã gọi là phiếu giảm giá mà lại phải bù tiền mới nhận được sản phẩm, thật vô lý”, chị Hồng (Q.11, TP.HCM) nói.
Theo chị Hồng, chị và bạn bè từng gặp những trường hợp mang voucher đến tận cửa hàng để lấy sản phẩm nhưng nhân viên cho biết sẽ không được nhận nếu không bù thêm tiền. Khi chị Hồng thắc mắc thì nhân viên giải thích điều kiện sử dụng voucher là phải bù tiền.
“Nếu muốn lấy sản phẩm thì phải chấp nhận bỏ tiền ra gần gấp 10 lần giá voucher, còn không coi như bỏ, mất tiền voucher, đằng nào cũng thiệt”, chị Hồng cho biết.
Anh Duy Mẫn (TP Tân An, Long An) mua voucher giảm giá 90% cho máy tính bảng trị giá 4.199.000 đồng (tức giảm còn hơn 400.000 đồng). Tuy nhiên khi đến cửa hàng anh Mẫn được thông báo phải bù thêm 3.500.000 đồng để nhận sản phẩm. Như vậy, sản phẩm mà anh Mẫn nhận được so với giá cửa hàng thông báo chỉ giảm gần 300.000 đồng.
Bạn Hoàng Huy (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) từng là nạn nhân của kiểu quảng cáo bán voucher không rõ ràng chia sẻ: “Nhiều trang bán voucher có ghi rõ điều kiện sử dụng bé xíu trong phần thông tin kèm theo ở... trang sau và có không ít trang mạng không hề ghi rõ các điều kiện. Tương tự, trên chính voucher cũng cái có, cái không có nội dung điều kiện sử dụng”.
Giám đốc marketing một website deal bán các khuyến mãi, phiếu giảm giá trong thời gian xác định giải thích rằng: “Những điều kiện để sử dụng voucher đều được website này ghi rõ bên dưới mỗi sản phẩm”. Khi được hỏi vì sao lại phải bù tiền để nhận sản phẩm, vị này từ chối trả lời.
Chị Hồng, anh Duy Mẫn cùng chung bức xúc: “Sao ngay tại phần giá voucher các trang web không ghi điều kiện bù thêm tiền mà chỉ gạch ngang số tiền gốc và ghi mức giá voucher cạnh bên? Như vậy là cố tình đánh lừa khách hàng".
Lấp lửng đánh vào tâm lý “ham rẻ”
Theo chia sẻ từ bạn đọc, nhiều website với hình thức là sàn giao dịch thương mại điện tử vừa bán sản phẩm trực tiếp vừa bán voucher giảm giá, những trang này thường đưa ra các mức giảm giá “cực khủng” để thu hút người tiêu dùng.
Theo chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), việc giảm giá, quảng cáo bán voucher khá phổ biến, có thể xem đây là hình thức khuyến mãi mới thay cho kiểu khuyến mãi truyền thống.
Hình thức kinh doanh này đánh vào tâm lý ham mua hàng rẻ của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, những thông tin này được nhiều đơn vị cung cấp “lấp lửng” viết bằng cỡ chữ nhỏ hơn nhiều so với tổng thể nội dung, bị đẩy xuống cuối bài hoặc bị ẩn đi bởi một nút công cụ. Chẳng hạn, người tiêu dùng muốn thấy điều kiện quy định khi mua sản phẩm phải click vào chức năng “xem thêm” mới thấy được thông tin. Và vì vậy không ít người mua hàng bị... hố vì không phát hiện.
Một chuyên gia lập trình web còn cung cấp thêm thông tin những trang web-deal có thể dễ dàng đội giá gốc sản phẩm rồi giảm giá mạnh, làm ảo số lượng người đã mua để thu hút và đóng băng chức năng bình luận nhằm đảm bảo doanh số kinh doanh không bị ảnh hưởng.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng xét về mặt kinh tế hành vi, việc lấp lửng trong quảng cáo giảm giá, bán voucher sẽ không mang lại hiệu quả lâu dài, dễ mất uy tín, bị người tiêu dùng tẩy chay.
Ông Du nói: "Người tiêu dùng hãy tỉnh táo và xác minh thông tin thật kỹ trước khi quyết định mua sản phẩm, voucher giảm giá sản phẩm".
Hai loại hình hợp tác giữa nhà cung cấp và web-deal Phổ biển là hình thức bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ hợp tác với web-deal theo kiểu chia hoa hồng. Khi khách hàng thanh toán voucher, một phần được bên web-deal giữ, phần còn lại đưa cho bên cung cấp. Tuy nhiên, nhiều đơn vị lựa chọn hình thức thứ hai là bên cung cấp sẽ bán voucher với giá cực rẻ. Khi đó, web-deal sẽ giữ toàn bộ số tiền thu được từ việc mua voucher. Khách hàng sử dụng voucher sẽ phải bù thêm tiền cho bên cung cấp để nhận sản phẩm. |
Người buôn bán nào cũng nói lấy chữ tín làm đầu nhưng vì sao tình trạng buôn gian bán lận lại xảy ra khắp nơi? Mời bạn trao đổi ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về câu chuyện này và chia sẻ những câu chuyện mình gặp phải, những câu chuyện liên quan đến việc mua bán gian dối qua email: [email protected] hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc (comment) ngay dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận