Nhiều cách làm, mô hình, giải pháp, kể cả kiến nghị với mong muốn hoạt động Đoàn góp phần vào xây dựng và phát triển TP, hiệu quả hơn nữa phong trào "Xây dựng khu phố, ấp an toàn - văn minh - sạch đẹp - nghĩa tình".
Vì sự bình yên của cộng đồng
Phạm Thị Thu Dung - bí thư Đoàn phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) - cho biết địa bàn phường rộng, dân cư đến từ nhiều nơi nên có phần phức tạp. Đoàn phường lập câu lạc bộ phòng chống tội phạm có 35 bạn trẻ tham gia, có ba bạn từng lầm lỡ được cảm hóa, trở thành thành viên tích cực tham gia tuần tra cùng công an phường.
"Các bạn đi tuần, tình hình tốt lên, lan tỏa ý thức cảnh giác đến nhiều người dân cùng chung tay bảo vệ trật tự an ninh. Chính các bạn trẻ được cảm hóa nhận ra ý nghĩa hoạt động mình làm" - chị Dung nói.
Còn bí thư Đoàn phường 7 (quận 11) Dương Thanh Tùng chia sẻ cách các bạn phối hợp cùng lực lượng công an, dân quân giữ trật tự tại khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy và khu chợ lạc xoong trên địa bàn.
Các bạn có những phiên tòa giả định đến từng khu dân cư tuyên truyền luật phòng chống ma túy, chống xâm hại tình dục, trang bị thêm kiến thức cho bà con tự bảo vệ mình.
Trong khi đó, hình ảnh của các bạn trẻ tham gia hoạt động tình nguyện tại phường Hiệp Thành (quận 12) đã quen thuộc với bà con. Bí thư Đoàn phường Võ Thị Thùy Dương kể sau giờ làm, nhiều bạn trẻ tình nguyện tham gia đội hình tuần tra từ 21h đến 2h sáng hôm sau để hỗ trợ người đi đường gặp tai nạn hoặc xe hư.
Nhờ vậy, bà con ở phường tin yêu đã đành mà nhiều người đi đường cũng quý mến đội hình này.
Bài toán kết tập bạn trẻ
Chủ đề được quan tâm nhiều vẫn là tập hợp thanh niên, nhất là khi người trẻ có quá nhiều thứ bị cuốn hút như hiện nay.
Anh Nguyễn Thành Luân (phường 16, quận 4) nói đã "tận dụng" quan hệ với các anh chị ở phường để đưa hoạt động đến gần người dân hơn.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Ngọc Tân (phường 1, quận 5) tiếp cận các bạn trẻ thông qua "Tổ công tác thanh niên". Tân chuyển thông tin qua nhóm trên Zalo, mời gọi mọi người tham gia, rồi phân nhóm theo sở thích qua từng hoạt động, từ đó tạo thêm nguồn phát triển đoàn viên, hội viên.
Với địa bàn đông người Chăm, bạn Lê Phạm Ngọc Đức (phường 17, quận Phú Nhuận) chọn thực hiện bản tin song ngữ Việt - Chăm khi cần thông tin.
Còn chị Hoàng Oanh (Quận Đoàn Tân Bình) cho biết đồng bào Khmer sống trên địa bàn phường 10 khá khép kín nên đã nhờ chính những người có uy tín trong cộng đồng mỗi khi muốn đưa một hoạt động nào đến với bà con. Qua đó, phát hiện nhân tố tiêu biểu để tạo nguồn cán bộ Đoàn, đoàn viên là người Khmer.
Dựa vào khảo sát nhu cầu, sở thích, chị Phan Quỳnh Giao (phường 2, quận 6) cho biết Đoàn phường đã lập câu lạc bộ patin cho các bạn trẻ.
Đoàn phường còn phối hợp các đoàn thể khác tổ chức hoạt động tại khu vực chợ Bình Tây, nhờ vậy tăng số lượng thành viên tham gia câu lạc bộ. Các bạn còn đang tính toán các giải pháp để tiếp cận và tổ chức hoạt động cho thanh niên tại các chung cư trên địa bàn.
Chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn
Bí thư Quận Đoàn Bình Tân Nguyễn Lê Trung Hiếu cho rằng việc nghĩ và tổ chức hoạt động gắn với nhu cầu thanh niên, tập trung vào những việc người dân đang cần là đương nhiên chứ không phải "chỉ tổ chức những gì chúng ta có".
"Phải đi vào chuyển đổi số thật mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ vào hoạt động Đoàn, kết tập thanh niên bằng nhiều hình thức. Ngay những chi đoàn đặc thù khó tập trung có thể áp dụng sinh hoạt trực tuyến" - anh Hiếu nói.
Anh Hồ Tấn Đạt (Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM) cho rằng ngoài giữ vững các hoạt động của địa bàn dân cư, cần lựa chọn hình ảnh xuất hiện của Đoàn - Hội sao cho phát huy vai trò xung kích trong hoạt động.
Cần phát huy vai trò bí thư Đoàn phường trong các hoạt động chung của Đảng, chính quyền tại địa phương, đơn vị.
"Cán bộ Đoàn phải biết lắng nghe, chia sẻ, là người bạn của thanh niên, cần được trang bị các kỹ năng cần thiết, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, tham mưu, báo cáo, đề xuất để giải quyết được nhiều vấn đề của thanh niên hơn" - anh Đạt chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận