Vài năm gần đây, khi đảm nhận vị trí quản lý, tôi thường xuyên gặp cảnh các bạn trẻ xin nghỉ việc với lý do để "chữa lành" bằng những chuyến đi.
Với một người trung niên luôn có xu hướng chịu đựng và âm thầm vượt qua mọi thương tổn để hoàn thành công việc như tôi, lý do ấy nghe qua thật kỳ quái. Tuy nhiên, vì tôn trọng tự do của nhân viên, tôi vẫn đồng ý với mọi nhu cầu về việc "chữa lành" của các bạn.
Chữa lành là để tìm đến phiên bản tốt đẹp hơn của mỗi người
Đến chuyến đi Nhật Bản gần đây, khi cùng đi dạo với người bạn, vốn là một chuyên gia tâm lý, tôi mới hiểu dần hơn về khái niệm "chữa lành".
Theo bạn tôi, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có nguy cơ đối diện với những khó khăn, trắc trở trong đời sống gây nên những tổn thương trong tâm lý.
Về lâu dài, sự đứt gãy giữa cá nhân với cuộc sống sẽ khiến con người vô cảm trước mọi thứ, bao gồm công việc, các mối quan hệ cá nhân, thậm chí cả những người họ từng yêu thương.
Nghiêm trọng hơn, họ sẽ bắt đầu hoài nghi chính mình với những câu hỏi như: "Tôi là ai?", "Liệu có ai cần đến sự tồn tại của chính mình không?"…
Lâu dần, từ sự mất cân bằng về mặt tâm lý ấy trở thành những triệu chứng rối loạn lo âu và cuối cùng là bệnh trầm cảm.
Tác hại của bệnh trầm cảm nếu không được quan tâm đúng mức có thể triệt tiêu những cảm xúc tích cực trong đời sống, khiến người bệnh bi quan, chán nản, thậm chí tự kết liễu chính mình.
Nhu cầu được chữa lành với hàm nghĩa đơn giản là giúp đời sống tinh thần được khôi phục và trở lại trạng thái bình thường.
Việc chữa lành những vết thương, vượt qua bệnh trầm cảm cũng có thể đưa bạn đến trạng thái mới, tìm được phiên bản tốt đẹp hơn của bản thân.
Liên tục chữa lành, có đúng không?
Có lẽ do ý thức được vai trò quan trọng của đời sống tinh thần, nhiều người hiện đại ngày nay, đặc biệt là thế hệ trẻ rất quan tâm đến việc "chữa lành". Tuy nhiên, dư luận trong những ngày gần đây thường băn khoăn về vấn đề giới trẻ liên tục gặp trở ngại về tâm lý nên nhu cầu "chữa lành" ngày càng tăng cao.
Bản thân tôi trong thời gian đầu khi liên tục nhận được các lá đơn xin nghỉ việc để đi "chữa lành" cũng rơi vào tình trạng nghi ngờ, băn khoăn như thế.
Tôi vẫn luôn tự hỏi liệu có những tiêu chí để xác định được bản thân thật sự có vấn đề về tâm lý để dành thời gian cho việc chữa lành.
Đơn giản là vì trong thực tế đời sống, nhiều người thường nhầm lẫn mình có "bệnh" và liên tục chữa lành, thậm chí lạm dụng nó như một thói quen. Ngược lại, có những người thật sự bị tổn thương tâm lý, thậm chí là trầm cảm lại luôn e dè và trốn tránh.
Nhưng bạn tôi, một chuyên gia tâm lý, cho rằng dù thực sự có "bệnh" hay không thì nỗ lực của những người tìm kiếm sự chữa lành là cách họ quan tâm đến đời sống tinh thần của mình, nhận ra sự lên xuống bất thường của tâm trạng.
Thái độ đối diện và mức độ chịu đựng tổn thương trong cuộc sống của từng người đều có sự khác biệt. Sẽ chẳng có ai đang vui, hạnh phúc mà chọn từ bỏ công việc hoặc người thân mà chọn rời bỏ để đến nơi khác.
Việc nhận ra vấn đề tâm lý của bản thân và sẵn sàng đề ra nhiều phương pháp để giải quyết triệt để là thái độ sống tích cực mà chúng ta cần phải ghi nhận.
Và có một thực tế chúng ta phải hiểu rằng chẳng phải chờ đến khi tâm lý con người gặp phải tổn thương mới cần được "chữa lành" hoặc "tự chữa lành". Chúng ta phải luôn có những bước chuẩn bị tâm lý ngay từ trong cuộc sống hằng ngày.
Chữa lành là quay về với con người bên trong chính mình
Việc "chữa lành" nên bắt đầu từ việc quay về với chính con người bên trong mình. Thông thường, biện pháp chữa lành mà tôi thường thấy mọi người hay tiến hành là thiền định. Cũng bởi hiệu quả của biện pháp này, theo mọi người đánh giá là có thể giúp mỗi người đạt được những giá trị an lạc trong đời sống.
Dù thế, với thiền định, mỗi người chỉ có thể cảm nhận những thời khắc an lành khi họ thực hành. Để rồi, sau khi dứt ra khỏi thiền định, họ lại tiếp tục rơi vào vòng tròn của những lo toan, sân si thường nhật trong đời sống.
Và vì mong muốn có được những giây phút an lành, họ lại ngồi xuống thiền định tiếp tục mà chẳng thể hiểu nguyên lý của thiền định là ép tâm, tức là ép cho những cảm xúc tham vọng, sân si buồn khổ đi xuống tận đáy, nhằm tạo ra sự an lạc bề mặt.
Việc thực hiện thiền định không chỉ là những giây phút ấy mà còn phải trải qua một quá trình dài lâu, giúp bản thân vững vàng, an định trong mọi tình huống của cuộc đời.
Bản thân tôi cũng từng gặp các bạn trẻ đi những khóa retreat (chữa lành) ở các ngôi chùa, khu rừng, homestay nghỉ dưỡng. Đa phần họ chọn cách tránh né các xô bồ, náo nhiệt của đời sống bằng những "khoảng lặng" với thiên nhiên hoặc bằng một niềm tin vào tín ngưỡng.
Tuy nhiên, sau quá trình ấy, đa phần họ đều bị vướng kẹt vào cảm giác bình yên và an lành mà họ đạt được trong khóa chữa lành.
Họ luôn muốn được sống một cuộc đời an nhàn, buông bỏ hoàn toàn những âu lo, phiền muộn.
Tuy nhiên, giá trị thật sự của việc chữa lành không phải là giúp bạn được trạng thái bình yên ở một khoảnh khắc nào đó, mà là kiên định và can đảm hơn khi đối diện với những sóng gió bên ngoài.
Chữa lành đôi khi chỉ là một khoảnh khắc bản thân tự lắng nghe và quay về với bản chất bên trong của nội tâm, học cách làm bạn với chính mình.
Buổi sáng, thức giấc nghe tiếng chim hót ríu ran, trời nắng đẹp đã là một khoảnh khắc chữa lành. Tối về, được ngồi ăn cùng gia đình, nói những chuyện vô thưởng vô phạt, thấy đủ mặt người thương cũng là một khoảnh khắc tự hàn gắn nỗi đau của bản thân.
Bạn có khi nào có mong muốn được chữa lành? Theo bạn, những chia sẻ "muốn đi chữa lành "của bạn trẻ trên mạng xã hội chỉ để cho vui hay phản ánh mong muốn thật sự của họ? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm mail [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận