24/07/2019 06:13 GMT+7

Từng ngán ngẩm lập trình, nay khởi nghiệp quyết đưa phần mềm Việt ra thế giới

THIÊN THANH
THIÊN THANH

TTO - Chỉ hơn 8 tháng chính thức khởi nghiệp, công ty của chàng trai 29 tuổi Nguyễn Hữu Ân đã thực hiện gần 50 hợp đồng cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có cả những tập đoàn danh tiếng như Ricoh, Softbrain…

Từng ngán ngẩm lập trình, nay khởi nghiệp quyết đưa phần mềm Việt ra thế giới - Ảnh 1.

Nguyễn Hữu Ân (áo trắng, giữa) cùng các lãnh đạo của TESO đón đoàn đại biểu của Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS). Trong số này, có một sinh viên được TESO nhận làm thực tập viên tại Việt Nam - Ảnh: T.S.

Một buổi chiều tháng 7-2019, chiếc xe chở đoàn giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đưa họ đến văn phòng Công ty TESO ở quận 3, TP.HCM. Họ đến không phải để tham quan hay giao lưu, mà đến để tìm hiểu về khởi nghiệp, cơ hội thực tập và cơ hội việc làm.

Vị đại diện bộ phận quan hệ doanh nghiệp của đại học danh tiếng này cho biết lý do chọn TESO là vì họ ấn tượng với mô hình hoạt động và chiến lược của công ty khởi nghiệp này.

Còn vấn đề là còn cơ hội

Trong suốt buổi giao lưu, các sinh viên của đại học được xếp hạng 11 thế giới đã liên tục đặt câu hỏi với ban lãnh đạo công ty. Một sinh viên hỏi giám đốc Nguyễn Hữu Ân: "Tại sao đang làm việc ở Mỹ, anh lại về Việt Nam để khởi nghiệp?".

Nguyễn Hữu Ân đáp: "Tại Mỹ, xã hội đã rất phát triển. Mọi thứ dường như đều đi vào ổn định. Trong khi đó ở Việt Nam, tôi thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết hơn. Tôi quan niệm rằng nơi nào còn nhiều vấn đề thì nơi đó có nhiều cơ hội. Và tôi mong muốn nắm bắt các cơ hội đó để khởi nghiệp".

Trước kia thay vì chỉ nghiên cứu công nghệ, thì bây giờ tôi phải học cách bán hàng, quản lý dòng tiền, quản lý nhân sự, thậm chí là truyền cảm hứng cho cộng sự. Tuy nhiên, tư duy logic của một người làm kỹ thuật giúp tôi bóc tách, xâu chuỗi các vấn đề và điều chỉnh bản thân phù hợp với hoàn cảnh mới.

Nguyễn Hữu Ân

Từng ngán ngẩm lập trình, nay khởi nghiệp quyết đưa phần mềm Việt ra thế giới - Ảnh 4.

Chỉ mới hơn tám tháng khởi nghiệp, Nguyễn Hữu Ân thuyết phục được các đối tác lớn như: Ricoh, Softbrain… - Ảnh: T.S.

Nhìn phong thái tự tin và khả năng truyền tải thông điệp một cách đầy thuyết phục, khó có thể nghĩ rằng Ân chỉ mới chính thức khởi nghiệp với TESO được hơn 8 tháng. Thời điểm này năm ngoái, Nguyễn Hữu Ân vẫn còn là một chàng viên "trắng tay" sinh sống ở quận Hà Đông, Hà Nội.

Đến tháng 8-2018, Ân mới được nhiều người biết đến khi đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tại TP.HCM) tổ chức với ứng dụng CleverTube.

Ứng dụng này sử dụng Machine Learning, Natural Language Processing để xây dựng dữ liệu, cho phép người dùng học từ vựng bằng cách hướng camera vào bất cứ từ tiếng Anh như trên biển báo hay văn bản tiếng Anh ngoài đời thực.

Ứng dụng còn ghi âm, so sánh khẩu hình khi phát âm. Người dùng sẽ dễ dàng biết được khẩu hình đã đúng chưa, phát âm của mình đã chính xác chưa…

Từng ngán ngẩm lập trình

Ngày còn là sinh viên ngành công nghệ phần mềm của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (Hà Nội), chàng sinh viên gốc Nam Định liên tục nghe nhiều bình luận bi quan về nghề lập trình viên. Tâm lý dao động, Ân buông lơi học hành, ngày càng sợ và chán công việc lập trình mà mình được học. Thay vào đó, anh mê làm gia sư dạy tiếng Anh cho các em học sinh quanh học viện.

Đến năm thứ tư, Ân quyết định mở một trung tâm dạy tiếng Anh ở tận… Ninh Bình. Đó không phải là nơi Ân sinh ra và lớn lên hay nơi anh học hành, sinh hoạt. Ân giải thích: "Lúc ấy, tôi nghe nhiều về khởi nghiệp, thấy dạy tiếng Anh có nhiều người học, thu nhập tốt nên quyết chí làm. Rồi tôi tính rằng Ninh Bình là đất du lịch. Nơi ấy chắc chắn có nhiều du khách. Mà nhiều du khách thì người dân cần học tiếng Anh. Tôi định bỏ học, chọn Ninh Bình để tập trung cho sự nghiệp kinh doanh trường ngoại ngữ".

Từng ngán ngẩm lập trình, nay khởi nghiệp quyết đưa phần mềm Việt ra thế giới - Ảnh 5.

Nguyễn Hữu Ân trong thời gian làm việc tại Mỹ. Ân nói: "Tại Mỹ, xã hội đã rất phát triển. Mọi thứ dường như đều đi vào ổn định. Trong khi đó ở Việt Nam, tôi thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết hơn. Tôi quan niệm rằng nơi nào còn nhiều vấn đề thì nơi đó có nhiều cơ hội. Và tôi mong muốn nắm bắt các cơ hội đó để khởi nghiệp" - Ảnh: NVCC

Nhưng, "khởi nghiệp không giản đơn như suy nghĩ hồn nhiên khi bắt đầu. Tôi chưa hiểu ngóc ngách công việc. Đụng vào đâu cũng thấy khó. Sau mấy tháng, tôi chấp nhận đóng cửa", Ân nhớ lại.

Cũng may là khi trung tâm tiếng Anh đóng cửa, Ân kịp quay về trường làm đồ án tốt nghiệp, được ra trường và bắt đầu ngẫm nghĩ về tương lai.

Ân nghĩ một trung tâm ngoại ngữ có thể dạy cho mấy trăm, hay mấy nghìn người. Nhưng nếu dùng ứng dụng, con số đó chắc chắn sẽ tăng lên nhiều. Nghĩ là làm, Ân tập trung cho ứng dụng học tiếng Anh. Suốt 6 năm, vừa đi làm cho các công ty, trong đó có cả công ty của Mỹ, Ân vừa mày mò làm ứng dụng. Và đến ứng dụng thứ 6, Ân mới thành công.

Đoạt giải nhất Startup Wheel 2018, Ân được các nhà đầu tư đặc biệt là doanh nhân Lê Đăng Khoa chú ý, hỗ trợ. Từ cú hích này tháng 10-2018, Ân rời Hà Nội vào TP.HCM, lập công ty TESO. Anh phác thảo ra đường đi để cùng TESO mỗi ngày đào tạo ra những kỹ sư phần mềm Việt Nam chất lượng cao, có thể tạo ra những giải pháp công nghệ cho thị trường IT của thế giới, vốn đang bùng nổ và đầy cạnh tranh.

Chỉ trong 8 tháng, doanh nghiệp nhỏ của Ân đã có những bước đi vững chắc. Anh tập hợp được gần 30 kỹ sư phần mềm giỏi từ những công ty công nghệ lớn, hầu hết đều là những người rất trẻ. Họ sẵn sàng dành trọn thời gian cho công việc, cùng nhau tìm kiếm giải pháp thâu đêm suốt sáng.

Ân đặt mục tiêu đến cuối năm 2019, con số này sẽ tăng gấp đôi là 60 người.

Anh chia sẻ: "Sau 8 tháng nỗ lực, chúng tôi đã tạo ra bước khởi đầu thuận lợi, giành được hợp đồng gia công phần mềm của các tập đoàn công nghệ lớn và lâu đời trên thế giới, như tập đoàn công nghệ gần 90 năm tuổi Ricoh thành lập năm 1936 chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử máy in, máy fax, phần mềm quản lú dữ liệu; Softbrain thành lập 1992- chuyên cung cấp giải pháp nhân sự, bán hàng, ứng dụng SFA/CRM".

Nói về Teso, đại diện Bizman, một công ty có tiếng trong lĩnh vực quảng cáo, đánh giá Teso đã tư vấn, hỗ trợ hiệu quả cho Bizman, chứng minh được năng lực và đưa ra gói dịch vụ phù hợp.

Tiến sĩ y khoa 31 tuổi có 27 bài báo quốc tế

TTO - Ở tuổi 31, Trần Ngọc Đăng (tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chăm sóc con người ĐH Tsukuba, Nhật Bản) đã có số bài báo công bố quốc tế ấn tượng, thậm chí gần bằng tuổi đời.

THIÊN THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên