Li ti- Tùng Dương (Liveshow Trời và Đất)
Khi con người muốn vươn tới những nấc thang mới về trí tuệ để làm những điều phi thường, tạo ra những cuộc cách mạng hay cải tiến công nghệ, dùng robot để có năng suất hơn người... thì chúng ta còn lại gì để xích lại gần nhau? Chính là trái tim của mỗi người. Trong thời đại này, giữ được cảm xúc là điều rất đáng quý.
Ca sĩ Tùng Dương
Tùng Dương là mẫu nghệ sĩ có "cái tôi" lớn, vừa kiêu hãnh, cứng đầu, dễ nổi loạn, lại vừa khôn ngoan, tỉnh táo, hãnh tiến và ít nhiều có máu "ăn thua".
Chứng minh cho "chân dung" ấy là khi anh từng thẳng thắn cho rằng "làm ca sĩ mà nói không cần nổi tiếng là nói dối".
Hay trong buổi họp báo về liveshow Trời và đất, anh không ngần ngại bảo: "Tạo ra cái mới, nếu có thất bại thì tôi vẫn làm".
Thuộc lứa ca sĩ bước ra từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn từng đình đám một thời trước khi bùng nổ truyền hình thực tế; cho đến giờ nhìn lại, nếu để nói ai có khả năng "giữ lửa nghề" lâu nhất thì hẳn đó là Tùng Dương và Hà Anh Tuấn.
Hai giọng nam này mỗi người một cá tính, phong cách khác nhau và sau hơn một "thập kỷ hoan ca", họ đều không ngừng ra sản phẩm, tìm tòi để vượt lên chính mình.
Tùng Dương nói, vì trễ hẹn khán giả với dự án âm nhạc mới Rễ cây hợp tác cùng nhạc sĩ Sa Huỳnh (sau dự án Độc đạo thực hiện cùng nhạc sĩ Nguyên Lê), nên anh thực hiện liveshow và DVD Trời và đất để "giữ lửa nghề".
Có lúc thịnh, lúc suy thì cảm xúc mới căng đầy
* Khán giả thấy Tùng Dương rơm rớm nước mắt, và cúi gục sau khi kết thúc ca khúc "Trời và đất" của Lưu Hà An trong liveshow cùng tên. Điều gì khiến anh rung động đến thế?
- Tôi khóc vì cảm xúc trong tôi lúc ấy dâng cao do ca từ của bài hát: "Trời và đất bao la như tình con người, bên nhau không thể tách rời, mãi bay cao như tiếng hát con người".
Những quãng cao của nó đã vượt qua cơ thể nhỏ bé của tôi, để tôi đưa tới thông điệp về trời và đất.
Ở khoảnh khắc đó, tôi thấy được là chính mình nhất và thấy hạnh phúc khi được khán giả đồng cảm.
Tôi cũng khóc vì anh em chiến hữu như nhạc sĩ Lưu Hà An, Thanh Phương hay bốn ca sĩ khách mời đã hết mình, có người không nhận sô để sát cánh cùng tôi.
* Với "Trời và đất", phải chăng anh muốn truyền đạt tư tưởng dù mỗi con người trong vũ trụ lớn lao và siêu hình này nhỏ bé li ti, như những tiểu tinh cầu sinh ra ở chốn quê nào đó, rồi lần lượt tan biến, thì điều còn ở lại, có ý nghĩa nhất lúc tồn tại là tình yêu mà con người dành cho nhau?
- Bạn đã hiểu rất đúng về tư tưởng của sô diễn. Nếu tôi chỉ hát tình ca, về những mối tình nhỏ bé cá nhân, chắc chắn tôi không rơi nước mắt đến như vậy.
Lý do tôi mời 4 nghệ sĩ nữ mà không phải 4 nghệ sĩ nam cũng là để biểu đạt cho âm và dương - luôn ở hai thái cực, nhưng luôn tồn tại như quy luật bất biến.
* Các ca sĩ khách mời Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần trong sô ấy - ngoài sắm các vai Kim, Mộc, Thủy, Hỏa trong ngũ hành - còn như một cực "âm" song chiếu cùng cực "dương" là Thổ - Tùng Dương. Trong sự đối thoại này, âm - dương có hòa hợp, cân bằng, hay 4 nữ ca sĩ khiến cho âm thịnh và... dương suy?
- "Âm" và "dương" trái dấu và luôn hút nhau. Tôi vui vì đã kết nối các giọng ca nữ mà tôi trân quý để hút... tôi ngược lại, nên chắc không có ai "suy" cả (cười).
Khi làm chương trình, tôi chỉ nghĩ sao cho cả tổng thể hấp dẫn. Các khách mời như những mảnh ghép nối để chương trình mang đến nhiều cung bậc cảm xúc.
Trong nghệ thuật, chúng tôi bay lơ lửng giữa trời và đất và đó là điều quan trọng giúp chúng tôi tiếp tục sáng tạo với sứ mệnh của mình - luôn hư hư thực thực và có lúc thịnh, lúc suy thì cảm xúc mới căng đầy.
Ca sĩ Tùng Dương
Mẹ Tôi - Trần Tiến; Ca sỹ: Tùng Dương
Tôi chọn cách đi ngược quy chuẩn thông thường
* Con người Tùng Dương ngoài đời và trên sân khấu có đồng nhất?
- Hồi mới đi hát, nhân sinh quan của tôi khác nhiều so với hiện tại. Lúc rơi vào trạng thái cô đơn, tôi muốn khai thác cùng cực điều ấy bằng tác phẩm, nên giữa tôi và những gì tôi hát là đồng nhất.
Thời gian thực hiện album Những ô màu khối lập phương với nhạc sĩ Đỗ Bảo, tôi chỉ có cảm hứng thu thanh ban đêm, khi thành phố đã đi ngủ. Lúc đó tôi mới hóa thân tuyệt đối để hát về thân phận con người.
* Nhiều khán giả vẫn dùng những từ "lên đồng", "quái", "lập dị", "ma mị"... để nói về Tùng Dương. Anh thấy sao?
- Tôi không bào chữa. Những tính từ đó là cảm nhận của số đông khán giả, khi họ nghe và xem tôi hát. Điều này thể hiện có cái gì đó không theo quy chuẩn và mô phạm, dù tôi trải qua đào tạo bài bản tại Nhạc viện.
Với những khán giả chọn dòng nhạc của tôi để thưởng thức kỹ càng hơn, có thể họ chia sẻ với tôi những ngóc ngách cảm xúc mà tôi vẽ nên từ thế giới nội tâm, những thông điệp âm nhạc tôi đưa ra trong mỗi sản phẩm.
* Có khá nhiều lời bình luận trên mạng thốt lên "không nghe nổi" với âm nhạc và "lố lăng, quái đản" với cách phục trang của anh. Anh có thể chia sẻ điều gì?
- Âm nhạc như món ăn. Thời trang cũng vậy, thuộc về quan niệm và thẩm mỹ của từng người. Sự cực đoan của bạn sẽ đem lại cho bạn những khán giả tương đồng.
Tinh thần nghệ thuật tiên phong (avant garde) tôi hướng đến và lựa chọn luôn được xem là đi ngược lại quy chuẩn thông thường.
Tôi thể hiện tinh thần đó ở sự tổng hoà nhiều mặt trong không gian của tôi. Ở liveshow Trời và đất, tinh thần avant garde thể hiện ở thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hòa âm, tác phẩm trình diễn và đương nhiên là thời trang.
Nhưng nếu số đông khán giả không thích tôi trong phong cách ấy thì vẫn tìm được Tùng Dương của tình ca khi hát Quê nhà, Mẹ tôi, Nơi đảo xa...
Với môi trường âm nhạc trong nước cũng như yêu cầu của các nhà tổ chức, việc phải biến hoá để thích nghi là chuyện hết sức bình thường.
Bản thân tôi có những lúc cũng muốn mình giản dị, gần gũi, thật đời. Do vậy, đó là cách tôi cân bằng lại chính mình dù có thể nhận được ý kiến trái chiều. Tôi nghĩ đơn giản, những khán giả không nghe được nhạc của mình, có thể là vì họ chưa đủ duyên với mình.
Ca sĩ Tùng Dương
Tùng Dương trong show "Trời và đất" - Ảnh: ĐẶNG TUẤN DƯƠNG
Tôi gai góc nên hợp với mùa đông
* Trong liveshow "Trời và đất", anh ví mình thuộc về hành Thổ (đất) với chất giọng "thổ". Còn ở đêm nhạc "Son" vào 13-10 tới, Tùng Dương được đặt trong hình ảnh mùa đông vì sự bí ẩn, gai góc. Anh thấy mình có mối liên hệ nào với hai hình ảnh này?
- Nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói tôi có chất giọng "thổ " cũng có thể vì giọng hát của tôi khi vào mic thì dày, căng và có tiếng xì xì khi hát quãng trầm...
Quãng giọng của tôi phù hợp với những bài hát khai thác nội tâm mạnh và có phần gai góc.
Cũng vì sự gai góc mà tôi hợp với mùa đông. Cái lạnh thường mang lại cảm xúc tê tái, lẻ loi, cô đơn, nhưng cũng khiến người ta chiêm nghiệm nỗi buồn sâu hơn.
Tôi được khán giả biết tới với ca khúc Đường xa tuyết trắng trong phim Hai phía chân trời. Những lúc đi lưu diễn xa nhà, xa gia đình, cảm nhận cái lạnh và tuyết rơi của mùa đông nơi xứ người khiến tôi cảm nhận rõ hơn, thấm thía hơn tác phẩm.
* Cũng trong đêm nhạc "Son" khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ qua âm nhạc, Tùng Dương được chọn hát trong phần về mẹ. Gần như trong bất cứ đêm nhạc nào có anh biểu diễn ở Hà Nội thì đều thấy mẹ anh có mặt. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Tùng Dương?
- Đúng là mẹ không vắng mặt bất cứ sô diễn nào của tôi. Dù vậy mẹ là người không thích xuất hiện trước đám đông, luôn lặng lẽ một góc để cảm nhận sự thay đổi, trưởng thành của tôi và là người hiểu tôi nhất. Điều đó giúp tôi vững vàng hơn trong mỗi thử thách, lựa chọn.
Có những lúc chúng ra không làm vừa ý cha mẹ, có thế vì sự khác biệt về quan điểm cá nhân giữa hai thế hệ, nhưng với tôi, cha mẹ luôn là những người vị tha nhất.
Còn với những điều khó nói trực tiếp với mẹ thì khi hát những bài về tình mẫu tử là cách tôi có thể chia sẻ lòng mình.
Tuy vậy, con người chúng ta luôn thay đổi và chịu nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động theo thời gian. Ta chỉ có một bản ngã, nhưng vẫn có nhu cầu chinh phục những gì nằm ngoài giới hạn của mình. Chính vì vậy, bạn sẽ luôn thấy tôi có nhiều trạng thái khi hát, trình diễn. Đó là vì tôi muốn làm khác đi với chính mình.
Ca sĩ Tùng Dương
Tùng Dương cùng Thanh Lam, Hà Trần trong đêm Trời và đất - Ảnh: ĐẶNG TUẤN DƯƠNG
Quá nhiều hậu thuẫn thì khó tạo dấu ấn sâu đậm
* Kể từ Lễ hội âm nhạc "Gió mùa 2016", đã tròn một năm Tùng Dương giới thiệu dự án "Rễ cây" mà đến nay vẫn... bặt vô âm tín. Vậy "Rễ cây" đã mọc đến đâu, khi nào album ra mắt khán giả?
- Rễ vẫn đang mọc rất... từ từ, vì anh Quốc Trung quá bận bịu với những chuyến đi thực nghiệm nước ngoài.
Tôi rất mong trong khoảng thời gian sớm nhất, khi anh thực hiện xong Monsoon năm nay, chúng tôi có thể bắt tay tiếp tục dự án.
* Mới đây anh gặp lùm xùm khi bày tỏ quan điểm về nhạc bolero. Có phải với anh hát nhạc trữ tình hay bolero là công việc của một ca sĩ, còn khi quyết liệt tiên phong, không ngại ngược dòng thì đó là tinh thần của một nghệ sĩ trình diễn?
- Dù là ca sĩ hay nghệ sĩ, tôi vẫn chỉ chọn hát những gì phù hợp với tạng của tôi. Đừng làm những gì quá khác so với khả năng của mình. Sự kiến tạo cần nằm trong khả năng và thẩm mỹ của mình.
Tôi không thể mãi là một con tắc kè hoa. Tôi vẫn biến hoá nhưng trên cơ sở Tùng Dương sẵn có và Tùng Dương luôn cập nhật.
Giờ tôi đã 35 tuổi. Tôi đang ở giai đoạn sung sức nhất nhưng không có nghĩa là trẻ nhất. Bởi vậy làm cho tâm hồn tươi trẻ, bắt kịp xu hướng mới là áp lực với mỗi nghệ sĩ. Do vậy tinh thần dám nghĩ dám làm là điều kiện tiên quyết để mở toang không gian của mình và không bị dẫm chân tại chỗ.
Ca sĩ Tùng Dương
Ảnh do NV cung cấp
* Hiện tại nhìn vào thị trường âm nhạc Việt Nam, điều gì khiến anh lạc quan và bi quan?
- Ở góc nhìn cá nhân, điều tôi thấy tích cực là các nghệ sĩ gạo cội như anh Quốc Trung, chị Hà Trần, Hồng Nhung, Mỹ Linh... vẫn chuẩn bị ra mắt dự án mới, vẫn tiếp tục sáng tạo.
Ở dòng chảy khác, các bạn trẻ đang có nhiều sự hậu thuẫn của nhiều cánh cửa như truyền thông, các cuộc thi, gameshow... để giới thiệu về mình.
Tuy nhiên vì có số lượng quá lớn các chương trình, phương tiện nên sự xuất hiện của họ dễ bị nhàm và khó tạo dấu ấn sâu đậm với khán giả.
Tôi thấy rằng việc chinh phục khán giả qua thời gian, với sự bền bỉ mới là điều đáng nói. Bởi thế, tôi vẫn luôn nỗ lực, khổ luyện và đặt ra những thử thách cho mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận