Vì sao các chuyên gia, doanh nghiệp, ngân hàng từng đề nghị và mong Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường, nhưng khi đấu thầu vàng, doanh nghiệp ngại tham gia?
Quá nhiều quy định bất hợp lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định nguyên nhân chính khiến chỉ có một đơn vị tham gia và NHNN phải hủy thầu phiên sáng 25-4 là vì khối lượng tối thiểu đặt thầu cũng như mức giá đặt cọc rất bất hợp lý.
"Cả nước hiện có 38 đơn vị kinh doanh vàng nhưng có rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực để mua một lần 1.400 lượng vàng, tương đương hơn 110 tỉ đồng. Bên cạnh đó mức giá đặt cọc quá cao trong bối cảnh giá vàng thế giới 3 ngày gần đây giảm khá sâu", ông Long nói.
Mặt khác, theo các chuyên gia về vàng, người dân cũng như giới đầu tư hết sức cân nhắc mua vàng để trú ẩn lúc này khi giá vàng đang biến động rất mạnh. Doanh nghiệp phải tính đến lợi nhuận, nếu trúng thầu, doanh nghiệp phải bán cao hơn mức giá trúng thầu.
"Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, mục tiêu là nhằm ổn định thị trường vàng trong nước, kéo chênh lệch giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Nhưng qua phiên đấu thầu vàng đầu tiên, mục tiêu này chưa đạt được", một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh vàng nói.
Cũng theo các chuyên gia, việc NHNN đưa ra mức giá đặt cọc cũng như giá sàn quá cao khiến giá vàng trên thị trường "té nước theo mưa" và doanh nghiệp vàng cũng không dám tham gia, nhất là ở trước kỳ nghỉ lễ dài vì sức mua yếu và rủi ro rất lớn nếu trong thời gian nghỉ lễ giá vàng thế giới sập mạnh.
"Ở lần đấu thầu 11 năm trước, NHNN quy định khối lượng tối thiểu là 500 lượng. Như vậy là vừa sức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vàng cùng tham gia, qua đó tăng nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường.
Theo tôi, lần đấu thầu này cũng nên áp dụng quy định khối lượng tối thiểu như vậy. Nếu không, các doanh nghiệp vàng sẽ rất cân nhắc", chuyên gia Trần Duy Phương nói.
Rủi ro cho doanh nghiệp
Từng đại diện một doanh nghiệp vàng lớn tham gia nhiều phiên đấu thầu vàng 11 năm trước, ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác Mới (NPJ), cho hay để đấu thầu vàng thành công, NHNN cần sửa ngay các quy định bất hợp lý hiện nay.
Theo ông Trọng, phải nhìn thẳng vào thực tế là doanh nghiệp chỉ tham gia đấu thầu khi thấy có lợi nhuận chứ khó đòi hỏi doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia để tăng cung hay kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Trên thực tế nếu trúng thầu vàng phiên 25-4, phải qua kỳ nghỉ lễ doanh nghiệp mới nhận được vàng.
"Trong khi đó thời gian từ đây qua lễ là quá dài, biến động của giá vàng thế giới rất khó lường. Chưa kể không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn vàng để bán ra trước khi nhận vàng về để bù trạng thái. Nếu vậy, doanh nghiệp đấu thầu xong phải chờ một tuần nữa vàng về, rất rủi ro", ông Trọng nói.
Ông Trọng cũng nhấn mạnh rằng song song với việc hạ khối lượng tối thiểu đặt thầu xuống khoảng 500 lượng, mức giá sàn NHNN đưa ra cũng cần hấp dẫn hơn thay vì ở mức cao như những ngày qua. "NHNN cần đánh giá đúng dung lượng thị trường, sức tiêu thụ của người dân cũng như thực lực của doanh nghiệp chứ nếu quy định như hiện nay rất ít doanh nghiệp dám đấu thầu. Như vậy mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới khó mà thực hiện", ông nói thêm.
Quản lý chặt khối lượng giao dịch vàng
Ngày 25-4, báo cáo tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra bổ sung kinh tế - xã hội năm 2023, các tháng đầu năm 2024, Bộ KH&ĐT cho rằng việc quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn.
Dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng phản ánh ý kiến cho rằng ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Nhất là hành vi ưa thích vàng, ngoại tệ ngày càng gia tăng.
Theo ý kiến này, việc quản lý thị trường vàng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường. Điều này được phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng.
- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (ủy viên Ủy ban Kinh tế):
Cần quản lý chặt khối lượng vàng mua bán
Việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng SJC là đúng, kịp thời. Tuy nhiên quan trọng là thị trường cần phải được quản lý tốt hơn. Việc chênh lệch giá vàng không phải chuyện lớn mà quan trọng công tác quản lý thế nào. Cứ nói giá vàng cao nhưng không biết khối lượng vàng bán ra mỗi ngày là bao nhiêu.
Do đó tôi đề nghị tất cả các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ. Nếu quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm kinh doanh, sẽ không có tình trạng thao túng. Với công nghệ hiện nay, tất cả khối lượng bán ra ở các cửa hàng đều có máy cập nhật, không quá khó. Làm được việc này sẽ triệt tiêu lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng.
Phải biết khối lượng mới ra được quy mô giao dịch, mới đưa ra được quyết định chính sách phù hợp chứ không thể thông tin mù mờ như hiện nay, chỉ biết giá chứ không biết khối lượng mua bán. Vì vậy cần có quy định về quản lý khối lượng trong ngày. Ngoài ra cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo minh bạch, chấp hành pháp luật trong kinh doanh, nhất là về thuế của thị trường vàng là rất cần thiết.
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):
Độc quyền vàng không ổn?
Việc độc quyền thị trường vàng miếng trong những năm trước đưa ra là đúng và giúp người dân không có thói quen tích trữ vàng hay làm vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay và các thị trường khác được xác lập như thị trường chứng khoán, trái phiếu... mà vẫn giữ độc quyền là không ổn.
Điều này dẫn đến thị trường vàng không vận hành được theo đúng kinh tế thị trường và giá trong nước bị méo mó, luôn luôn chênh lệch với thị trường thế giới. Do vậy, để quay lại trở về kinh tế thị trường, cần tạo lập lại thị trường vàng như trước đây. Tuy nhiên, cần có thời gian và công cụ hữu hiệu, đồng thời phải tham vấn thêm ý kiến của các chuyên gia kinh tế, tài chính.
- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế):
Nên xuất hóa đơn điện tử, kết nối cơ quan thuế
Việc các doanh nghiệp không tham gia đấu thầu vàng cho thấy mức giá NHNN đưa ra đang cao, chưa phù hợp với thực tế. Bởi doanh nghiệp đấu giá muốn mua được vàng để kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhưng phải ở mức giá phù hợp, có lãi.
Cũng cần nói thêm việc quản lý thị trường vàng theo nghị định 24 được ban hành từ năm 2012 đến nay, sau gần 12 năm vẫn chưa thay đổi. Do đó, cần sớm nghiên cứu để sửa đổi. Nhưng sửa đổi thế nào để phù hợp với tình hình hiện tại, điều kiện kinh tế Việt Nam đang là vấn đề được đặt ra.
Nhiều người cho rằng cần bỏ độc quyền vàng miếng nhưng theo tôi không nên bỏ, bởi vàng là ngoại hối còn quý hơn tiền. NHNN vẫn quản lý chặt các đồng ngoại tệ, không có lý gì lại không quản lý vàng. Hơn nữa, mục tiêu quan trọng nhất phải hướng dòng ngoại tệ, dòng vàng vào phục vụ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm.
Tuy nhiên theo tôi, cần phải tăng cường kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với những doanh nghiệp, cửa hàng được phép kinh doanh vàng. Đặc biệt, nên có việc xuất hóa đơn điện tử và có kết nối với cơ quan thuế cho những hoạt động mua bán vàng.
Điều này sẽ giúp thị trường vàng hoạt động công khai minh bạch hơn; việc đầu tư, quản lý vàng trở nên dễ dàng hơn đối với thị trường cũng như đối với nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận