Dự kiến Toyota sẽ công bố mức lợi nhuận cao kỷ lục 30 tỉ USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024. Báo cáo sẽ được công bố vào cuối tháng 4.
Trước đó, Toyota đã công bố đạt doanh số cao kỷ lục với 11,2 triệu chiếc (bao gồm cả Lexus, Daihatsu và Hino).
Toyota từng bị cho là "Nokia thứ hai"
Giai đoạn 2022 đầu năm 2023, Toyota từng chịu nhiều chỉ trích do có chiến lược làm xe điện khá chậm rãi. Nhiều nhà phân tích dự đoán Toyota sẽ là "Nokia" hay "Kodak" của làng xe.
Nokia và Kodak từng là những tên tuổi đầu bảng trong lĩnh vực điện thoại và máy ảnh, nhưng đã trượt dài do chậm đổi mới.
Ngay cả Bloomberg cũng dẫn lời các nhà phân tích của tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Jefferies cho rằng Toyota đã sai lầm lớn trong chiến lược xe điện và việc hãng phản đối xe điện vì tư lợi cá nhân, do đã đầu tư quá nhiều vào hybrid.
Tuy nhiên, Toyota quan ngại về việc chỉ tập trung phát triển xe điện: "Chính khách hàng, không phải nhà sản xuất hay các quy định hành chính, sẽ quyết định loại ô tô nào được bán trong tương lai".
Điều này đã phần nào được chứng minh trong thời gian gần đây. Xe điện vẫn phát triển, nhưng tùy từng thị trường và tốc độ không còn ở mức "chóng mặt".
Chính phủ nhiều nước dỡ bỏ dần trợ giá/ưu đãi. Nhu cầu chưa cao chủ yếu do vấn đề giá cả và hạ tầng. Các hãng đối mặt với tình trạng dư thừa công suất, thổi bùng cuộc chiến hạ giá dẫn đến thua lỗ tính trên đầu xe.
Nhà phân tích: "Chúng tôi đã sai về Toyota"
14 tháng và 3 quý sau bài báo gay gắt của Bloomberg, Toyota báo cáo lợi nhuận ròng quý 3 tăng 107,9%.
Trong khi nhiều hãng buộc phải chấp nhận giảm giá để đẩy đi xe điện tồn kho, Toyota kiếm lợi từ xe hybrid cũng như xe xăng dầu.
Nhu cầu cao đến mức hãng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận năm lên 14%.
Trong khi đó, Tesla liên tục trượt mục tiêu quý. BYD trở thành hãng bán xe điện nhiều nhất thế giới năm 2023. Song nhà đầu tư vẫn quan ngại do lượng hàng tồn cao cùng giảm giá thường xuyên "ăn mòn" lợi nhuận.
Nay, các nhà đầu tư đang tìm cách đổ tiền vào Toyota. Trong 12 tháng qua, cổ phiếu Toyota tăng 105%, Tesla giảm 4%, còn BYD giảm 16%.
Tháng 2-2024, nhà phân tích chuyên về ô tô Adam Jonas của Morgan Stanley thừa nhận: "Tôi nợ Toyota một lời xin lỗi. Từ năm 2019 đến năm 2021, chúng tôi đã dự đoán xe hybrid tàn lụi do sự thay đổi trong quy định, xu hướng xe điện bùng nổ và thị hiếu người tiêu dùng.
Chúng tôi đã sai lầm. Xe hybrid đang chứng tỏ là công nghệ chuyển đổi khả thi xác định người thắng kẻ thua trong năm 2024".
"Điện là tương lai, hybrid là hiện tại"
Quan điểm của Toyota vẫn thống nhất từ đó đến nay. Đó là nhu cầu được thúc đẩy bởi trợ cấp không phải là nhu cầu thực sự. Hãng không chống xe điện, cũng không ủng hộ xăng dầu hay hybrid, mà chỉ quan tâm khách sẽ mua xe gì.
Toyota cũng cho rằng xe điện sẽ sớm là phương tiện của tương lai. Nhưng "sớm" không đồng nghĩa với việc ngay ngày mai người dùng sẽ đồng loạt bỏ xe xăng và quay sang điện. Do đó, cần tìm cách tồn tại trong lúc chờ ngày đó đến.
Nỗi lo ngại của Toyota hoàn toàn có cơ sở. Chủ tịch Changan Zhu Huarong ước tính 60-70% trong số 148 thương hiệu của Trung Quốc sẽ biến mất trong vài năm tới.
Hiện nay, trong các thương hiệu Trung Quốc có làm xe điện, chỉ BYD và Li Auto có lãi. Cả hai hãng này đều không dồn 100% cho xe điện khi đầu tư cho cả động cơ plug-in hybrid và xe điện phạm vi mở rộng (vẫn chạy bằng động cơ điện song có thể sạc từ động cơ xăng).
Trong khi đó, những thương hiệu thuần điện như Nio, Xpeng, thậm chí cả Tesla, đều đang chật vật. Tesla đã tạm thời gác lại phát triển xe điện giá rẻ, mẫu bán tải điện mới ra mắt đầy lỗi, đồng thời sa thải hàng loạt nhân công và một số lãnh đạo.
Kế hoạch năm 2024: Toyota sẽ chủ động đi chậm lại
Bất chấp doanh số và dự báo lãi kỷ lục, chủ tịch Akio Toyoda lo ngại kết quả kinh doanh quá tốt dễ khiến "ngủ quên trên chiến thắng". Ví dụ tiêu biểu là vụ việc ở Daihatsu.
Do đó, trong thời gian tới, CEO Koji Sato sẽ nói về xe. Trong khi đó, ông Toyoda, với tư cách chủ tịch HĐQT, sẽ tập trung vào nền tảng cho tương lai của công ty, cụ thể là con người.
Phát biểu vào tháng 1-2024 khi công bố tầm nhìn mới của Toyota, ông Toyoda cho biết: "Khi con số tăng trưởng, người ta sẽ ca ngợi anh.
Ai cũng thích được khen, điều đó chẳng có gì sai trái. Nhưng chúng tôi cần xem xét kỹ doanh số và lợi nhuận này đến từ đâu.
Chỉ thu hoạch trên những cánh đồng mà người xưa đã cẩn thận để lại là cách quản lý không thể đi đường dài".
Toyota vẫn chưa công bố dự báo cho năm tài chính 2024, nhưng giám đốc tài chính Yoichi Miyazaki đã ám chỉ về việc chủ động giảm tốc doanh số ở "tốc độ phù hợp".
Ông cho biết do tăng trưởng nóng, cung không đủ cầu khiến khách hàng phải chờ đợi, đề cập đến tình trạng thiếu linh kiện chip dẫn đến thời gian bàn giao xe kéo dài năm 2021 và 2023.
Daihatsu có thể là minh họa cho việc giảm tốc này. Toyota đã loại bỏ bớt các quy trình báo cáo rắc rối, kéo dài thời gian phát triển xe thêm 40%, xóa bỏ một số chức danh lãnh đạo trong Daihatsu.
Mọi cuộc cải tổ đều cần thời gian. Do đó, trong thời gian "chậm lại một cách có chủ đích", có khả năng những mẫu xe vốn do Daihatsu phát triển, chủ yếu ở thị trường Đông Nam Á và mới nổi khác, sẽ "ra lò" chậm hơn.
Điều đó nghĩa là những Yaris, Yaris Cross, Raize, Vios… nâng cấp/thế hệ mới sẽ xuất hiện chậm hơn dự tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận