Cho trẻ học thêm những kỹ năng sống bằng cách dạy trẻ thu gom rác thải tại các công viên, góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh: N.V.C. |
Hiện nay, nhất là cha mẹ ở thành thị, vì có điều kiện nên không ngại đầu tư cho con học thêm, làm sao con luôn ở vị trí dẫn đầu của lớp.
Không gặt lúa non
Một số phụ huynh muốn con mình thật hoàn thiện, nhất là ngoại ngữ, nên không tiếc tiền cho con “chạy sô” ở các trung tâm ngoại ngữ. Thậm chí có những trẻ mới chỉ biểu hiện chút năng khiếu nào đó cũng được phụ huynh đầu tư để sớm bộc lộ tài năng.
Một phụ huynh gần nhà tôi luôn tự hào vì con chị đang học mẫu giáo mà có thể đọc thông, viết thạo, biết đếm từ 1-100 bằng tiếng Anh. Chị nói bé có năng khiếu ngoại ngữ nên tuần nào cũng cho con đi học thêm ngoại ngữ vào các buổi tối, mong con gái sẽ thành thạo tiếng Anh khi học cấp I.
Tuy nhiên, quá kỳ vọng vào khả năng của con trẻ, đến khi thất vọng thì không biết đổ lỗi cho ai. TS giáo dục Nguyễn Minh Thức (ĐH Nguyễn Huệ) cho rằng: “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nếu không hiểu trẻ có gì, khả năng đến đâu thì việc áp đặt quá mức cho trẻ dẫn đến lợi bất cập hại, đó cũng là phản giáo dục”.
Về trí tuệ: Độ tuổi cũng như khả năng của trẻ còn giới hạn nhất định, nếu trẻ phải nhồi nhét một khối lượng kiến thức đồ sộ, trẻ không thể tiêu thụ được. Không phải trẻ không hiểu mà quan trọng là trẻ sẽ lĩnh hội và sử dụng kiến thức đó thế nào. Vì thế, khi bị nhồi nhét quá mức chẳng khác gì chai nước đổ đầy sẽ tràn ra ngoài. Chẳng hạn trẻ mẫu giáo nếu học viết chữ trước thì thời gian và công sức dành cho việc luyện chữ phải nhiều hơn so với đứa trẻ đúng tuổi.
Về cảm xúc: Với từng độ tuổi khác nhau, hoạt động chủ đạo cũng khác nhau và điều đó kéo theo sự biến đổi tâm lý của trẻ khác nhau. Chẳng hạn, tuổi mẫu giáo chơi là chủ đạo, nhưng nếu cha mẹ bắt con phải học chữ trước trẻ dễ chán nản, mất hứng thú, cảm xúc bị khóa chặt.
Về sức khỏe: Trẻ có thể mắc bệnh vì cơ thể yếu ớt, thậm chí còn mắc chứng rối loạn tâm thần do học quá nhiều. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, sự vận động của trẻ cũng khác nhau và đòi hỏi người lớn tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các loại hình hoạt động hơn là quá mải mê với chuyện học. Nhiều trẻ bị chứng béo phì, hoặc quá yếu ớt khi phải miệt mài với đèn sách quá sớm hoặc quá nhiều.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Trước hết, mỗi phụ huynh cần xác định sự tiến bộ của con trẻ là quá trình lâu dài, phức tạp và đòi hỏi sự hỗ trợ khoa học từ phụ huynh và nhà trường.
Mỗi đứa trẻ, mỗi độ tuổi có sự phát triển tâm lý riêng biệt, đòi hỏi sự tác động giáo dục một cách khoa học và phù hợp nhất. Mỗi đứa trẻ có một giới hạn riêng cho sự tác động của giáo dục, vì thế không phải cứ giáo dục thế nào thì trẻ thế đấy.
Trẻ không có năng khiếu văn học thì không thể thành một nhà văn nổi tiếng. Trẻ không có năng khiếu bóng đá thì cũng không thể thành một cầu thủ giỏi...
Cha mẹ tùy theo độ tuổi, năng khiếu, năng lực của trẻ để có sự tác động phù hợp nhất. Cần cho trẻ tích cực tham gia các hoạt động, các lớp bồi dưỡng kỹ năng sống một cách hợp lý nhất.
Nếu có thể, cha mẹ cho trẻ về quê trong những dịp nghỉ dài ngày và tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động ở quê, như chăn trâu, cuốc hái... để hình thành những kỹ năng sống một cách bền vững hơn. Những ngày nghỉ, có thể cho trẻ hòa cùng thiên nhiên để trẻ tự khám phá, thu gom rác thải, học cách bảo vệ môi trường...
Thường xuyên theo dõi, động viên khích lệ dù chỉ là một thành tích rất nhỏ, đó là sự quan tâm cần thiết của người lớn. Không nên mong muốn con cái phải toàn diện vì trên đời này chẳng có ai toàn diện mà luôn bên cạnh trẻ để đồng hành với những thành tích đạt được.
“Giao việc cho con trẻ nhưng đừng khoán trắng sẽ dẫn đến thất bại nhanh chóng, thay vào đó chia nhỏ các công việc và thực hiện nhiều lần sẽ giúp trẻ củng cố, hình thành những thói quen, hành vi cơ bản cho cuộc sống sau này |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận