Bạn Huỳnh Nga (Trường trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TP.HCM) được các sinh viên ngành kỹ thuật không gian (Trường đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM) hướng dẫn xem kính viễn vọng khi đến ngày hội tư vấn xét tuyển tại TP.HCM - Ảnh: MINH DUY
Tại TP.HCM, ngày hội được tổ chức ở Trường ĐH Bách khoa (268 Lý Thường Kiệt, quận 10) với 120 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cơ sở giáo dục.
Ngày hội tại Hà Nội được tổ chức ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (số 1 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng) với 130 gian tư vấn.
Hai ngày hội nằm trong khuôn khổ Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Toàn cảnh ngày hội tư vấn xét tuyển ở Hà Nội - Ảnh: DANH TRỌNG
"Mong được tư vấn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển"
Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 tại Hà Nội và TP.HCM giúp cung cấp thông tin chính xác nhất để thí sinh tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp.
Tại khu vực tư vấn của ban tổ chức ở hai ngày hội đều có đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) trực tiếp cung cấp thông tin mới nhất về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Các thành viên ban tư vấn của ngày hội do Tuổi Trẻ xây dựng đều là chuyên gia tuyển sinh, hướng nghiệp giàu kinh nghiệm sẽ giải đáp mọi thắc mắc về tuyển sinh, chọn ngành nghề và hướng dẫn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Ngày hội tại Hà Nội còn có đại diện Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng thông tin về tuyển sinh các trường quân đội năm 2022.
Các em học sinh tham gia ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Em Mai Anh Vũ (Quảng Ninh) đi xe khách một mình từ quê lên Hà Nội trước một ngày để tham gia ngày hội tư vấn xét tuyển. Vũ ở nhà nghỉ qua đêm và háo hức chờ đến sáng để tham gia ngày hội.
Chia sẻ cảm xúc sau khi biết điểm thi THPT, Vũ cho biết hơi buồn vì điểm thấp hơn dự kiến nhưng vẫn nghĩ sẽ đỗ NV2, NV3. Vũ chọn tổ hợp A01 để xét tuyển, tổng điểm ba môn đạt 25,75.
"Em muốn theo công nghệ thông tin (NV1 vào Bưu chính viễn thông) nhưng nghĩ tầm này vẫn chưa đạt vì năm trước lấy hơn 26,90 điểm. Ngày hôm nay đến ngày hội em mong muốn tìm hiểu thêm cách xét điểm và điểm chuẩn năm trước như thế nào để em đặt nguyện vọng, nhất là em vẫn muốn nghe thêm tư vấn để chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của em", Vũ nói.
Em Mai Anh Vũ (Quảng Ninh) đi xe khách một mình từ quê lên Hà Nội dự ngày hội. Em cho biết đến ngày hội, em mong muốn tìm hiểu thêm cách xét điểm và điểm chuẩn năm trước như thế nào để đặt nguyện vọng, cũng như nghe thêm tư vấn để chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của em - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Dậy từ 3h sáng, ba em học sinh Hoàng Mạnh Thế, Nguyễn Tiến Đạt, Trần Đại Thắng (Thái Bình) thuê xe đưa đón từ nhà lên Hà Nội, chi phí 150.000 đồng mỗi em, để lắng nghe những giải đáp thắc mắc về tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Các em chia sẻ sau khi biết điểm thi vào sáng nay các em càng quyết tâm hơn để đến ngày hội nghe tư vấn và chọn trường. "Em lựa chọn tổ hợp A00, ba môn thi của em tổng đạt được 26,25. Em dự định nộp NV1 vào Đại học Công nghiệp Hà Nội, ngành kỹ thuật ô tô. Tuy nhiên em cũng rất lo lắng vì điểm chuẩn mấy năm nay biến động khá phức tạp.
Sau khi biết điểm thi, chúng em rất hồi hộp và lo lắng nhiều, do vậy chúng em đến đây để lắng nghe thêm những tư vấn chọn ngành, chọn nguyện vọng sao để có cơ hội đỗ tốt nhất mà vẫn đúng với ngành nghề mà chúng em yêu thích", em Nguyễn Tiến Đạt nói.
Em Trần Đại Thắng cho biết điểm thi của em không được như mong muốn. "Đến đây em mong được lắng nghe những tư vấn và tìm hiểu thêm các trường để có thể tìm được cơ hội học tập tốt nhất", Thắng nói.
Biết đến thông tin ngày hội qua mạng xã hội, bạn Trần Đại Lâm (huyện Tiên Yên, Bắc Giang) đã cùng bố dậy từ 4h sáng để đến ngày hội. Lâm chia sẻ: "Hôm nay đến với ngày hội, em muốn có được những thông tin lưu ý sau khi biết điểm thi, kinh nghiệm của các anh chị, thầy cô trong việc xét tuyển".
Đại Lâm nộp NV1 vào khoa tự động hóa, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội với số điểm 23,5. Lâm lo lắng với số điểm này, việc đỗ NV1 sẽ hơi khó khăn nên muốn lắng nghe tư vấn của các thầy cô.
Huyền, một thí sinh tự do, đặt câu hỏi về việc mở tài khoản đăng ký xét tuyển - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đạt 27,7 điểm khối A1 và 9,4 điểm tiếng Anh nhưng Đinh Sơn vẫn lo lắng về điểm chuẩn năm nay nên bạn tìm đến ngày hội. "Em muốn vào ngành CNTT của trường bách khoa, em mong được thầy cô tư vấn về cách sắp xếp nguyện vọng cũng như tham khảo thêm về một số ngành khác của trường, thông tin học phí và cơ hội việc làm sau khi ra trường".
Sau khi biết phổ điểm của con, vợ chồng chị Lê Thị Trúc Hằng (Tây Hồ, Hà Nội) đã đến nghe tư vấn để có thêm thông tin nộp nguyện vọng chính xác hơn. "Hôm nay bạn nhà mình có việc bận không kịp qua nên vợ chồng tôi đến để nghe tư vấn trước và được các bạn sinh viên Học viện Ngân hàng tư vấn rất nhiệt tình, các thắc mắc của chúng tôi đều được giải đáp. Sau khi được tư vấn, tôi thấy với điểm thi 26 điểm con vẫn có khả năng đỗ vào Học viện Ngân hàng", chị Hằng chia sẻ.
Bạn Phạm Thu Phương, sinh viên năm 2 Học viện Ngân hàng, cho biết: "Vì vừa biết điểm thi từ đêm qua, nên các thắc mắc của phụ huynh và học sinh đều xoay quanh phổ điểm. Nhiều bạn có điểm thấp hơn so với điểm chuẩn ngành yêu thích năm trước bày tỏ nguyện vọng muốn tìm hiểu các chuyên ngành cũng của trường nhưng có điểm chuẩn thấp hơn. Ngoài ra, các thông tin ngành học, chương trình đào tạo ra sao cũng được các phụ huynh, thí sinh quan tâm".
Giảng viên Nguyễn Thị Hương Trà, thành viên tư vấn Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết năm nay có rất nhiều thí sinh muốn tư vấn về ngành kiến trúc, đây là ngành cho số lượng thí sinh thi vào ở mức ổn định.
Ban tư vấn của trường cũng nhận được nhiều thắc mắc của thí sinh về cách đặt nguyện vọng để có lựa chọn tốt nhất. "Nhiều thí sinh đến ngày hội trong tâm trạng lo lắng, rất đông thí sinh nhờ tư vấn lựa chọn ngành, cách đặt nguyện vọng khi có mức điểm chấp chới so với năm ngoái", cô Trà cho biết.
Cần tìm hiểu kỹ để tránh sai sót, nhầm lẫn
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Trao đổi ngay đầu phiên tư vấn ở ngày hội xét tuyển tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) - nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển, đồng thời thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh cho thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng đề nghị các cơ sở đào tạo phải thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh, đồng thời thí sinh phải nghiên cứu kỹ quy chế và các hướng dẫn tuyển sinh.
Theo quy chế, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để đăng ký, điều chỉnh bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần từ nay tới 17h ngày 20-8. Bà Thủy tư vấn thí sinh không nên đăng ký ngay mà cần tìm hiểu kỹ, để tránh sai sót, nhầm lẫn nhưng không nên để quá sát nút thời gian hệ thống đóng lại. Thí sinh cũng phải rà soát việc khai báo đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).
Bà đặc biệt lưu ý thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển của mình trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và đào tạo, theo thứ tự ưu tiên. Và sau khi hệ thống lọc ảo, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
Một phụ huynh khá gay gắt khi cho rằng con đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển của một trường. Trường này yêu cầu thí sinh phải cam kết sẽ đặt nguyện vọng 1 vào trường khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và đào tạo. Phụ huynh cho rằng: "Liệu bộ yêu cầu đăng ký tất cả các nguyện vọng lên hệ thống chỉ để thu tiền của thí sinh hay không? Vì thí sinh đã buộc phải nhập học ở trường cam kết đăng ký nguyện vọng 1".
Phụ huynh đặt câu hỏi với các thầy cô ban tư vấn xét tuyển - Ảnh: DANH TRỌNG
Về điều này, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng các trường yêu cầu thí sinh cam kết là vi phạm quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo. Vì theo quy định, thí sinh chỉ được xác định trúng tuyển khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của bộ. Hệ thống sẽ xác nhận thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.
"Như vậy tôi cứ theo bộ phải không ạ?", phụ huynh hỏi lại sau khi nghe giải đáp.
Đăng ký nguyện vọng 1 thế nào?
Rất nhiều câu hỏi giống nhau của thí sinh và bậc phụ huynh về việc có phải đăng ký nguyện vọng 1 vào trường thí sinh đã được thông báo trúng tuyển tạm thời không?
PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết tới thời điểm này đã đẩy tất cả danh sách thí sinh "trúng tuyển có điều kiện" theo phương thức xét tuyển của trường. Bà Hiền giải thích "trúng tuyển có điều kiện" là cần điều kiện về điểm thi tốt nghiệp THPT.
Nhưng bà Hiền khẳng định: thí sinh chỉ chính thức trúng tuyển vào 1 nguyện vọng khi đăng ký tất cả các nguyện vọng của mình trên hệ thống của Bộ Giáo dục và đào tạo, bao gồm cả các nguyện vọng đã được các trường thông báo trúng tuyển tạm thời.
Học sinh đến tìm hiểu thông tin xét tuyển tại gian tư vấn của các trường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo đó, thí sinh có thể sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên phù hợp với mong muốn, sở thích của mình trên hệ thống xét tuyển của bộ.
"Cho dù là nguyện vọng thứ 10 mới đủ điều kiện đỗ thì thí sinh vẫn được xác nhận trúng tuyển, nếu 9 nguyện vọng xếp trước thí sinh không đủ điều kiện đỗ", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo, cũng khẳng định khi có nhiều phụ huynh và thí sinh vẫn lo lắng khi không đặt ưu tiên 1 cho trường đã đảm bảo đỗ, trong khi trường thí sinh mơ ước là trường khác.
Xét các nguyện vọng công bằng như nhau
"Nếu con tôi không đỗ nguyện vọng 1 và phải xét nguyện vọng 2 thì có được xét công bằng với các thí sinh có nguyện vọng 1 vào cùng ngành/trường đó không? Nếu được như thế thì rất tuyệt vời, và phụ huynh hoàn toàn yên tâm đăng ký thứ tự ưu tiên theo mong muốn", một phụ huynh đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định "khi thí sinh chưa đỗ nguyện vọng 1 mà xét nguyện vọng 2, thì nguyện vọng 2 của thí sinh đó được xét cùng với những thí sinh có nguyện vọng 1 vào cùng ngành/trường. Quy định này bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh".
Đăng ký xét tuyển với phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp ra sao?
Đặt nguyện vọng vào ngành CNTT của Trường ĐH Bách khoa với 27,7 điểm khối A01, nhưng bạn Đinh Sơn vẫn lo lắng điểm chuẩn của trường sẽ tăng nên nhờ thầy cô tư vấn - Ảnh: HỒNG NGỌC
Một số phụ huynh lo lắng khi có nhiều thí sinh nhận được thông tin "trúng tuyển có điều kiện" của các trường trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, trong khi con mình vẫn phải chờ điểm thi mới đăng ký xét tuyển.
Có phụ huynh băn khoăn không rõ đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì đăng ký luôn trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và đào tạo hay vẫn phải đăng ký với trường?
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ: Tất cả những phương thức xét tuyển không liên quan tới điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường có thể xét sớm và có danh sách trúng tuyển có điều kiện. Những thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức có liên quan tới điểm thi tốt nghiệp THPT phải chờ khi có dữ liệu điểm thi.
"Trường hợp đăng ký xét tuyển bằng phương thức xét tuyển có liên quan đến điểm thi tốt nghiệp, thí sinh vẫn phải có một bước là đăng ký trên hệ thống xét tuyển của trường và chờ thời điểm hệ thống xét tuyển của Bộ mở để đăng ký, sau khi có điểm thi. Thí sinh trong diện này không lo lắng vì phải 'xét sau' mà trên hệ thống của Bộ Giáo dục và đào tạo, các nguyện vọng của thí sinh sẽ được xét ngang bằng nhau", bà Hiền lưu ý.
Đã trúng tuyển sớm, không thích thì "quay xe"
"Đã có trúng tuyển sớm vào 1 trường, liệu có thể đăng ký xét tuyển vào các trường, ngành khác không?", hơn 20 câu hỏi của thí sinh và phụ huynh gửi đến ban tư vấn ngày hội tại Hà Nội. TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính, dí dỏm: Thí sinh hoàn toàn có quyền "quay xe".
"Vì trường thí sinh đủ điều kiện đỗ chưa phải nơi thí sinh mong muốn nhất thì thí sinh vẫn có thể đặt ưu tiên nguyện vọng ở ngành/trường khác khi đăng ký trên hệ thống xét tuyển của Bộ. Quy định của Bộ nhằm tạo điều kiện tối đa để thí sinh có thể đỗ vào ngành/trường mà thí sinh mơ ước nhất", ông giải thích.
Ban tư vấn tuyển sinh hướng dẫn các em quy trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thí sinh và phụ huynh chờ nghe tư vấn của các chuyên gia - Ảnh: CHÍ TUỆ
Thí sinh hào hứng đến ngày hội tư vấn xét tuyển 2022 tại ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Thầy Tuấn Thiện (phải) dẫn các học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM) đến ngày hội để được nghe tư vấn xét tuyển ở gian tư vấn Trường UEF - Ảnh: BÌNH NGHI
Cả gia đình của Tuyết Linh (quận 3) đến ngày hội từ sớm để nghe tư vấn về chương trình liên kết của Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Gian tư vấn của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội trưng bày các mô hình để thí sinh dễ dàng hình dung được ngành học sẽ lựa chọn - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Với cách thức đăng ký xét tuyển mới, thầy cô tư vấn cố gắng hết mình giúp thí sinh nắm bắt cách đăng ký đúng để tăng cơ hội vào trường mong muốn - Ảnh: MINH DUY
Ban tư vấn tại ngày hội ở TP.HCM:
1. TS NGUYỄN MẠNH HÙNG - chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
2. PGS.TS HUỲNH THANH HÙNG - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
3. TS PHẠM TẤN HẠ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)
4. PGS.TS BÙI HOÀI THẮNG - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)
5. PGS.TS NGUYỄN NGỌC KHÔI - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM
6. TS NGUYỄN QUỐC ANH - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
7. ThS NGUYỄN HẢI TRƯỜNG AN - giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Ban tư vấn tại ngày hội ở Hà Nội:
1. PGS.TS NGUYỄN THU THỦY - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
2. PGS.TS NGUYỄN ANH TUẤN - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội
3. PGS.TS TRẦN TRUNG KIÊN - trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
4. TS NGUYỄN ĐÀO TÙNG - chủ tịch hội đồng trường Học viện Tài chính
5. GS.TS HOÀNG ANH TUẤN - hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)
6. TS ĐỒNG VĂN NGỌC - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội
7. TS NGUYỄN THỊ CÚC PHƯƠNG - phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội
8. PGS.TS NGUYỄN PHÚ KHÁNH - phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa
9. PGS.TS VŨ THỊ HIỀN - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương
10. PGS.TS LÊ ĐÌNH TÙNG - phòng quản lý đào tạo ĐH Trường ĐH Y Hà Nội
11. Thượng tá ĐỖ THÀNH TÂM - thư ký Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng.
95 trường đại học, cao đẳng tư vấn
Bên cạnh phần tư vấn do ban tổ chức thực hiện, tại hai ngày hội còn có 250 gian tư vấn của 95 đơn vị giáo dục với đội ngũ chuyên gia tư vấn hùng hậu của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề, các trung tâm tư vấn du học, trung tâm ngoại ngữ, trường đại học nước ngoài... tham gia ngày hội, hứa hẹn mang đến nguồn thông tin phong phú cho học sinh.
Tại gian tư vấn của các trường, thí sinh sẽ được tư vấn chọn ngành phù hợp với bản thân, ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm. Đồng thời được tiếp cận nhiều cơ hội học tập chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế, du học tại chỗ, du học nước ngoài…
Ban tổ chức tặng 20.000 tờ thông tin về tuyển sinh 2022, hướng dẫn đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hướng nghiệp, học phí… Bên cạnh đó thí sinh cũng sẽ được nhận nhiều quà tặng hấp dẫn từ các trường.
Sơ đồ gian tư vấn Ngày hội tư vấn xét tuyển tại TP.HCM
Sơ đồ gian tư vấn Ngày hội tư vấn xét tuyển tại Hà Nội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận