Với thời gian 10”71, Fraser-Pryce xếp thứ nhất ở đường chạy 100m nữ, bỏ xa hai đối thủ xếp sau là Murielle Ahoure (Bờ Biển Ngà, 10”93) và Carmelita Jeter (Mỹ, 10”94) để đoạt chiếc HCV đầu tiên của cô tại Giải vô địch điền kinh thế giới 2013. Đáng chú ý, Fraser-Pryce chỉ cao 1,52m. Dù sải chân ngắn hơn hẳn so với nhiều đối thủ, nhưng tốc độ “nhanh như tên lửa” của cô khiến các chuyên gia điền kinh thế giới đặt cho cô biệt danh “túi tên lửa”.
Nếu tốc độ của Fraser-Pryce khiến cả thế giới ngưỡng mộ thì con đường vươn đến thành công của cô làm mọi người phải khâm phục. Theo nhật báo The Independent (Anh), Fraser-Pryce sinh ra ở khu ổ chuột Kingston - nơi bị vây quanh bởi tệ nạn cướp giật, súng đạn và đói nghèo. Cô không có cha, mẹ là Maxine làm nghề bán dạo trên đường phố cùng hai anh em trai. Số tiền mẹ cô kiếm được chỉ có thể mang đến bữa ăn duy nhất trong ngày cho cả gia đình. Fraser-Pryce kể lại giai đoạn khó khăn đó: “Mẹ tôi đã làm việc rất vất vả và luôn cố gắng để chúng tôi có thể đến trường. Thỉnh thoảng không có tiền ăn, tôi phải nhờ trường giúp đỡ”.
Từ năm 10 tuổi Fraser-Pryce bắt đầu chạy bộ với đôi chân không. Điều này có lẽ bắt nguồn từ việc cô nhiều lần cùng mẹ lang thang bán dạo trên phố. Dù có thể hình nhỏ bé nhưng Fraser-Pryce luôn cố gắng tập luyện cật lực mỗi ngày với giấc mơ chạy để đổi đời, chạy để tạo nên một tấm gương giúp mọi người “sống tốt hơn, đạo đức hơn”. Nhưng mãi đến năm 19 tuổi, cô mới bắt đầu thật sự bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp và được huấn luyện bởi HLV Stephen Francis ở Trường đại học Công nghệ Jamaica (UTech).
Fraser-Pryce nhắc lại những ngày đầu theo đuổi sự nghiệp điền kinh: “Khi tôi đến UTech, mọi người chê tôi quá thấp và tôi cũng không nghĩ mình có thể chạy nhanh. Khi ấy tôi thật sự chạy với tư thế rất xấu và luôn cúi gằm mặt xuống. Stephen Francis thấy tất cả những điều đó và phân tích để giúp tôi cải thiện trong vòng một năm”.
Mỗi ngày Fraser-Pryce đều thức dậy rất sớm và tập luyện từ 4g30 sáng. Sau đó, cô đến trường và khi trở về nhà lại tiếp tục lao đầu vào tập luyện. Sự cố gắng không mệt mỏi đã giúp cô có được thành công đầu tiên ở các giải trẻ. Và sau đó cùng đội tuyển Jamaica đoạt HCB Giải vô địch điền kinh thế giới 2007 ở Osaka, Nhật.
Đến năm 2008, Fraser-Pryce thật sự nổi lên như một ngôi sao khi đoạt HCV nội dung 100m ở Olympic Bắc Kinh 2008 và hai HCV ở Giải vô địch điền kinh thế giới 2009. Nhưng năm 2010, cô đón nhận một cú sốc khi bị phát hiện sử dụng chất cấm ở Giải Shanghai Diamond League. Dù Fraser-Pryce đưa ra các bằng chứng cho thấy cô chỉ vô ý uống thuốc đau răng có chứa chất cấm nhưng vẫn bị cấm thi đấu sáu tháng vào tháng 10-2010.
Sau khi trở lại, Fraser-Pryce tiếp tục thi đấu thành công với một HCB ở Giải vô địch thế giới 2011 và đoạt HCV nội dung 100m ở Olympic London 2012.
[box]
Thanh Phúc đứng thứ 48 nội dung đi bộ 20km nữ
Ngày 13-8, Nguyễn Thị Thanh Phúc chỉ về đích vị trí thứ 48 nội dung đi bộ 20km nữ với thời gian 1g36‘27” tại Giải điền kinh vô địch thế giới 2013 diễn ra ở Matxcơva, Nga.Thành tích này kém xa kỷ lục quốc gia do Thanh Phúc nắm giữ là 1g33’36”. Thanh Phúc là đại diện duy nhất của điền kinh VN tại Matxcơva.
T.P.
[/box]
___________________
[box]
Vũ Thị Hương: “Chiến thắng của Shelly-Ann Fraser-Pryce rất hiếm”
“Nữ hoàng điền kinh” VN Vũ Thị Hương đã nhận xét như thế về chiếc HCV của Shelly-Ann Fraser-Pryce.
Vũ Thị Hương cho biết: “Trước đây, các VĐV Mỹ gần như thống trị các cự ly tốc độ. Nhưng kể từ năm 2008 đến nay, sự thống trị của người Mỹ đã bị các VĐV Jamaica lật đổ. Dù vậy, chiến thắng của Fraser-Pryce vẫn là điều hiếm thấy của điền kinh thế giới, nơi ưu thế thường thuộc về những người có chiều cao 1,90-2m.
Cũng là VĐV có chiều cao khiêm tốn (1,63m) nên tôi cảm nhận rất rõ những bất lợi của Fraser-Pryce khi tranh tài với đối thủ to cao. Điều rõ nhất chúng ta dễ dàng quan sát trực quan là VĐV nhỏ con phải mất sức nhiều hơn VĐV cao to.
Từ kinh nghiệm thi đấu của mình, tôi đoán Fraser-Pryce phải mất sức gấp đôi đối thủ mới giành được chiến thắng này. Chỉ một sải bước của đối thủ cao trên 1,80m thì Fraser-Pryce phải guồng từ 1,5-2 bước. Điều này đòi hỏi cô phải có guồng chân mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Cũng vì thế, đòi hỏi Fraser-Pryce phải có sức bền gấp đôi đối thủ.
Tuy nhiên, Fraser-Pryce cũng có những lợi thế nhất định nhờ chiều cao khiêm tốn của mình so với đối thủ. Theo những nghiên cứu khoa học, VĐV to cao thường ít khi có được tần số guồng chân cao (ít nhanh nhẹn). Nhờ đó, VĐV thấp thường có xuất phát tốt hơn VĐV cao to. Ngay cả “tia chớp” Usain Bolt (cao 1,95m) cũng bị giới chuyên môn đánh giá khả năng xuất phát rất bình thường so với nhiều VĐV thấp hơn.
Theo tôi, chiều cao thích hợp nhất đối với một VĐV điền kinh cự ly ngắn vào khoảng 1,7m”.
TẤN PHÚC ghi
[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận