Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texture Việt Nam 2023 với chủ đề "Cùng nhau tái chế - cùng nhau tuần hoàn" giới thiệu tới khách tham quan nhiều sản phẩm thời trang, may mặc mới nhất.
Biến phế thải thành vải cao cấp
Gian hàng da sinh học từ vỏ xoài của nhóm bạn trẻ tại Trường đại học Trà Vinh thu hút sự tò mò của khách tham quan bởi sự độc lạ.
Chia sẻ về quy trình sản xuất da sinh học từ vỏ xoài, bạn trẻ Nguyễn Thị Thanh Vân - trưởng dự án - cho biết những trái xoài hỏng thải bỏ trong quá trình sản xuất sẽ được nhóm thu gom, loại bỏ phần thịt, làm sạch tách lấy vỏ.
Sau đó, phần vỏ xoài được nấu sôi, ép nén và sấy, rồi trộn với phụ gia, đổ vào khuôn và tạo hình ra thành phẩm da cuối cùng.
"Da sinh học từ vỏ xoài có thể thay thế các sản phẩm từ da thật với giá thành rẻ hơn gấp nhiều lần mà không ảnh hưởng tới chất lượng, kiểu dáng lại giúp tăng giá trị cho phế thải ngành nông nghiệp", Thanh Vân chia sẻ.
Thanh Vân cho biết dù hiện tại dự án da sinh học từ vỏ xoài mới chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm của trường song nhóm nghiên cứu của Vân cũng đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà thiết kế muốn đắt hàng nếu có thể đáp ứng số lượng lớn và sự ổn định nguồn hàng. Sắp tới, nhóm cũng có kế hoạch mở nhà máy vào năm 2024.
Trong khi đó, gian hàng của Công ty Ecosoi trưng bày những sản phẩm khăn, túi, vải có nguồn gốc từ lá dứa cũng khiến khách tham quan thích thú nhờ sự độc lạ.
Ông Hạnh Phúc - nhà sáng lập thương hiệu - cho biết lá dứa thay vì bị đốt bỏ sau mỗi mùa vụ sẽ được người dân thu về, kéo sợi. Với khoảng 20 - 22 quả dứa sau thu hoạch, người nông dân có thể kiếm thêm 120.000 - 170.000 đồng nhờ bán sợi dứa.
Đổi đời cho quần áo cũ
Tại gian hàng của Công ty SCMT - trực thuộc Công ty cổ phần dệt may bền vững STS, khách tham quan vây kín các thiết kế lạ mắt làm từ vải vụn và quần áo cũ.
Các loại quần áo cũ, vải thừa từ các công ty, xí nghiệp may… được doanh nghiệp này thu gom, giã nhỏ, sau đó xử lý bằng cách trộn với polymer đệm theo các tỉ lệ khác nhau và dệt thành sợi xơ dài rồi dệt thành vải.
Những mảnh "vải xanh" tái chế từ quần áo cũ vẫn không chỉ thân thiện với môi trường, giúp giảm rác thải mà vẫn giữ được các đặc tính tốt của vải mới như thoáng, mỏng, nhẹ… Sờ những chiếc áo polo, váy thể thao màu sắc nhã nhặn, mềm mại, thoáng mát, khó ai nghĩ đây là những sản phẩm có nguồn gốc "phế thải".
Không chỉ tái chế đồ "hết đát", đối với những sản phẩm đã qua sử dụng nhưng còn mới, công ty này cũng sẽ cắt ghép, thiết kế lại, cho ra đời những mẫu trang phục, phụ kiện độc bản có một không hai.
Theo đại diện Công ty SCMT, dù mới ra mắt thị trường chưa đầy 3 tháng nhưng những sản phẩm tái chế từ quần áo cũ của công ty đã được các doanh nghiệp yêu thích, đón nhận, đặc biệt các thương hiệu thời trang thiết kế trong nước.
Xanh hóa dệt may để tạo lợi thế cạnh tranh
Trao đổi bên lề triển lãm, ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng các nguyên liệu xanh và tái chế các sản phẩm.
Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh để có cơ hội tiếp cận các đơn hàng lớn từ các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ, Nhật Bản... Nếu không thay đổi, dệt may Việt Nam có thể dần đánh mất lợi thế cạnh tranh.
"Hiện một số doanh nghiệp dệt may đã đưa ra nhiều sản phẩm tái chế với tỉ lệ 30 - 40%, thậm chí tỉ lệ pha trộn tái chế đã lên đến 50 - 60%", ông Giang thông tin.
Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texture Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 20 tới 22-9 với sự góp mặt của 15 nhãn hàng, hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm, hơn 1.000 nhà máy doanh nghiệp dệt may, hơn 1.000 thương hiệu thời trang Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận