Sơ đồ hệ thống CCTV và trung tâm quản lý tích hợp ở Seoul. Ảnh: Seoul Solution Trong một bài viết trên Medium hồi tháng 1, tác giả Felipe Araujo kể lại trải nghiệm khi đến thăm Trung tâm An toàn công cộng Enfield, nơi đặt phòng điều khiển hệ thống 435 CCTV trong khu dân cư Enfield (phía bắc London, Anh) với 330.000 dân. Theo Araujo, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2003, trung tâm đã ghi nhận được hơn 19.000 vụ việc, từ người già trượt ngã trên hè phố đến án mạng và tự tử. Giữa một rừng màn hình Tác giả kể lại mình đến phòng điều khiển khi các nhân viên đang quan sát hiện trường tai nạn giao thông khi một phụ nữ bị chiếc Volkswagen tông, và người dân đang cố gắng kéo nạn nhân ra khỏi gầm xe. Hiện trường tai nạn cách trung tâm điều khiển CCTV chưa đến 5km. Nhờ thông tin từ đây mà các nhân viên y tế đã có mặt để giúp nạn nhân chỉ vài phút sau khi tai nạn xảy ra. Một ngày làm việc của một người điều hành CCTV (operator) tại đây, như Habbib, một cựu tài xế xe buýt 29 tuổi, bao gồm việc “tuần tra” - tức kiểm tra một loạt camera lắp rải rác khắp Enfield và ghi nhận lại bất kỳ điều gì bất thường. “Chúng tôi phải ghi lại mọi vi phạm - Habbib nói, mắt không rời khỏi “rừng” màn hình - Từ việc đổ rác không đúng nơi quy định cho tới các hoạt động liên quan đến tội phạm, mọi thứ đều quan trọng”. Habbib từng làm trong ngành bán lẻ trước khi ôm vôlăng xe buýt, cho biết so với các nghề trước đó, công việc ở phòng quản lý CCTV này là “chuyện dễ nhất tôi từng làm”. Theo Araujo, các nhân viên trong phòng điều khiển này từng phải chứng kiến các vụ đâm dao, trộm xe hơi và tự tử bằng cách nhảy khỏi tàu hỏa. Nhưng khi “đi thực tế” tại đây, Araujo chỉ thấy đa số các màn hình là những gì đời thường nhất: cảnh người đi mua sắm, trên đường về nhà từ sở làm… “Tôi không thể ngăn mình tự hỏi liệu những người này có biết rằng một nhóm người xa lạ đang ngồi tại một căn phòng tối trong một tòa nhà cách họ không xa và dõi theo nhất cử nhất động của họ hay không” - tác giả viết. Giám đốc trung tâm, Darren Woods, người có 20 năm kinh nghiệm trong ngành an ninh, trấn an Araujo rằng với hệ thống CCTV và phòng điều khiển này, “mục đích biện minh cho phương tiện”. “Đã có nhiều lần các camera này giúp ích rất nhiều - Woods nói - Nếu gỡ hết camera đi, tôi nghĩ (London) sẽ thành một thành phố rất khác”. Woods quản lý một nhóm gồm 22 nhân sự, chia ca trực chiến 24/24 tại trung tâm. Mỗi ca kéo dài 12 tiếng và cứ làm 4 ngày thì nghỉ 4 ngày. Các nhân viên được khuyến khích ghi nhận vi phạm thông qua CCTV nhiều hết mức có thể, vì “càng nhiều vi phạm bắt được trên camera thì việc giám sát bằng hệ thống CCTV càng trở nên hợp lý trong mắt chính quyền và công chúng”. Woods cho biết công việc “tuần tra qua CCTV” cần phải chủ động lẫn sẵn sàng phản ứng. “Đã có trường hợp chúng tôi chuyển băng ghi hình cho cảnh sát, giúp ngăn chặn một tội ác trước khi nó xảy ra” - Woods khoe. Dưới quyền Woods là Susane, quản lý các nhân viên trực camera. Người phụ nữ này không giấu giếm mình thích hợp với công việc này bởi bản thân là người rất tò mò, “tôi đơn giản là thích biết người khác đang làm gì”. Các nhân viên tại trung tâm quản lý CCTV phải tuân thủ nhiều quy định (xem thêm bài trang bên) và thường xuyên được tập huấn các công nghệ và quy chuẩn mới. Một trong các quy định nghiêm ngặt ở đây là nhân viên không được zoom màn hình vào phụ nữ đi một mình hay trẻ em, trừ khi thật sự cần thiết, nếu không sẽ bị sa thải. Bên trong phòng quản lý CCTV ở Enfield (London, Anh). Ảnh: Felipe Araujo/Medium Cần gì cho hệ thống giám sát thông minh? Camera giám sát ngày càng rẻ, dễ lắp đặt, chất lượng video quay được rõ nét, dung lượng lưu trữ cao, có thể ghi hình vào ban đêm. Nhưng những cải tiến về phần cứng này suy cho cùng cũng chỉ là thứ yếu, so với điều quan trọng hơn là phần mềm - cách các hệ thống CCTV vận hành. Theo báo cáo “CCTV và an ninh công cộng. Soi vào một thời kỳ mới” do hãng tư vấn Accenture (Ireland) công bố hồi năm ngoái, đa số các hệ thống CCTV ngày nay vẫn đang vận hành theo lối cũ, nghĩa là chỉ đóng vai trò giám sát thủ công (cần con người ngồi trong trung tâm điều khiển và theo dõi màn hình) và là nguồn cung cấp dữ liệu cho việc phân tích, điều tra khi “sự đã rồi” chứ không có khả năng ngăn ngừa hay phản ứng tức thời trước sự cố. Có thể lấy ví dụ từ một tình huống quen thuộc sau: mỗi khi xảy ra trộm cắp hay án mạng, cơ quan điều tra thường thu thập băng ghi hình từ CCTV của nhà dân hay cửa hàng và camera giao thông trong khu vực để nghiên cứu tình hình. “Điều này có nghĩa CCTV chỉ giống như “hộp đen” (như trên máy bay), lưu trữ dữ liệu phục vụ mục đích duy nhất là cung cấp cơ sở để nghiên cứu khi có sự cố xảy ra” - báo cáo của Accenture viết. Cũng trong ví dụ nói trên, điều tra viên hay cơ quan hữu trách thường phải “căng mắt” ra xem băng ghi hình, tự mình “soi” và phát hiện các chi tiết phục vụ điều tra, tức không có yếu tố tự động hóa. Thiếu sót này cũng đúng trong trường hợp camera giao thông hay CCTV giữ gìn trị an trong các khu phố: dữ liệu từ nhiều camera khác nhau truyền về một phòng điều khiển đầy màn hình, và ở đó chính con người phải quan sát và có trách nhiệm phát hiện kịp thời khi có sự cố xảy ra để ứng phó. Báo cáo của Accenture nhận định cách vận hành thủ công này “không khả thi đối với các đơn vị phụ trách giám sát một thành phố lớn”. “Một thách thức khác với các hệ thống CCTV ngày nay là khả năng chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị hay tổ chức là rất hạn chế” - báo cáo của Accenture viết. Trên thực tế, tại các đô thị lớn ngày nay không chỉ có hệ thống CCTV của chính quyền, mà còn vô số camera giám sát trước các nhà dân, cửa tiệm, cơ sở kinh doanh, nhưng chưa có một cơ chế chia sẻ dữ liệu nào giữa các thiết bị này. Việc các “bằng chứng video” giữa các camera khác nhau có thể được chuyển cho nhau một cách thông suốt sẽ mang đến nhiều lợi ích, rõ nhất là việc tiết kiệm thời gian. Khi giải quyết một vụ việc đòi hỏi kết hợp dữ liệu của camera giao thông và CCTV từ nhà dân, thật khó chấp nhận việc cơ quan điều tra sẽ phải mang USB đến từng nơi để chép dữ liệu. Sau khi điểm qua các thách thức mà nhiều hệ thống CCTV đô thị ngày nay đang đối mặt như trên, Accenture đề xuất thay đổi cách tiếp cận trong quản lý hệ thống camera giám sát sang “giám sát thông minh” (smart surveillance) mà mấu chốt là “làm sao để chỉ cần một nhóm nhỏ nhân sự vẫn có thể theo dõi được một lượng lớn camera”. Các giải pháp bao gồm ứng dụng công nghệ, chẳng hạn trí tuệ nhân tạo, để quan sát và phân tích video, và tạo cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống CCTV với nhau.■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Cctv: tiện lợi và hoài nghi Tiếp theo Tags: CCTVCamera giám sátTuần tra bằng CCTVHệ thống giám sát thông minhRừng màn hình
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.