14/10/2022 14:41 GMT+7

Tuần lễ Công trình xanh: Cần những giải pháp đột phá cho xây dựng bền vững

NHẬT XUÂN
NHẬT XUÂN

TTO - Việt Nam cần bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận, dán nhãn sản phẩm vật liệu xây dựng giảm phát thải và các đơn vị cần áp dụng các mô hình công trình thông minh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu xanh…

Tuần lễ Công trình xanh: Cần những giải pháp đột phá cho xây dựng bền vững - Ảnh 1.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm phát triển công trình xanh hướng tới xây dựng đô thị bền vững tại "Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022" - Ảnh: NHẬT XUÂN

Ngày 14-10, trong khuôn khổ của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 đã diễn ra hội thảo chuyên đề "Thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường" do Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng tổ chức tại TP.HCM.

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia đã chia sẻ về xu hướng phát triển xanh trong ngành xây dựng và ứng dụng vật liệu xanh bền vững trong các công trình hiện nay.

Chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát phát thải các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOCs) như sơn, chất kết dính từ các nước và vùng lãnh thổ như Hong Kong, Hàn Quốc..., PGS.TS Nguyễn Đức Lượng cho rằng Việt Nam cần có thêm hệ thống tiêu chuẩn, thử nghiệm, chứng nhận và dán nhãn sản phẩm vật liệu xây dựng phát thải VOC.

"Như Hong Kong có quy định về mức phát thải đối với 172 sản phẩm hàng hóa, trong đó 51 sản phẩm sơn, phủ, 35 sản phẩm chất kết dính và 12 sản phẩm chất trám khe…, họ yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố, minh bạch thông tin VOC trên sản phẩm. Hay như Hàn Quốc đã ban hành luật kiểm soát chất lượng không khí bên trong công trình, quy định ngưỡng phát thải VOC", TS Nguyễn Đức Lượng nói.

Ông Nguyễn Hải Anh - giám đốc kỹ thuật Saint - Gobain Việt Nam - chia sẻ có ba xu hướng hiện tại định hình một công trình xanh gồm: tòa nhà phát thải ròng bằng 0, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sự tiện nghi cho người sử dụng.

Để giảm phát thải về 0, các đơn vị cần tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả bằng cách áp dụng thiết kế đồng bộ, thông minh như sử dụng các loại vật liệu cách nhiệt giúp giảm thiểu nhiệt hấp thụ vào trong cũng như nhiệt rò rỉ ra bên ngoài; ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu nhẹ như thạch cao, vách ngăn vừa đẹp lại giúp giảm carbon.

"Theo một khảo sát về vòng đời của vật liệu xây dựng và tác động của nó tới môi trường thì 1m2 vách ngăn tường nhẹ giúp giảm chỉ số nóng lên toàn cầu tới 79% và giảm năng lượng tiêu thụ tới 67% khi ta sử dụng tường gạch", ông Hải Anh cho biết.

Cũng trong ngày hôm nay, hội thảo chuyên đề "Đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng không khí và điều kiện tiện nghi trong công trình" và "Giải pháp sử dụng thiết bị và công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng" diễn ra song song.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 cũng diễn ra triển lãm mô hình tòa nhà xanh độc đáo và những giải pháp hiện đại đến từ hơn 30 nhà cung cấp uy tín trong và ngoài nước.

z3798927986231_2da6bb6e33e948404b771e3d8bfff8b8

Khách hàng tham quan gian hàng vật liệu xanh tại triển lãm - Ảnh: NHẬT XUÂN

Sự kiện năm nay có sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đào tạo... cùng những doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật liệu, thiết bị và công nghệ sử dụng trong các công trình xây dựng.

Doanh nghiệp được gì khi phát triển kinh tế tuần hoàn? Doanh nghiệp được gì khi phát triển kinh tế tuần hoàn?

Phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu thế tất yếu trong tương lai mà còn đem lại nhiều lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp như tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành, tăng giá trị công trình…

NHẬT XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên