22/02/2019 10:15 GMT+7

Tuần đường trên đỉnh Hải Vân

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - "Cách, cách, cách...", tiếng gõ búa kiểm tra thanh ray trong lòng hầm vượt đèo Hải Vân, cung đường sắt hiểm trở nhất Việt Nam. Bóng tối đen kịt. Chiếc đèn nhỏ của người tuần đường chỉ le lói như đom đóm giữa đêm đen.

Tuần đường trên đỉnh Hải Vân - Ảnh 1.

Đón tàu chuẩn bị vào hầm Hải Vân - Ảnh: THÁI LỘC

Xa xa, một đoàn tàu hỏa lại sắp qua đèo...

Ngoài công việc, quanh năm suốt tháng ở đây chỉ có rừng núi, biển cả và... đàn ông. Con gái có rất nhiều nhưng chỉ toàn ngồi trên tàu chạy thoáng qua nên anh em ai cũng lo ế vợ!

Một tâm sự

"Phải nhanh chóng phát hiện nguy cơ gây tai nạn để khắc phục kịp thời mới đảm bảo cho tàu chạy an toàn" - ông Kiều Thường, phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam Đà Nẵng, chia sẻ.

Từ miệng hầm số 14 nam Hải Vân ngược lên đỉnh đèo, tôi theo chân những người thầm lặng bảo vệ cung đường sắt đặc biệt...

Tuần đường trong hầm tối

Bóng tối dày đặc. Ánh đèn tuần đường nhập nhòe. Từ xa đã nghe tiếng búa gõ "cách, cách, cách..." kiểm tra đường ray.

Đi cùng tôi, kỹ thuật viên cung đường Hải Vân Nguyễn Minh Nga vui vẻ chào Đinh Văn Tuấn, trưởng đội tuần hầm số 14 dài nhất cung đường này.

32 năm trong ngành và gắn với hơn 12 năm, anh Tuấn thông thuộc mọi ngóc ngách, từng thanh ray, tà vẹt, ốc vít... Mỗi ca trực 12 giờ, từ 6h sáng đến 6h chiều hoặc xuyên đêm.

Công việc thoạt nhìn đơn điệu, chỉ cầm búa gõ, gõ và gõ, nhưng cần sự tập trung cao độ và hầu hết thời gian đều cô đơn trong hầm tối. Chỉ cần nghe tiếng gõ hơi khác là anh Tuấn biết ngay ốc vít long, tà vẹt bị hỏng, đế ray mục hay ray bị đứt...

Những lỗi nhỏ thì anh sửa tức thì, hư hỏng lớn hoặc dấu hiệu thiết bị xuống cấp thì báo ngay đơn vị sửa chữa...

Càng vào sâu trong hầm, không khí càng lạnh, ẩm ướt. Có những đoạn nước dột ngay giữa vòm hầm, chảy thành dòng do vỏ hầm bị phong hóa.

Trong sáu hầm trên cung đường sắt Hải Vân, hầm 14 là "di tích gốc" trải cả 100 năm sử dụng. Vì ẩm ướt nặng nên hầm này là điểm nóng hỏng hóc: tà vẹt và chân ray chỉ khai thác vài năm đã hư mục, thân ray dễ bị nứt gãy...

"Chỉ có mỗi cách duy tu, thay thế liên tục thôi. Toàn bộ phần hầm đã xuống cấp nặng rồi. May là người Pháp làm rất kỹ, còn dùng tạm hầm được!" - anh Nga diễn giải.

Đến hầm 13, chúng tôi gặp tuần hầm Nguyễn Mậu Hân đang vặn lại con ốc long ra vừa phát hiện.

Hân nói những lỗi nhỏ tương tự thường bị chỉ sau vài chuyến tàu qua lại. Còn những lỗi lớn ở các thanh ray, tà vẹt thỉnh thoảng mới bị, do vậy phải tuần hầm thường xuyên, tuyệt đối không được chủ quan.

Năm nay 29 tuổi, Hân thường tuần đường một mình nên thông thuộc cung đường sắt hiểm trở Hải Vân như lòng bàn tay. Anh tâm sự ban đầu buồn lắm nhưng làm riết dần quen.

Đến nay thì toàn bộ con hầm, tuyến đường, cảnh vật núi rừng Hải Vân đã trở thành một phần cuộc sống của anh, về nhà còn thấy nhớ!

Tuần đường trên đỉnh Hải Vân - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Mậu Hân cầm cờ hiệu an toàn cho tàu qua hầm Hải Vân - Ảnh: THÁI LỘC

"Sống chung" với lạc hậu

Buổi chiều, gần ga Hải Vân Nam, Nguyễn Đình Thuận đang đeo túi đen ngang hông, tay chống gậy trúc đi chậm từng bước trên ray. Anh quan sát từng tấc đường, thi thoảng lại dừng nhìn thật kỹ hoặc lấy búa gõ...

Mỗi ca trực trong ngày Thuận đi lại nhiều lần, soi xét từng lỗi nhỏ, lỗi lớn trên 6km đường sắt từ km769 đến km775.

Trên đường, anh Nga chia sẻ nhiều về những nỗ lực "sống chung" với hệ thống đường sắt quá lạc hậu.

Mấy mươi năm trước, chuyện tàu trật bánh như cơm bữa. Sau này người ta gắn thêm thanh ray thứ ba trên những đoạn cong giảm trật bánh và chống đổ tàu. Nhờ vậy tai nạn giảm hẳn nhưng hiệu quả khác còn lớn hơn là chống được mòn lưng ray chính.

Thế là từ "ray chống đổ" chuyển sang cái tên mới "ray chống mòn" tự bao giờ...

Những người tuần đường lớn tuổi cho rằng công việc hiện tại vẫn "sướng vạn lần" so với trước. Giai đoạn đó hệ thống đường sắt liên tục bị hư hỏng.

Ngoài ra, giữa núi rừng Hải Vân họ cũng thường xuyên đứng tim với thú rừng, nhất là "rắn rết độc bò đầy đường sắt"... Nay có lẽ do nạn săn bắt nên thú rất hiếm, nhưng hiểm nguy vẫn thường trực do đá lăn, đất trượt...

Những sự cố xảy ra ở Hải Vân chủ yếu vì lý do khách quan, nhất là bão lũ. Có năm cùng lúc hơn 10 điểm sạt lở trên đèo làm ách tắc chạy tàu toàn tuyến.

Trước những trận mưa bão, đơn vị phụ trách cung đường cử đội duy tu túc trực hai đầu điểm xung yếu thường xuyên sạt lở. Khi có sự cố, tùy từng mức độ mà điều nhân lực, thiết bị làm việc cật lực xuyên suốt ngày đêm.

Tuần đường trên đỉnh Hải Vân - Ảnh 4.

Kiểm tra an toàn đoạn đường sắt sát mép biển - Ảnh: THÁI LỘC

"Cùng cực" như tiếng tàu lăn

Trên đường lên đỉnh đèo, tại km772, anh Nga dừng chân, ghé am nhỏ dưới bụi cây thắp nén hương. Anh trải lòng cho biết am thờ Hiếu, một công nhân duy tu người tận Hà Tây.

Năm 2008, trong lần gia cố taluy đoạn này, đến trưa mọi người cùng đi bộ về trạm ăn cơm. Một chuyến tàu hàng leo dốc rất chậm, Hiếu đu toa định về sớm vì quá đói. Anh bị trật tay ngã xuống, lưng và đầu đập vào đá chết ngay trước mắt mọi người.

"Bạn đó tội nghiệp, chết khi rất đói! Anh em nào ngang qua cũng thắp nén hương!" - anh Nga buồn kể. Cũng từ đó, đơn vị đường sắt siết chặt quy định đảm bảo an toàn...

Tối, chúng tôi ghé trạm cung đường Hải Vân phía nam hầm số 12 ở đỉnh đèo. Quanh mâm cơm, anh em tuần đường rôm rả chuyện trò rằng có người vừa xin rời đội đi nơi khác vì lý do... sợ ế vợ.

Rồi một người sợ ế vợ, từng xin đi nơi khác trong ba năm nhưng vẫn ế! Nay anh lại trở về chốn đèo heo hút này mà không biết bao giờ mới được... lên xe hoa.

Câu chuyện bỗng chùng xuống khi Huy, 27 tuổi, đội duy tu, quê Quảng Nam, nhắc chuyện vợ sắp sinh ở quê. Rằng từ ngày lấy vợ đến giờ, anh chỉ gửi tiền về nhà 1 triệu đồng mỗi tháng.

Số tiền không thể tăng lên vì thu nhập trừ các khoản chỉ còn 4,5 triệu, trong khi chi phí xăng xe, tiêu pha xa nhà.

"Cả vợ lẫn bố mẹ cứ hối thúc kiếm việc gì làm cho gần nhà với vợ con, thậm chí khuyên về quê nuôi heo còn khá hơn. Có khi suy nghĩ lung lay, nhưng lạ là cái nghề ngó khổ, nghèo vậy mà không thể dứt đi được!" - Huy tâm tình.

Buổi trò chuyện tự dưng cứ xoay quanh từ "cùng cực, cùng cực" tựa tiếng bánh tàu lăn trên đường sắt trước mặt. Công việc vất vả, thầm buồn giữa núi rừng, điều kiện ăn ở khó khăn, thậm chí có hôm đang tắm thì nước có mùi của chiếc xe chở heo vừa đổ trên đường đèo...

Mọi người đang trút bầu tâm sự, anh Nga nói nhỏ vào tai tôi: "Mấy bạn nói vậy nhưng đã gắn với nghề đường sắt này rồi thì không mấy người dứt ra được"...

Cung đường sắt qua đèo hiểm trở

tàu hải vân

Siết lại con ốc đường ray bị long - Ảnh: THÁI LỘC

Hải Vân là cung đường hiểm trở bậc nhất trên tuyến đường sắt xuyên Việt, dài 20km, có 6 hầm (tổng cộng 2,35km), 140 đoạn xung yếu có tường chắn, 140 cống và 38 cầu...

Cung đường men theo triền núi nhô ra biển nên có hàng chục đoạn đường cong rất hiểm trở, thường xuyên chuyển hướng và dốc cao liên tục. Mỗi đoàn tàu chinh phục ngọn đèo mất khoảng một giờ, tốc độ chỉ 15-30km/h...


THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên