Những đồi núi vừa được khai thác đất xong đã “mọc” lên những con đường nhựa dẫn vào các khu khuôn viên nghĩa trang tự phát - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Rất nhiều người dân phản ảnh việc các đối tượng này tự ý san bạt đất rừng, làm nhiều tuyến đường nhựa rộng thênh thang, phân lô bán trái phép nhưng chính quyền không hay biết. Phóng viên Tuổi Trẻ vào cuộc để tìm hiểu.
Tự ý phân lô, bán đất nghĩa trang
Khu vực đồi núi ven đường tránh Nam Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) đang là điểm nóng của tình trạng "băm nát" rừng núi bán đất làm nghĩa trang. Nhiều khu đất rừng rộng cả chục hecta được phân lô rao bán rầm rộ.
Ngày 20-10, chúng tôi tìm về khu vực được rao bán trên tuyến đường tránh Nam Hải Vân. Đây là khu vực đồi núi, không có nhà cửa kiên cố mà chỉ có nhà tạm bợ của một số hộ dân được giao đất trồng rừng và chăn nuôi.
Dù đây là khu vực đất rừng nhưng hoạt động xây cất, tôn tạo khuôn viên nghĩa trang vẫn diễn ra hết sức rầm rộ.
Thấy chúng tôi vừa đi vào khu vực đất đồi núi đang được rao bán trái phép, "cò" Thái - một người chuyên mua bán đất ở đây - giới thiệu: "Đất này bán giấy tay thôi nhưng mua xong anh có thể làm trang trại chăn nuôi.
Còn muốn bán có giá hơn thì phân thành các nghĩa trang "mini" để bán. Ở đây nhu cầu mua đất chôn cất nhiều lắm, khỏi phải lo đầu ra. Không nói nhiều, giá 1ha là 3 tỉ".
Khi chúng tôi đặt vấn đề về tính hợp pháp khi mua đất ở đây, "cò" Thái khẳng định: "Đây là đất được người dân địa phương khai hoang và chăn nuôi từ rất lâu rồi.
Nhưng mấy năm nay đất lên giá nên người dân đã xẻ khu vực đồi núi thành các lô nhỏ làm nghĩa trang để bán. Các anh cứ mua đi, ai cũng mua theo hình thức viết giấy tay hết, chính quyền lâu nay họ có dám đụng vào đâu".
Thời điểm giữa tháng 10, khi có mặt tại khu vực trên, chúng tôi chứng kiến có khá nhiều xe ben chở đất cát để cải tạo khuôn viên nghĩa trang. Các hoạt động xây dựng ở khu vực này diễn ra rầm rộ và công khai.
Đáng chú ý, ở khu vực đối diện dự án Tân Hải Doanh, một khu đất đồi vừa được khai thác để san lấp đô thị cũng chằng chịt nhiều con đường dẫn vào.
Điều lạ lùng là các đối tượng ngang nhiên "quy hoạch", xẻ cả một khu rừng núi rộng lớn. Họ còn cho rải thảm cả những con đường nhựa chạy dọc núi rồi phân lô để bán thu lợi cả chục tỉ đồng.
Ông Cường, một "thổ địa", cho biết khu vực này sau khai thác đất chưa kịp hoàn thổ đã được "một người dân" thảm nhựa và phân lô bán đất nghĩa địa tự phát. Lúc chúng tôi có mặt tại đây, một nhân viên môi giới "đất chôn người chết" cũng có mặt.
Anh nhân viên tên Tùng nói: "Các anh cứ mua đi, dù đất này chỉ mua bán bằng giấy tay thôi nhưng đảm bảo chôn cất vô tư không ai cản trở gì". Theo nhân viên Tùng, giá một khu đất nghĩa trang tại đây là 70 triệu đồng/100m2.
Chính quyền... đau đầu
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho rằng về nguyên tắc đất rừng do Nhà nước quản lý thì không được phép chôn cất.
Nhưng do nguyện vọng của người dân nên từ gần 10 năm nay, địa phương đã có các văn bản kiến nghị các cấp cho phép quy hoạch thành lập nghĩa trang nhân dân nhưng chưa được đồng ý.
Vị đại diện UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết đã thực hiện cắm bảng quy định không cho chôn cất ở các khu vực trên địa bàn phường nhưng thực tế rất khó thực hiện.
Chính quyền cũng "đau đầu" bởi đây là vấn đề tâm linh, theo quan niệm "nghĩa tử, nghĩa tận" nên vẫn còn xảy ra tình trạng chôn cất tại khu vực đất trong phường.
Thậm chí đã có nhiều trường hợp chính quyền "va chạm" với người dân vì đứng ra ngăn cản chôn cất trái phép.
Vậy ai là người xẻ cả hàng chục hecta đất rừng, làm đường nhựa, phân lô bán nền trục lợi? Trả lời vấn đề này, lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết đó là đường người dân tự làm.
Lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc từ chối bình luận về trách nhiệm của địa phương đối với các khuôn viên nghĩa trang mới hình thành này.
Còn ông Nguyễn Đăng Huy, chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết quan điểm của quận là không để phát sinh mới những khu vực chôn cất và mồ mả. "Về quy định, đất rừng, đất do Nhà nước quản lý thì đương nhiên việc chôn cất là trái phép.
Những vấn đề "lịch sử để lại" thì chúng tôi sẽ tìm hướng giải quyết. Quận đã chỉ đạo phải giữ nguyên hiện trạng hiện nay, không chấp nhận có chuyện ủi đất mở khu chôn cất mới" - ông Huy khẳng định.
Cũng theo ông Huy, thời gian tới quận Liên Chiểu sẽ kiểm tra xử lý những trường hợp rao bán đất mồ mả trái phép ở đây.
Có ý kiến thêm, đại diện Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết hiện Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã giao Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện thanh tra toàn diện việc xây dựng mồ mả trái phép trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu.
Đồng thời, đề xuất xử lý đối với trường hợp các đơn vị không phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP về thanh tra xây dựng trái phép các nghĩa trang.
Ngoài ra, ông Thơ cũng giao UBND huyện Hòa Vang, UBND quận Liên Chiểu tập trung quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra tình trạng xây dựng mộ tự phát trên địa bàn.
Rầm rộ rao bán trên mạng
Dù TP Đà Nẵng đã có 3 nghĩa trang tập trung được xây dựng tại các xã vùng ven ở huyện Hòa Vang nhưng hoạt động mua bán đất rừng để làm nghĩa trang vẫn xảy ra thường xuyên.
Đặc biệt các kênh môi giới mua bán đất rừng qua mạng tại các khu vực huyện Hòa Vang vẫn diễn ra công khai. Qua thông tin rao bán trên mạng, chúng tôi tìm gặp ông N. (thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), người rao bán 200m2 đất rừng với giá 60 triệu đồng.
Theo ông N., vì hầu hết các khu vực đất rao bán đều ít nhiều dính đến mồ mả có từ lâu đời nên chính quyền có phần "du di" khi xử lý.
"Đất đã có sẵn mồ mả, giờ mình mở rộng khuôn viên thì không ai dám xử lý cả. Nếu anh mua, tôi là người địa phương đứng ra bảo lãnh nếu anh muốn biến đất rừng thành đất mồ mả" - ông N. khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận