Từ xã hội hóa đến hợp tác công - tư

LAN ANH - THÙY DƯƠNG 14/01/2018 18:01 GMT+7

TTCT - Đã có nhiều giải pháp được thí điểm trong lĩnh vực y tế nhằm giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện (BV), nâng chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên ở nhiều nơi, quá trình triển khai còn nhiều điều chưa rõ ràng khiến quyền lợi của bệnh nhân, BV công bị thiệt.

Nhiều bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám bệnh tại Trạm y tế P.11, Q.3, TP.HCM.-Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám bệnh tại Trạm y tế P.11, Q.3, TP.HCM.-Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

“Khoán” ở... bệnh viện

Hơn 10 năm trước, vào tháng 7-2007, Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu BV Bạch Mai (Hà Nội) đưa vào sử dụng một thiết bị y tế được đầu tư dạng xã hội hóa: hệ thống gamma quay điều trị u não cho những bệnh nhân (BN) đã phẫu thuật nhưng bị tái phát, BN không đủ sức phẫu thuật thông thường hoặc BN là người già, trẻ em.

GS.TS Mai Trọng Khoa, phó giám đốc BV Bạch Mai, đánh giá đây là dự án xã hội hóa thành công khi đã điều trị an toàn cho khoảng 5.000 BN bị u não, trong đó có cả BN người nước ngoài.

Tuy nhiên, dự án trên chỉ là một trong số không nhiều dự án xã hội hóa thành công về cả mặt hiệu quả y khoa và xã hội - kinh tế y tế.

Một báo cáo gần đây của Bảo hiểm xã hội VN cho thấy việc chỉ định dịch vụ trên thiết bị xã hội hóa đang tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có chuyện nhà đầu tư ký hợp đồng với BV “khoán” mỗi ngày chụp 5 ca CT, không cần biết BN có cần làm CT hay không, hay “khoán” chỉ định số lượng xét nghiệm, số lượng sử dụng dịch vụ.

Việc “khoán” chỉ định này diễn ra ở nhiều nơi có thiết bị xã hội hóa khiến bảo hiểm lủng quỹ, túi tiền người dân bị ảnh hưởng.

Trong đợt thanh tra đầu năm 2017, Thanh tra Bộ Y tế phát hiện BV Đa khoa Hà Tiên (Kiên Giang) có hợp đồng với công ty cung cấp máy chụp CT, tối thiểu mỗi ngày BV sẽ chụp 5 CT cho 5 BN.

Theo đánh giá của Thanh tra Bộ Y tế, hợp đồng của BV với nhà cung cấp máy được lập lỏng lẻo, không thể hiện được giá trị tài sản của mỗi bên, giá trị tài sản của phía BV lại càng lỏng lẻo khi không thể hiện được giá trị về phòng ốc, trang thiết bị, thầy thuốc...

Đây chỉ là một trong số rất nhiều hợp đồng lỏng lẻo khi cung cấp thiết bị xã hội hóa cho BV công trong hơn 10 năm qua.

Theo các hợp đồng này, mặc dù BV có nhiều lợi thế về nhân sự, phòng ốc, uy tín thương hiệu BV và thầy thuốc... nhưng lợi nhuận tùy theo từng trường hợp mà BV chỉ được hưởng 30-40%, phần 60-70% còn lại thuộc về nhà đầu tư.

Chính vì khoản lợi nhuận khổng lồ như vậy, các nhà đầu tư đổ xô vào BV công. Lãnh đạo một BV hạng đặc biệt ở Hà Nội cho biết: 80-90% thiết bị xét nghiệm sinh hóa, 4/6 máy cộng hưởng từ, các thiết bị phẫu thuật robot, gamma, PET CT... đang sử dụng tại BV này đều là xã hội hóa.

Con số này cho thấy nếu không có thiết bị từ việc xã hội hóa, BV có thể phải ngưng hoạt động vì... không có thiết bị xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán phục vụ BN.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu từng hồ sơ đề nghị lắp đặt thiết bị xã hội hóa sẽ thấy “lòi” ra rất nhiều hồ sơ được ký vội vàng.

Năm 2017, Bảo hiểm xã hội VN đã yêu cầu tạm dừng thanh toán các chi phí phát sinh từ trên 200 thiết bị y tế được đầu tư theo diện xã hội hóa, nhưng kèm theo là các điều khoản độc quyền cung cấp hóa chất, test thử hoặc các điều khoản có lợi cho nhà đầu tư như “khoán” số lượng BN sử dụng dịch vụ.

Trong hai năm 2015-2016, Bảo hiểm xã hội VN cho biết đã chi khoảng 350 tỉ đồng cho BN sử dụng các dịch vụ “bất thường” này, còn số tiền BN tự chi trả thì chưa thống kê được.

Lợi thì có lợi, nhưng...

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng ưu điểm của xã hội hóa là giúp BV có thêm nguồn lực xã hội, có thiết bị y tế kịp thời.

Ông Hiền cũng cho rằng việc vận hành thiết bị xã hội hóa luôn gọn gàng hơn thiết bị nhà nước, như khâu sửa chữa luôn nhanh hơn. “Thiết bị nhà nước muốn sửa phải xin phép, phải đấu thầu...” - ông Hiền nói.

Phú Thọ là một trong những tỉnh làm tốt nhất chủ trương xã hội hóa y tế nhưng cách đây 5-7 năm, một BV thị xã của tỉnh này khiến người dân ngạc nhiên vì đã khoán thu bằng cách khoán cả số lượng BN vào... cấp cứu.

Khảo sát tại một BV huyện của Phú Thọ gần đây cũng cho thấy thêm mặt trái của thiết bị xã hội hóa nữa là tỉ lệ từ tiền túi người dân trong tổng chi dịch vụ quá cao: trong số gần 570 ca chụp CT tại huyện này vừa qua, bảo hiểm chỉ chi trả 11 ca, toàn bộ trên 550 ca chụp CT còn lại người dân phải tự chi trả.

Càng bất thường hơn khi có đến 84% người dân hiện có bảo hiểm y tế, nhưng điều trị ngay tuyến huyện mà không được bảo hiểm chi trả, tức là các yếu tố hợp lý về chỉ định, về hồ sơ, hợp đồng đặt thiết bị đều chưa đảm bảo yêu cầu.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho rằng điều ông băn khoăn khi thực hiện chủ trương xã hội hóa là người dân phải chi trả nhiều tiền một cách không hợp lý.

Theo ông Hưng, Quảng Ninh đã thực hiện chủ trương xã hội hóa từ đầu những năm 2000. “Lúc đó tỉnh khó khăn, chưa đầu tư được nên phải thuê máy của các nhà đầu tư, huy động tiền nhàn rỗi của anh chị em cán bộ BV, các labo xét nghiệm thì hợp tác đặt máy và sử dụng vật tư tiêu hao của người ta.

Có được trang thiết bị hiện đại như vậy đã giúp nâng cao năng lực chuyên môn của anh em” - ông Hưng nhận xét.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng xã hội hóa luôn tồn tại mặt trái: khi nhận đặt máy thì phải cam kết về số lần sử dụng dịch vụ, thiết bị để đảm bảo nguồn thu cho nhà đầu tư, dễ dẫn đến lạm dụng thiết bị. Ông Hưng cho rằng nếu “làm không chắc” thì dễ bị đưa thiết bị cũ, thiết bị “mông má” vào BV công.

Nơi thành công, chỗ thất bại

Chị N.T.S.L. (42 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) kể chị mắc bệnh ung thư cổ tử cung nên đến BV Ung bướu TP.HCM điều trị. Tại đây, bác sĩ tư vấn thời gian đầu chị sẽ được xạ trị, sau đó phẫu thuật.

Trong thời gian xạ trị tại BV Ung bướu, chị L. cũng được tư vấn thêm là BV Ung bướu đang phối hợp với BV Đa khoa Hồng Đức điều trị bệnh cho BN.

BN có thể chọn phẫu thuật tại BV Ung bướu hoặc BV Đa khoa Hồng Đức (có phòng bệnh và dịch vụ điều trị tốt hơn), nhưng bác sĩ phẫu thuật đều là bác sĩ của BV Ung bướu, BN có bảo hiểm y tế vẫn được thanh toán.

Do BV Ung bướu quá tải, nên chị L. đã chọn được phẫu thuật ở BV Đa khoa Hồng Đức. Theo chị L., trong những ngày nằm điều trị tại đây, mỗi sáng đều có bác sĩ của BV Ung bướu qua thăm khám hoặc gọi điện cho chị, phòng bệnh rộng rãi, sạch sẽ.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc BV Ung bướu, sự phối hợp giữa hai BV xuất phát từ thực tế BN tại BV Ung bướu quá tải trầm trọng ở tất cả khu vực như hóa trị, xạ trị, đặc biệt là phẫu thuật.

Phẫu thuật thường là liệu pháp điều trị ung thư đầu tay, sau đó mới đến xạ trị, hóa trị. Tại thời điểm trước khi làm đề án hợp tác khám chữa bệnh giữa hai BV, BV Ung bướu thường xuyên có khoảng 2.000 BN phải chờ mổ dù BV hoạt động hết công suất các bàn mổ.

Trong khi đó, BV tư nhân có cơ sở đầu tư rất tốt nhưng lại có ít BN. BV Đa khoa Hồng Đức có phòng mổ tốt nhưng công suất hoạt động chỉ chiếm 20-30%, phòng trống rất nhiều.

Dù có nhiều BV tư nhân muốn phối hợp với BV Ung bướu, nhưng BV Đa khoa Hồng Đức được chọn vì chỉ cách BV Ung bướu 15 phút chạy xe (ở Q.Gò Vấp).

Hơn nữa, trong trường hợp xảy ra sự cố thì BV Đa khoa Hồng Đức cũng là BV đa khoa, có một tiến sĩ từng làm việc tại BV Ung bướu nên sẽ đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Từ tháng 10-2015, BV Ung bướu đã chuyển 2-4 BN mỗi ngày sang BV Đa khoa Hồng Đức, mỗi tuần khoảng 20 BN. Tất cả BN đều được thông báo về đề án này, và trong trường hợp BN tự nguyện (điền vào phiếu đăng ký dịch vụ) sẽ được các bác sĩ xét trên mức độ nặng nhẹ của bệnh để xem BN có được chuyển qua BV Hồng Đức hay không.

Ngoài chuyên môn, nhân viên y tế còn tư vấn về chi phí... khi chuyển BV điều trị. Mỗi ngày đều có chuyến xe miễn phí từ BV Hồng Đức sang BV Ung bướu đón BN. Các bác sĩ BV Ung bướu qua BV Hồng Đức mổ đều là bác sĩ chuyên khoa 2 trở lên.

Sự kết hợp trên đã giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi, hài lòng hơn với các dịch vụ, ổn định về tâm lý, giúp điều trị hiệu quả hơn, còn BV Ung bướu giảm tải lượng BN và BV Hồng Đức tăng thêm thu nhập.

Qua hai năm thực hiện, đề án này đã có khoảng 2.000 BN được chuyển sang BV Đa khoa Hồng Đức, các ca mổ đều do bác sĩ BV Ung bướu thực hiện và chưa có ca tai biến nào xảy ra.

Đại diện BV Đa khoa Hồng Đức cho biết trước khi hợp tác với BV Ung bướu, công suất sử dụng giường bệnh của BV này chỉ đạt được 50%, còn hiện giờ năng suất giường bệnh đã tăng lên 70%. Sắp tới, BV sẽ tiếp tục phối hợp với BV Ung bướu để hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ cho BN ung thư.

Còn bác sĩ Lê Bích Liên, phó giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết sự phối hợp giữa BV Nhi Đồng 1 và BV Triều An mới ngưng lại do không thu hút được bệnh nhi đến khám.

Trước đó, theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, từ năm 2016 BV Nhi Đồng 1 hợp tác với BV Triều An mở hai phòng khám nhi tại BV Triều An. Sau một năm hoạt động, hai BV họp lại sơ kết, đánh giá thì thấy hai phòng khám không thu hút được bệnh nhi, nên cùng đồng ý ngưng và không triển khai tiếp trong những năm tiếp theo.

Còn bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, giám đốc BV Nhi Đồng 2, cho biết hiện BV này cùng với BV Đa khoa Hồng Đức mở phòng khám nhi tại BV Đa khoa Hồng Đức, có bác sĩ của BV Nhi Đồng 2. Ghi nhận trong những tháng đầu cho thấy số bệnh nhi đến khám tăng theo thời gian. ■

Thêm nhiều bv hợp tác công - tư

Theo Sở Y tế TP.HCM, hình thức hợp tác công - tư (PPP) được thực hiện theo nghị quyết 93/NQ-CP ngày 15-12-2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế.

Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu UBND TP ra quyết định phê duyệt đề án hợp tác công - tư giữa BV Nhân dân 115 với BV Thành Đô và thực hiện phê duyệt đề án hợp tác chuyên môn giảm tải giữa BV Ung bướu và BV Đa khoa Hồng Đức, hợp tác liên kết trong khám chữa bệnh trẻ em giai đoạn 2016-2018 giữa BV Nhi Đồng 1 và BV Triều An.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận xét đến nay, sự kết hợp giữa BV Ung bướu và BV Đa khoa Hồng Đức đã giải quyết được phần nào tình trạng quá tải, giảm thời gian chờ đợi điều trị cho BN, BN hài lòng về thái độ phục vụ, dịch vụ y tế.

Sự phối hợp nhanh hay chậm còn phụ thuộc giữa các BV với nhau. Hiện BV Nhân dân 115 và BV Thành Đô vẫn chưa thực hiện, do hai BV phối hợp ở quy mô lớn nên cần nhiều khâu chuẩn bị. T.Dương

Trạm y tế kết hợp với phòng khám đa khoa

Ngoài mô hình kết hợp giữa BV công với BV tư, tại TP.HCM còn có mô hình hợp tác công - tư tuyến y tế cơ sở đầu tiên ở VN. Đó là phòng khám đa khoa DHA đặt tại Trạm y tế P.11, Q.3.

Đây cũng là phòng khám đầu tiên trong chuỗi phòng khám đa khoa, liên khoa và bác sĩ gia đình tại địa phương của Công ty cổ phần y tế Việt Anh (đơn vị đầu tư dự án này). Đại diện phòng khám cho biết Công ty cổ phần y tế Việt Anh đã đầu tư 10 tỉ đồng trang bị cơ sở vật chất và đầy đủ thiết bị y tế thực hiện các kỹ thuật y khoa như: xét nghiệm sinh hóa, huyết học, miễn dịch, X-quang, siêu âm, đo điện tim.

Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, tổng lượt người dân đến khám, chữa bệnh tại đây là hơn 3.000 lượt, tăng nhiều lần so với trước khi thực hiện mô hình này.

Tuy nhiên, mức độ tăng còn chậm do nhận thức và thói quen của người dân không đến trạm y tế để khám chữa bệnh. Sắp tới, Trung tâm Y tế Q.3 và Công ty cổ phần y tế Việt Anh sẽ tiếp tục khảo sát, nghiên cứu để triển khai thực hiện cho tất cả các trạm y tế còn lại trên địa bàn Q.3.

Bên cạnh đó, công ty đã xúc tiến triển khai với 12 quận, huyện khác thuộc TP.HCM. Trong năm 2018, dự kiến đưa vào hoạt động hơn 30 phòng khám. T.Dương

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận