Bộ truyện tranh là bộ truyện tranh thuần Việt hiếm hoi được đông đảo độc giả nhỏ tuổi yêu thích, từ năm 2002 đến nay đã có 226 tập được xuất bản - Ảnh: Vy Vy
Ngày 18-2, TAND quận 1 (TP.HCM) đã tuyên án vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong truyện tranh Thần đồng đất Việt, giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Theo đó, hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Thông qua các tập truyện tranh Thần đồng đất Việt, bà Phan Thị Mỹ Hạnh và Công ty Phan Thị đã thừa nhận Lê Linh trực tiếp sáng tác ra các hình tượng nhân vật trên. Đến nay, Công ty Phan Thị không đính chính thông tin trên.
Theo lời trình bày của bị đơn, các hình ảnh nhân vật đã có sẵn trong đầu của bà Hạnh. Vì bà Hạnh không phải là họa sĩ nên cần người vẽ lại và bà đích thân kèm ông Linh vẽ lại hình tượng bốn nhân vật trên theo hình dung của bà. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng chỉ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện ra bằng một hình thức nhất định mới được pháp luật bảo hộ.
Từ đó, HĐXX xác định ngoài ông Linh không có ai tham gia sáng tạo bốn hình tượng nhân vật trên nên công nhận ông Linh là tác giả duy nhất, bà Phan Thị Mỹ Hạnh không phải là đồng tác giả.
Vì quyền đứng tên tác giả của tác phẩm là quyền nhân thân và quyền nhân thân không thể chuyển giao nên nếu ông Linh đồng ý chuyển giao thì việc chuyển giao này cũng vô hiệu.
Từ tập 79 Thần đồng đất Việt trở đi, Công ty Phan Thị đã vẽ lại các hình tượng nhân vật này dựa trên tác phẩm gốc. Đây là hành vi sửa chữa tác phẩm mà không được sự đồng ý của ông Linh.
Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu của ông Linh buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo.
Đồng thời, tòa buộc Công ty Phan Thị xin lỗi ông Linh công khai trên báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên trong 3 số liên tiếp, buộc Công ty Phan Thị thanh toán 15 triệu đồng chi phí dịch vụ luật sư mà ông Linh phải thuê để bảo vệ quyền tác quyền của mình bị xâm phạm.
Sau phiên tòa, đại diện bị đơn - ông Nguyễn Vân Nam - cho biết phía bị đơn không bất ngờ với phán quyết trên vì phán quyết này phù hợp với trình độ về quyền tác giả, sở hữu trí tuệ ở nước ta và sẽ kháng cáo bản án.
"Nếu như bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành, tôi tin không có nhà đầu tư nào dám đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sáng tạo. Tôi rất tiếc tòa sơ thẩm đã không nhắc đến điều 39 Luật sở hữu trí tuệ, toàn bộ quyền tài sản tác giả đã chuyển cho Công ty Phan Thị" - ông Nam nói.
Một số vụ kiện bản quyền trên thế giới
Thế giới cũng đã ghi nhận một số vụ kiện bản quyền gần đây trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.
Tháng 9-2017, thẩm phán Vincent L. Briccetti tuyên phán quyết ủng hộ Nhà xuất bản truyện tranh Archie (Archie Comics Publications Inc.), khẳng định đơn vị này thắng trong vụ kiện tranh chấp bản quyền do họa sĩ Scott Fulop là nguyên đơn.
Thẩm phán tòa bác bỏ những cáo buộc cho rằng Archie Comics vi phạm bản quyền và cạnh tranh không lành mạnh. Kết luận của tòa cũng nói không có gì là không phù hợp trong việc tái sản xuất những ý tưởng của tác giả mà không nhắc tới nguồn gốc.
Theo trang CBR, trong đơn gửi lên tòa án liên bang ở Manhattan (Mỹ), ông Fulop nói ông là người sở hữu hợp pháp của 15 nhân vật hoạt hình ông đã sáng tạo ra trong bộ truyện tranh nhiều tập Sonic the Hedgehog.
Ông Fulop nộp đơn kiện trong năm 2009 và 2010, hơn một thập kỷ sau khi các nhân vật này được tạo ra, cáo buộc NXB Archie Comics nợ ông tiền bản quyền của hơn 1.000 lần sử dụng các nhân vật đó.
Họa sĩ Scott Fulop cho rằng Nxb Archie Comics không có quyền tiếp tục sử dụng các sản phẩm sáng tạo của ông mà không trả tiền bản quyền cho ông, số tiền theo ông lên tới vài trăm ngàn USD.
Ông Fulop từng là biên tập viên tại Nxb Archie Comics trong nhiều năm trước khi làm việc tự do với loạt truyện tranh Sonic trong giai đoạn 1996-1998.
Trong một vụ kiện khác diễn ra năm 2011 liên quan tới hãng truyện tranh Marvel, tòa Mỹ đã xử thắng cho Marvel trong vụ kiện tranh chấp bản quyền những nhân vật siêu anh hùng như Spider man (Người nhện) hay The incredible hulk (Người khổng lồ xanh).
Năm 2010, Marvel đã bị gia đình của Jack Kirby - đồng tác giả những bộ truyện về siêu anh hùng - khởi kiện, đòi bồi thường bản quyền cho những sáng tác của ông trong suốt khoảng thời gian từ năm 1958 đến 1963.
Tuy nhiên, thẩm phán Colleen McMahon tại tòa án khu vực ở New York khẳng định tất cả hợp đồng đều cho thấy mọi sáng tác của Kirby chỉ đơn giản là "làm thuê" và lãnh tiền công từ Marvel. Do đó, thẩm phán kết luận Marvel được coi là tác giả và là chủ sở hữu các sáng tác của Kirby.
D.KIM THOA tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận