Chiều 23-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chỉ ra thực tế vụ việc của SCB có ba vấn đề là sở hữu chéo, chi phối và thao túng hệ thống tín dụng đang tạo ra rủi ro, cần phải xử lý triệt để.
Thủ thuật tinh vi vô hình, cần xác định chủ sở hữu thực sự
"Đây là thủ thuật tinh vi vô hình. Nếu dùng các công cụ luật đang thiết kế như giảm hạn mức tín dụng, giảm tỉ lệ sở hữu… tức là lấy cái hữu hình xử lý, trị vô hình sẽ không hiệu quả" - đại biểu An nêu.
Để chống sở hữu chéo, thao túng, theo đại biểu An, cần xác định cá nhân, tổ chức nào thực sự là chủ sở hữu ngân hàng. Dự thảo luật vì thế phải xây dựng khuôn khổ pháp lý để xác định cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.
Quy định cần minh bạch thông tin cho tất cả tổ chức, cá nhân là cổ đông của ngân hàng thay vì giảm tỉ lệ sở hữu; xác định nghĩa vụ công bố thông tin; kiểm soát được dòng tiền và nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát dữ liệu cá nhân.
"Dòng tiền không phải tự nhiên có, phải từ đâu, từ cá nhân nào, vụ việc của Vạn Thịnh Phát cho chúng ta kinh nghiệm" - ông An đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về tỉ lệ sở hữu và giới hạn cấp tín dụng, không nhất thiết phải thay đổi để kiểm soát việc này.
Cũng bởi việc giảm tỉ lệ có thể tạo sự xáo trộn không cần thiết không hay với nền kinh tế. Vì dự án tốt có thể cho vay với tỉ lệ cao. Ông đề nghị cần đánh giá lại và giữ nguyên như quy định hiện hành.
Đặc biệt liên quan đến việc "nhờ người khác đứng tên", ông An cho rằng quy định này "không cụ thể, không nhận diện được" thế nào là góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác.
Vì vậy, ông An đặt câu hỏi: "Cơ sở, phương pháp, cách thức nào để phòng ngừa, đặc biệt là trước ma trận mà ta hay gọi một cách hoa mỹ là "hệ sinh thái" do các "ông bầu" dựng lên để chi phối ngân hàng?".
Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần cấm sở hữu chéo, cũng như siết các quy định để giảm sở hữu chéo, hạn chế thao túng tại các ngân hàng, từ đó điều chỉnh quy định người có liên quan, sở hữu cổ phần của cổ đông lớn.
Thanh tra giám sát chặt, có giám sát tài chính độc lập
Còn theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), vấn đề sở hữu chéo và cho vay người có liên quan tại các tổ chức tín dụng diễn ra rất tinh vi, thường thông qua người quen, qua nhiều tầng nấc và nhóm cổ đông.
Vì vậy, ông đề xuất dự thảo luật xem xét quy định rõ vấn đề quản trị ngân hàng; cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát cụ thể gắn với những vấn đề sở hữu chéo và cho vay đối với người có liên quan.
Ông Tạo nêu băn khoăn khi dự thảo luật quy định đối tượng thanh tra, giám sát chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ phải cung cấp kịp thời, chính xác thông tin tài liệu, thanh tra giám sát, trong khi không quy định một quyền nào của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như quyền khiếu nại, kiến nghị khi cho rằng kết luận thanh tra, quyết định xử lý không chính xác.
"Từ thực tiễn một số vụ án vừa qua, đặc biệt là vụ án Ngân hàng SCB cho thấy kiểm soát quyền lực của cơ quan kiểm tra, thanh tra, việc thẩm định kết quả, kết luận ra sao, phải có chế định chặt chẽ trong dự luật lần này", đại biểu Tạo kiến nghị.
Đồng tình, đại biểu An cũng cho rằng cần phải thiết kế mô hình giám sát tài chính độc lập. Mặc dù dự thảo đã có chương riêng về vấn đề này song ông An cho rằng "chưa đủ" và lớp phòng thủ này rất dễ bị xuyên thủng nên việc giám sát, thanh tra cần phải có nhiều lớp và cần có cơ quan độc lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận