Dòng suối bị ô nhiễm dầu thải chảy xuống khu vực hồ chứa của nhà máy nước mặt sông Đà - Ảnh: NG.KHÁNH
Ông Sơn khẳng định: Ở cả quy mô quốc gia, chúng ta đang bỏ ngỏ một vấn đề rất quan trọng, đó là vấn đề về an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước mặt được sử dụng sản xuất nước sạch.
Còn bỏ ngỏ vấn đề an ninh nguồn nước
* Vụ việc tràn dầu thải ở Nhà máy nước mặt Sông Đà nếu không phải dầu thải mà là chất khác thì sao?
- Mọi người đang nói nhiều về trách nhiệm của Nhà máy nước mặt Sông Đà, tập trung kết tội nhà máy, tuy nhiên vụ việc vừa qua còn có cả vấn đề lơi lỏng trong bảo vệ nguồn nước, thiếu kiến thức xử lý tình huống, vận hành nhà máy.
Thực tế nguy cơ nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc xâm nhập vào nguồn nước là rất nhiều. Vừa qua mới chỉ là dầu thải - chất có thể nhận biết được bằng mắt thường.
Nguy cơ ô nhiễm trên sông Đà rất nhiều. Nếu là tàu vận chuyển phân lân, thuốc bảo vệ thực vật, hay hóa chất, chất độc hại... sau va đâm bị chìm, không hiểu điều gì sẽ xảy ra. Chưa hết, ngay những nguồn thải cố định, chất độc hại cũng không được quản lý, kiểm soát, vẫn vô tư xả ra sông.
Ví như với các phương tiện thủy có công suất động cơ thủy dưới 220KW, Bộ Giao thông vận tải quy định phải có can, két, thùng chứa nước nhiễm dầu, phải đưa nước nhiễm dầu lên bờ để xử lý tập trung. Tuy nhiên, chưa ai nhìn thấy một trạm xử lý nước nhiễm dầu tập trung nào ở trên bờ dành cho phương tiện thủy. Nên các tàu thuyền có thể cứ xả thẳng ra sông.
Hàng trăm nghìn tàu cá cũng vậy. Vấn đề này đã được nêu với Bộ NN&PTNT, bộ nói cũng quan tâm, nhưng trước các đề xuất về giải pháp thì không mặn mà gì.
Bộ TN-MT cũng nói không kiểm soát vấn đề này, tàu thuyền cứ vô tư xả nước nhiễm dầu bao nhiêu năm nay. Vấn đề này đã được đề cập ít nhất 10 năm nay, bằng văn bản, bằng ý kiến ở các hội thảo, nhưng hình như đây là việc của ai đó chứ không phải là việc của cơ quan nào. Về nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất ở hai bên bờ sông, thật sự không kể hết.
* Từ vụ nước sạch cấp cho Hà Nội bị ô nhiễm cho thấy nếu có chủ đích phá hoại cũng không khó khăn gì?
- Với thực tế quản lý nguồn nước hiện nay, nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc có nhiều cơ hội xâm nhập vào hệ thống nước mặt, hệ thống sản xuất nước sạch của nhà máy, thậm chí từ đường ống bơm tới nhà dân.
Ông Phạm Văn Sơn - giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam
Không kiểm soát chất lượng nước đầu vào
* Trong khi các nhà máy nước mặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ về các nguồn thải độc xâm nhập, ông đánh giá thế nào năng lực nhận diện, phát hiện sớm các chất ô nhiễm?
- Ở đây có lỗ hổng rất lớn. Nhà máy nước mặt Sông Đà chỉ quan trắc nguồn với nước đầu vào với mấy chỉ tiêu: quan trắc độ đục, độ pH, nhiệt độ, còn những chất khác như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... không có quan trắc. Vì vậy, sau vụ việc nhiễm dầu thải, chúng ta cần phải bừng tỉnh lại, phải vá ngay các lỗ hổng.
Phải thay đổi công nghệ kiểm tra chất lượng nước, hiện nay nhà máy chỉ có thiết bị kiểm tra liên tục 3 chỉ tiêu: độ đục, pH và nhiệt độ, đối với chỉ tiêu khác thì hằng tuần lấy mẫu phân tích theo quy chuẩn hằng tuần với các chỉ tiêu nhóm A, 6 tháng với nhóm B, 2 năm với nhóm C và chờ kết quả.
Vì vậy, nhà máy phải khẩn trương áp dụng thiết bị công nghệ mới với khả năng kiểm tra liên tục hàm lượng một số loại hóa chất độc trong nước trước khi đưa vào nhà máy, có khả năng tự chuyển sang chế độ báo động khi phát hiện có hóa chất độc hại vượt ngưỡng quy định.
Bắt buộc phải quan trắc liên tục với nguồn nước đầu vào. Dầu tràn có thể nhận biết bằng mắt thường, còn với các chất thải độc khác, phải nhận biết sớm bằng thiết bị công nghệ tự động.
Không chỉ phòng thí nghiệm của nhà máy xét nghiệm mẫu nước thường xuyên, mà còn phải thuê đơn vị phân tích độc lập xét nghiệm đối chứng. Thậm chí, cơ quan quản lý nhà nước phải mã hóa các mẫu nước để đảm bảo việc phân tích có kết quả chính xác nhất, khách quan nhất.
Cần có phương án ứng phó
Chỉ doanh nghiệp không thể bảo vệ được toàn bộ nguồn nước trên sông, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cấp cao hơn theo đúng quy định của Luật bảo vệ môi trường. Bộ và các cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hằng năm.
Ví như sông Đà, phải thiết lập một vùng bảo vệ, cấm tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm cho nguồn nước này. Qua quan sát, hiện hai bên bờ sông Đà vẫn còn nhiều nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm tới nguồn nước.
Ứng phó khi có sự cố, Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định các doanh nghiệp có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật này mới quy định cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất mới phải làm kế hoạch.
Hãy làm đúng quy định của Luật bảo vệ môi trường, đó là mỗi doanh nghiệp, tức nhà máy nước mặt, cũng phải làm kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó này phải nhận diện đầy đủ các nguy cơ, rủi ro về nguồn nước.
Còn ứng phó, cần xây dựng các kịch bản sau khi các thiết bị nhận diện được hóa chất vượt ngưỡng quy định, nguồn tiếp nhận sẽ dừng lấy nước vào, xử lý nguồn ô nhiễm này trước khi đưa vào hệ thống sản xuất.
Nếu không phát hiện kịp, phải kiểm soát được chất lượng nước đầu ra và tạm dừng cấp nước vào hệ thống. Nếu đã đi vào hệ thống cung cấp cho người dân - tức là đã quá muộn, khi đó phải lập tức cảnh báo tới toàn bộ người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận