Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý.
PGS.TS Trần Thành Nam - giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - cho rằng một học sinh nếu bị bạo lực học đường thì cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho các em.
Thiết lập quy trình an toàn 24/24
Sau khi trẻ thông báo với cha mẹ và nhà trường, các em cần được 2 nơi này kết hợp để có các biện pháp chấm dứt việc bị bạo hành, chứ không chỉ dừng lại ở việc "hứa sẽ xem xét sự việc. Sự chậm trễ sẽ khiến những đối tượng đang bạo hành tiếp tục tái diễn bắt nạt học sinh.
Cần xem xét con bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành? Con có biểu hiện của trầm cảm, có suy nghĩ tự sát hay không?
Sau khi vụ việc bạo hành đã được học sinh tiết lộ rồi thì cần hỏi để biết tình hình các em có bị bạo hành tiếp không? Đã được cải thiện chưa?...
Còn theo bà Hoàng Thị Thu Nhiên - chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds, nữ sinh Y.N. đã có hành vi tự tử vì quan hệ với bạn bè là một quá trình, chứ không chỉ là mâu thuẫn tức thì.
Thường tỉ lệ các bạn nữ bị các bạn cùng lớp kỳ thị và cô lập sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần so với các bạn nam bị cô lập, bởi hướng giải quyết của các bạn trai thường khác. Đặc biệt các bạn gái nhạy cảm có chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) thấp rất dễ bị buồn, tổn thương.
Cha mẹ, thầy cô cần làm gì?
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực học đường ngày một gia tăng, bà Nhiên cho biết, hiện nay học sinh đều hay phân chia bè nhóm để chơi.
Nếu cha mẹ không nắm bắt được vấn đề con cái đang phải trải qua thì các em sẽ dễ rơi vào trạng thái stress, sợ đi học. Vì vậy, theo bà Nhiên, cần đưa vào giảng dạy tại trường học các môn tâm lý.
Theo bà Nhiên, mạng xã hội vừa bổ ích nhưng cũng vừa độc hại. Bạo lực học đường xuất phát nhiều từ việc sử dụng mạng xã hội (do chat, tám chuyện qua Facebook, Zalo, nhiều trào lưu không sạch sẽ, phản giáo dục trên TikTok, YouTube… ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của giới trẻ).
Bà Nhiên cho rằng việc thiếu chia sẻ giữa cha mẹ với các con là một nguyên nhân rất lớn khiến các con khó thoát ra khỏi tình trạng bị bạo lực học đường.
Cha mẹ rất cần lắng nghe con để nắm câu chuyện, đồng thời thể hiện sự ghi nhận, thấu hiểu những điều tích cực của con đã làm được.
Sau đó cần hỏi con để con tự đưa ra phương án giải quyết vấn đề: "Ngày mai, tới trường, con sẽ làm gì để giải quyết việc này?".
Khi nghe con nói, cha mẹ mới bày tỏ ý kiến bằng cách đưa ra đề xuất: "Cha mẹ góp ý với con một chút được không?". Con đồng ý lắng lời góp ý của cha mẹ thì đó là lúc con sẵn sàng làm theo lời cha mẹ khuyên.
Ngoài ra, theo bà Nhiên, cha mẹ cần giữ được sự bình tĩnh, tránh không để xảy ra căng thẳng với thầy cô để giải quyết những vấn đề con trẻ đang gặp phải.
Thiết lập quy trình xử lý bạo lực học đường
Ông Nam đưa ra ý kiến, đối với bạo lực học đường, cần thiết lập một quy trình xử lý theo một sơ đồ chung như sau:
Nhận thông tin bạo lực học đường --> giao cho phòng tư vấn học đường tìm hiểu vụ việc --> có kế hoạch ngay lập tức bảo vệ cho học sinh bị bạo lực --> nhanh chóng làm việc với kẻ gây ra bạo lực, và phụ huynh của người này, đưa ra một "hợp đồng cam kết" đảm bảo không được tiếp diễn hành động bắt nạt học sinh, kể cả ở không gian thực và trên mạng --> gia đình nạn nhân giám sát cả người bị bạo hành và người bạo hành trong một khoảng thời gian để đảm bảo các hành vi bạo lực không tái diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận