30/12/2019 13:52 GMT+7

Từ vụ nữ bác sĩ bị đâm chết, Trung Quốc ban hành luật bảo vệ nhân viên y tế

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành luật bảo vệ nhân viên y tế mới sau khi nữ bác sĩ Yang Wen bị một người đàn ông đâm chết khi đang làm việc tại phòng cấp cứu bệnh viện Hàng không Dân dụng Bắc Kinh trong ngày 24-12.

Từ vụ nữ bác sĩ bị đâm chết, Trung Quốc ban hành luật bảo vệ nhân viên y tế - Ảnh 1.

Trung Quốc giới thiệu luật mới nhằm ngăn chặn bạo lực chống lại các bác sĩ - Ảnh: GETTY IMAGES

Đài BBC ngày 29-12 cho biết luật này, sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-6-2020, cấm bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào đe dọa hoặc làm tổn hại đến an toàn hay nhân phẩm của nhân viên y tế.

Truyền thông Trung Quốc cho biết người đàn ông tấn công nữ bác sĩ có mối liên hệ với một bệnh nhân đang điều trị trong phòng cấp cứu.

Ông Zhao Ning, quan chức của Ủy ban Sức khỏe Quốc gia, cho biết: "Chúng tôi vô cùng tức giận và đau buồn trước sự việc này, đặc biệt là khi chính phủ đã xem xét luật chống bạo hành nhân viên y tế".

Theo luật mới, những người "gây rối trong bệnh viện hoặc làm tổn hại đến an toàn và nhân phẩm của nhân viên y tế" sẽ bị xử phạt hành chính như giam giữ hoặc phạt tiền. Luật cũng trừng phạt những người thu thập trái phép, sử dụng hay tiết lộ thông tin y tế cá nhân của người bệnh.

Đây không phải là trường hợp chết người đầu tiên hay bạo lực đầu tiên xảy ra tại một bệnh viện Trung Quốc. Theo CGTN, trang web chính thức của một mạng truyền hình thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, có ít nhất 12 vụ "tai nạn y tế" liên quan đến bạo lực và 2 nhân viên y tế đã thiệt mạng trong năm 2018.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát gần đây của Dingxiang Yuan, trang web trực tuyến dành cho các chuyên gia y tế, cho thấy 85% bác sĩ đã phải trải qua vấn nạn bạo lực tại nơi làm việc của họ.

Một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet tuyên bố có nhiều nguyên nhân khiến các bác sĩ tại các bệnh viện ở Trung Quốc trở thành mục tiêu bị đe dọa hoặc tấn công. Áp lực lớn, phụ cấp ít của nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ, hoặc thiếu kiến thức từ bệnh nhân có thể dẫn đến những cuộc tranh cãi và xô xát.

Một số nhân tố khác có thể kể đến là các bài báo tiêu cực về các nhân viên y tế, hay kỳ vọng của bệnh nhân và người thân khi chữa trị và tiền viện phí quá lớn đối với các gia đình có thu nhập thấp.

Hồi tháng 10, một bệnh nhân ung thư ở một bệnh viện tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, đã đâm chết một nữ bác sĩ. 

Trước đó, tháng 8-2018, ba người đàn ông đã đâm chết một bác sĩ ở bệnh viện thành phố cảng Thiên Tân (thành phố trực thuộc trung ương). Vài tháng trước đó trong năm 2018, một bác sĩ tại tỉnh An Huy cũng bị đâm chết sau một cuộc cãi vả với chống của bệnh nhân.

Một số bệnh viện tại Trung Quốc thậm chí đã phải huấn luyện các nhân viên của họ cách tự vệ.

Bệnh nhân nghi đốt bệnh viện, bác sĩ tá hỏa bỏ chạy lúc rạng sáng Bệnh nhân nghi đốt bệnh viện, bác sĩ tá hỏa bỏ chạy lúc rạng sáng

TTO - Một bệnh nhân bất ngờ châm lửa đốt tại phòng điều trị Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quỳnh Lập, Nghệ An khiến bác sĩ và các bệnh nhân hốt hoảng bỏ chạy rạng sáng 26-12.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên