07/12/2024 08:17 GMT+7

Từ vụ Nờ Ô Nô lờn luật: Cứng rắn hơn để chặt 'vòi bạch tuộc' của kênh bẩn

Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội hiện nay đã trở thành một công việc chuyên nghiệp. Nhưng những lợi ích vật chất mà công việc này mang lại khiến nhiều chủ kênh câu view bất chấp đạo đức, pháp luật như vụ TikToker Nờ Ô Nô vừa qua là một điển hình.

Từ vụ Nờ Ô Nô lờn luật: Cứng rắn hơn để chặt 'vòi bạch tuộc' của kênh bẩn - Ảnh 1.

Cuối năm 2022, TikToker Nờ Ô Nô từng bị xử phạt vì làm clip miệt thị người nghèo nhưng vẫn "chứng nào tật nấy" - Ảnh cắt từ clip

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội vào khuôn khổ, từ đó lập lại trật tự trên không gian mạng, hướng đến xóa bỏ môi trường Internet "độc hại" như hiện nay.

Phải quản lý cứng rắn hơn

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), với những kênh TikTok khi thu hút lượng xem lớn, thu nhập của người sáng tạo có thể sẽ rất "khủng".

Vì những nguồn lợi đó, càng ngày sẽ có càng nhiều người bất chấp tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, hay thậm chí là lệch lạc, miễn sao có thể thu hút được người xem.

Cho nên, với hình thức phạt tiền như trường hợp của Nờ Ô Nô có vẻ như chưa đủ "sức nặng" và không là gì so với thu nhập mà TikToker này có thể kiếm được. Việc phạt hành chính không phải là một chế tài đủ sức răn đe đối với các TikToker. 

Đây là thực tế cần được nhìn nhận, để răn đe cần thiết trong quản lý không gian mạng xã hội hiện nay.

Trên thực tế, sau khi bị cấm, các TikToker, YouTuber có thể tạo ra vài tài khoản TikTok khác nhau để tiếp tục hoạt động. Những video clip được đăng trên kênh mới lại tiếp tục lên xu hướng và thu hút vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu lượt xem.

Điều đó khiến nhiều người tỏ ra quan ngại và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như TikTok, YouTuber… khi quản lý các nội dung và nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng của họ.

"Trở lại với vấn đề chính là việc kiểm soát, kiểm duyệt, ngăn chặn thông tin xấu độc, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, quy định pháp luật Việt Nam trên TikTok, dù nhà phát triển đã có những giải pháp nhất định, song thông tin xấu độc trên nền tảng này vẫn là một "đặc sản" xuất hiện dày đặc, thậm chí còn được đẩy lên xu hướng, tương tác với hàng triệu người cực kỳ nguy hiểm.

Thế nên, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có biện pháp cứng rắn hơn với nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này. Nếu TikTok không hợp tác, không ủy quyền cho pháp nhân ở Việt Nam quản lý nội dung, thì chẳng có lý do gì để chúng ta tiếp tục chào đón.

Bên cạnh đó, công việc sáng tạo nội dung trên Internet đã trở thành một nghề. Thế nên những người làm công việc này cần phải có kỹ năng, được phổ biến về mặt đạo đức, pháp luật cũng như các nguyên tắc khi sáng tạo nội dung.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần có các bước kiểm duyệt nhất định để những nội dung mà họ sáng tạo ra không gây hại cho cộng đồng", ông Hùng đề xuất.

Luật sư còn cho rằng cũng cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh các quy phạm của Luật An ninh mạng nhằm thể hiện tính "thực định" đầy đủ hơn, nghĩa làm cho chúng trở nên rõ ràng, cụ thể hơn.

Và sớm ban hành nghị định và văn bản quy phạm pháp luật liên quan hướng dẫn, làm rõ hơn biện pháp tổ chức thi hành Luật An ninh mạng. Về lâu dài, xuất phát từ những đặc thù đối với loại vi phạm/tội phạm online…

Nâng cao ý thức người tham gia mạng xã hội

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tâm (giảng viên Trường đại học Văn Lang) cho rằng những thông tin tích cực trên mạng xã hội hiện nay không được lan tỏa nhiều, nhanh như những thông tin tiêu cực.

Về mặt vĩ mô, cần tác động vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về việc buộc họ phải hỗ trợ kiểm soát nội dung, ngăn chặn những thông tin tiêu cực. 

Về mặt thuật toán, TikTok, YouTube hay Facebook hoàn toàn có thể hỗ trợ, ví dụ những nội dung thông tin có giá trị tích cực với cộng đồng thì có thể ưu tiên hiển thị đối với những thông tin đó.

Đối với người làm sáng tạo nội dung, ông Tâm cho rằng đây là một công việc có thể mang lại thu nhập ổn định, nên người làm công việc này cần nghiêm túc đối với công việc của mình, cần có kế hoạch, định hướng khai thác nội dung thay vì chỉ chăm chăm "đu trend", câu like, câu view… 

Thực tế có rất nhiều người làm sáng tạo nội dung tích cực, nhân văn, đóng góp cho xã hội và được cộng đồng ghi nhận, vinh danh.

Ngoài ra, ông Tâm cho rằng nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay "có vấn đề", người tham gia mạng xã hội còn "dễ dãi" với những nội dung bẩn.

Như trường hợp của Nờ Ô Nô, sau mỗi lần bị khóa kênh thì kênh được lập sau đó lại có lượt theo dõi còn cao hơn. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người làm nội dung chỉ chăm chăm tạo drama (gây tranh cãi - phóng viên) để thu hút người xem.

"Có những người tham gia mạng xã hội thích hóng hớt, tranh cãi… dẫn đến việc thúc đẩy nội dung "bẩn" lên xu hướng và xuất hiện nhiều hơn nữa.

Việc định hướng, giáo dục ý thức của cộng động mạng là việc không dễ nhưng cực kỳ quan trọng. Nếu cộng đồng mạng có ý thức tốt hơn, không chia sẻ, không tương tác, báo cáo những nội dung độc hại thì những nội dung này không thể đạt được mục đích câu view, câu like", ông Tâm chia sẻ.

Từ vụ Nờ Ô Nô 2 lần bị phạt: Làm thế nào để ‘chặt vòi bạch tuột’ nội dung bẩn  - Ảnh 2.3 lần TikToker Nờ Ô Nô bị xóa kênh

'Ba lần bị xóa kênh TikTok, hai lần bị xử phạt với số tiền lên đến 37,5 triệu đồng' được cho là chưa đủ với TikToker chuyên sản xuất nội dung bẩn như Nờ Ô Nô.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên