22/05/2019 18:29 GMT+7

Từ vụ mắng chửi bác bảo vệ, nghĩ về văn hóa ăn nói

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Việc nói năng thể hiện bản tánh, cốt cách con người. Chính vì vậy, ông bà ta đã dạy: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Nói gì cũng cẩn trọng, để tránh làm phiền lòng người khác.

Từ vụ mắng chửi bác bảo vệ, nghĩ về văn hóa ăn nói - Ảnh 1.

Nguyễn Phúc Đại xin lỗi hai bảo vệ cùng bà con chung cư Lacasa, quận 7 - Ảnh: CHẾ THÂN

Một bạn trẻ Việt kiều vừa làm dấy dư luận về lời ăn tiếng nói khi cãi cọ và có lời lẽ khiếm nhã với những người lớn tuổi ở một chung cư tại Q.7 (TP.HCM). Ngay sau đó, bạn trẻ này đã xin lỗi những người có liên quan, một phần vì nhận ra sai trái nhưng phần khác còn vì áp lực từ dư luận (cộng đồng mạng).

Ngày nay, nói một lời nào với ai đó người ta còn có thể làm tổn thương không chỉ người nghe trực tiếp mà còn tác động đến cả cộng đồng, nếu nó được quay lại và phát trên mạng xã hội.

Đơn cử như chuyện bạn trẻ ở Q.7 nói trên, ngay khi video được chia sẻ, ngay lập tức dư luận dậy sóng. Những người sử dụng mạng xã hội không khó để tìm ra "chính chủ" của những phát ngôn để "tấn công" trở lại.

Và nói như bạn trẻ ấy (lúc nhận lỗi, được Tuổi Trẻ TV ghi lại) là "khi nói làm tổn thương người khác thì mình cũng bị tổn thương" (gấp nhiều lần hơn). Đấy là sức mạnh của sự giám sát tập thể, trong trường hợp này là cần thiết nhưng cũng có những lúc, sự dậy sóng của số đông là "té nước theo mưa" mà không cần hiểu đầu đuôi câu chuyện. Khi đó, đám đông trở thành những người gây tổn thương cho một hoặc vài đối tượng một cách tàn nhẫn.

Về vấn đề này có hẳn nghiên cứu và kết quả đã từng được công bố. Cụ thể, chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra số liệu về những phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội với 78,1% tổ chức, cá nhân từng trở thành nạn nhân của các phát ngôn thù ghét trên mạng, trong đó phần lớn bị nói xấu, phỉ báng.

Từ vụ mắng chửi bác bảo vệ, nghĩ về văn hóa ăn nói - Ảnh 2.

Chuyện một bạn trẻ ở Q.7, TPHCM nói nặng lời với người khác gây bức xúc dư luận - Ảnh: TTO

Còn theo khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung ở nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

Trong khi đó, thống kê của We are Social được Bộ TT&TT đưa ra cho biết, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt 55 triệu người (57% dân số), trong đó lượng người dùng mạng xã hội qua di động là 50 triệu người.

Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt tương ứng là 7 giờ và 2,5 giờ. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất, với tỉ lệ là 61% và 59%.

Với những con số này cho thấy, số người trầm mình trong thế giới mạng rất nhiều và rất lâu mỗi ngày thì sự tác động của nó không hề nhỏ chút nào.

Có một điều dễ thấy và đã được nói nhiều, đó là mạng xã hội phát triển, trở thành phương tiện giao tiếp, truyền thông, chia sẻ góc nhìn và quảng bá bản thân… thì cũng chính mảnh đất đó, con người bộc lộ nhiều nhất sự thiếu độ lượng. Bất kỳ một thông tin "chướng tai gai mắt" nào cũng có thể trở thành đối tượng cho các Bloger, Facebooker tấn công bằng cách chửi bới, "ném đá" không thương tiếc. Và họ có thể làm việc đó một cách tức thì, không cần phân tích đúng sai, nên hay không.

Lời khuyên "lời nói chẳng mất tiền mua/ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" một lần nữa xác tín về "đức hạnh" của lời nói và từ đây biểu hiện tính cách, đạo đức một con người.

Không phải ai và lúc nào con người cũng đủ bình tĩnh để làm chủ những điều mình nói, nhưng nếu có quan sát từng điều mình nói, có tình thương và sự tôn trọng người nghe một cách sâu sắc, đủ lớn thì tự khắc ta sẽ không-thể-nào thốt ra được lời cay đắng với họ.

Và khi đã lỡ nói điều sai quấy thì việc nhận ra ngay để xin lỗi và tập bỏ thói quen nói lời cay đắng, gây tổn thương chính là một hành động dũng cảm, thể hiện sự mạnh mẽ trong sửa mình của một ai đó.

Mong rằng câu chuyện của bạn trẻ ở Q.7, những con số gây tổn thương từ các nghiên cứu khoa học phần nào giúp chúng ta chậm lại một chút, không "uốn lưỡi bảy lần" trước khi nói thì chí ít cũng được vài lần nghĩ tới hậu quả để dùng những lời dễ thương khi nói, hoặc biết im lặng rời đi khi thấy mình đang mất bình tĩnh thay vì phải cương lên. Đó cũng là một cách kiến tạo bình an cho tự thân, cho cộng đồng chứ đâu xa?

Việt kiều khoe

TTO - Chiều 20-5, tại chung cư Lacasa, P. Phú Thuận, Q.7, TP.HCM, anh Nguyễn Phúc Đại đã trực tiếp xin lỗi 2 bảo vệ lớn tuổi là ông Nguyễn Văn Phê và ông Tạ Hồng Thái - nhân viên Công ty bảo vệ Yuki, bảo vệ chung cư Lacasa.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên