"Phần lễ đen, gia đình cứ tùy tâm. Chúng ta chỉ làm theo phong tục và tôi nghĩ phong tục là mang nét đẹp văn hóa, chứ không phải mượn phong tục để đòi hỏi lễ lạt nhiều.
Chúng ta thống nhất "lễ đen" mang tính tượng trưng" - Đó là câu nói của bố tôi cách đây hơn 15 năm khi gia đình tôi bàn bạc với nhà trai trong việc chuẩn bị tổ chức lễ cưới cho hai chúng tôi.
"Lễ đen" sẽ trở thành gánh nặng nếu quá coi trọng, lạm dụng
Trong đám cưới người Việt, không hiếm gia đình vẫn coi trọng phần "lễ đen". Rất nhiều gia đình muốn thể hiện giá trị của đàng gái trước khách mời trong ngày trọng đại của con trẻ, nên thách cưới cao bằng tiền hoặc vàng.
Việc nhà trai phải chuẩn bị đúng lễ đen theo yêu cầu của nhà gái là thể hiện sự "coi trọng" nhà gái.
Quan niệm này, theo tôi nên bỏ. Hôn nhân của con trẻ có lâu bền, gắn kết và hạnh phúc không phụ thuộc vào giá trị của đồ lễ nhà trai mang tới.
Ngày nay, bạn trẻ đến với nhau bằng tình yêu, hiếm chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, hay hôn nhân ép buộc. Bởi vậy, quan trọng nhất vẫn là hạnh phúc của đôi trẻ.
Sẽ là gánh nặng nếu gia đình nhà gái thách cưới quá mức và nhà trai không thể đáp ứng. Nhưng vì sĩ diện và tự trọng, sẽ có rất nhiều gia đình đi vay mượn cho đủ phần sính lễ. Để rồi sau đó lại phải cày cuốc, gắng gượng để trả nợ.
Vậy, chẳng phải hạnh phúc của các con vô tình lại là gánh nặng của cha mẹ? Và đôi trẻ có thực sự cảm thấy hạnh phúc khi cha mẹ đã phải gồng gánh quá nhiều vì phần lễ mang tính tượng trưng này hay không?
Nét văn hóa lễ đen trong phong tục cưới hỏi người Thái ở quê tôi
Không chỉ có người Kinh mới có "lễ đen", mà người Thái quê tôi (tỉnh Sơn La) cũng có phần lễ này. Nhưng "lễ đen" của người Thái lại khá đặc biệt. Bởi phần lễ này do nhà gái mang tới nhà trai. Một nét đẹp văn hóa lâu đời mà đồng bào Thái dân tộc Tây Bắc chúng tôi duy trì nhiều năm nay, trở thành phong tục tập quán không thể thiếu trong nghi thức cưới hỏi của người Thái.
Tôi có dịp trò chuyện với một cao niên trong bản. Cụ Lò Văn Chơ có nhiều năm được người dân trong bản tín nhiệm mời làm chủ hôn cho nhiều gia đình có con cái đi lấy vợ lấy chồng. Cụ đã chia sẻ về phong tục này với tôi.
Theo tục lệ của người Thái, nếu nhà có con gái đi lấy chồng, gia đình nhà gái phải chuẩn bị phần lễ đen mang đến nhà trai, chính là hiện vật.
Cũng giống như người Kinh có câu: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", trong lễ cưới của con gái, gia đình sẽ chuẩn bị đồ lễ như chăn, đệm, khăn piêu (do chính cô dâu làm) để thể hiện sự khéo léo.
Ngoài ra, đồ lễ còn là những vật dụng cần thiết cho một gia đình nhỏ như giường, tủ, bát, đĩa…
Nếu như trước kia đồ lễ này bắt buộc, thì nay theo nếp sống mới giản dị, tiết kiệm và đề cao hạnh phúc con trẻ, nhà trai cũng không yêu cầu nhà gái phải chuẩn bị hết đồ dùng như vậy nữa, mà hướng tới sự đơn giản.
Nếu nhà gái không có điều kiện, chỉ cần chuẩn bị khăn piêu (loại khăn các cô gái Thái hay dùng), vỏ chăn, gối do chính cô dâu thêu thùa. Các vật dụng khác, nếu không có, nhà trai cũng không đặt nặng.
Có lẽ, nếp sống văn minh hiện đại trên tinh thần giản đơn đồ lễ cưới đã được nhân dân áp dụng nhiều và điều này mang tính xây dựng, nên gia đình hai bên đều vui vẻ thoải mái hưởng ứng.
Tiền bạc hay đồ lễ có giá trị rất quý về vật chất, nhưng đó không phải là tất cả để "định giá" được hạnh phúc của một cuộc hôn nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận