Rạng sáng 11-7, giờ Việt Nam, ban tổ chức cuộc thi Genius Olympiad chính thức thông báo quyết định thu hồi giải thưởng đã trao cho một học sinh Việt Nam vì "đạo văn", đồng thời cấm người hướng dẫn, giáo viên một trường THPT ở TP.HCM, tham gia cuộc thi này vào năm tới.
"Phán quyết" này có thể coi là một "phần thưởng" cho nỗ lực đầy dũng cảm của Mai Chi, nữ sinh 15 tuổi, trong hành trình mà em gọi là "vì sự công bằng".
"Cuộc sống có thể thực sự không công bằng nhưng nó không nên là không công bằng chỉ vì những người liên quan vì sợ ảnh hưởng, sợ đấu tranh mà không hề lên tiếng. Mình lên tiếng vì bản thân, vì sự thật và vì sự công bằng.
Có thể sẽ không có nhiều hiệu quả vì mình còn quá nhỏ nhưng ít nhất mình không hổ thẹn với bản thân vì đã hèn nhát, cúi đầu".
Mai Chi viết như vậy trong bài đầu tiên trên trang cá nhân đưa vụ việc ra ánh sáng.
Vụ lùm xùm xảy ra với tác phẩm mà Mai Chi dự thi ở hạng mục Viết sáng tạo cuộc thi năm 2023 của Genius Olympiad, khi em cho rằng bài viết vòng loại của mình đã bị một thí sinh khác sao chép, đem thi ở vòng chung kết và đoạt giải.
Cho dù chỉ là một sân chơi nhằm thúc đẩy nhận thức của các bạn trẻ về môi trường thông qua các dự án khoa học, ban tổ chức Geniuis Olympiad đã nhanh chóng vào cuộc, xác định mức độ gian lận và quyết định thu hồi giải thưởng.
Quyết định rốt ráo và quyết liệt đã giúp lấy lại công bằng cho Mai Chi. Nhưng không chỉ có thế!
Phán quyết nhanh của ban tổ chức còn là cảnh báo đanh thép đối với sự thiếu trung thực trong khoa học, nạn đạo văn vốn nhức nhối lâu nay.
Nó đồng thời là một ví dụ sinh động của cách chúng ta phản ứng, hành xử với cái sai. Nó cũng khiến người ta ưu tư về cách người lớn dạy cho tụi nhỏ về sự trung thực, sự chính trực và những nguyên tắc khắt khe trong sáng tạo, nghiên cứu.
Tình cờ, cách đây vài ngày, một người bạn kể câu chuyện mà anh phải "lao tâm khổ tứ" để "quán triệt" cho cậu con trai vừa học xong lớp 5 về đạo văn, về sự chính trực.
Anh cho biết trong ba tháng hè, anh và con lên kế hoạch để con đọc 10 cuốn sách chữ (thay vì "cày" truyện tranh). Khi cậu con trai đọc xong cuốn đầu tiên Đất rừng phương Nam, anh yêu cầu con viết cảm nhận về cuốn sách trong một trang giấy.
Hai ngày sau, con trai gửi anh bài viết dài tới hai trang với khuôn mặt rạng ngời, kiêu hãnh: "Con đã phải suy nghĩ, tìm hiểu, tham khảo rất kỹ nhiều tài liệu trên mạng rồi mới viết được như vậy đó ba".
Anh đọc bài văn, càng đọc càng ngạc nhiên rồi sinh nghi. Và chỉ cần một thao tác nhỏ, anh phát hiện nguyên văn bài văn đó trên một trang mạng. Hỏi thì con hồn nhiên đáp rằng: "Con tham khảo trên mạng, thấy bài đó hay quá. Con viết thì sẽ không được như vậy nên con chép luôn".
Giận con tím mặt nhưng anh cũng kìm lại được để tìm cách nói cho một đứa bé về pháp lý khi con "đạo" nguyên xi một bài văn trên mạng (Luật Sở hữu trí tuệ); về đạo lý (khi con làm vậy là gian dối, không trung thực, lấy những cái không thuộc về mình); về nguyên lý căn bản của khoa học, sáng tạo (liêm chính, chính trực, không đạo văn)...
Những bài học như vậy ban đầu có thể xa lạ và khó hiểu với trẻ, nhưng cách mà người lớn hướng cho trẻ ngay từ đầu quyết liệt và rõ ràng sẽ giúp trẻ dần hình thành những nền tảng vững chắc cho hành trình nghiên cứu, sáng tạo sau này. Khi đó, hy vọng sẽ dần ít đi tình trạng đạo văn và gian lận.
Và cũng sẽ dần bớt đi những ồn ào kiểu một phó giáo sư, tiến sĩ, nguyên hiệu phó của một trường ĐH ở TP.HCM, người đã phải thôi chức vì bị tố đạo văn, gian lận, đầu nậu mua bán bài báo khoa học... vẫn điềm nhiên nộp hồ sơ để được phong học hàm giáo sư năm 2023 này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận