19/03/2022 13:25 GMT+7

Từ vụ cô gái 22 tuổi tử vong sau nâng mũi, bác sĩ chỉ ra nhiều nguy cơ khi phẫu thuật thẩm mỹ

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Vụ việc cô gái 22 tuổi tử vong sau nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ “chui” đã tiếp tục cảnh báo đến nhiều người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ. Theo các chuyên gia, dù là bất kỳ phẫu thuật nào cũng phải do bác sĩ có chuyên môn thực hiện.

Từ vụ cô gái 22 tuổi tử vong sau nâng mũi, bác sĩ chỉ ra nhiều nguy cơ khi phẫu thuật thẩm mỹ - Ảnh 1.

Phẫu thuật thẩm mỹ do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Thông thường, phẫu thuật nâng mũi có thể kéo dài từ 30 đến 60 phút. Trong trường hợp nâng mũi bằng phương pháp lấy sườn sụn thì kéo dài hơn 1-2 giờ. Bất kỳ phẫu thuật nào cũng sẽ có những nguy cơ, bởi vậy việc kiểm soát nguy cơ là rất cần thiết. Tại những cơ sở thẩm mỹ không có chuyên môn thường bỏ qua bước này, dẫn đến trường hợp tử vong đáng tiếc.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - phó chủ nhiệm khoa tạo hình - thẩm mỹ, Học viện Quân y

Tuổi Trẻ Online đã thông tin về vụ việc cô gái 22 tuổi quê Long An tử vong sau 2 tháng nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ "chui" tại Hà Nội. 

Nhiều người cho rằng phẫu thuật nâng mũi là một phẫu thuật đơn giản, không nguy hiểm nên đã lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ không uy tín, không được cấp phép, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Đừng nghĩ phẫu thuật nâng mũi không nguy hiểm

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - phó chủ nhiệm khoa tạo hình - thẩm mỹ, Học viện Quân y - cho biết trường hợp cô gái 22 tuổi nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ dẫn đến tử vong rất có thể do gây mê, tụt oxy, dẫn đến chết não, hôn mê sâu trong thời gian dài, sau đó tử vong.

Ngoài ra, có thể do ngộ độc thuốc tê, sốc do truyền kháng sinh, sốc phản vệ do dị ứng với các thuốc trong quá trình phẫu thuật, sử dụng thuốc gây mê quá liều dẫn đến bệnh nhân hôn mê sâu.

Theo bác sĩ Tuấn, trước khi làm phẫu thuật, khách hàng phải được xét nghiệm các chỉ số máu, khai thác tiền sử dị ứng, để xác định người được phẫu thuật có mắc bệnh truyền nhiễm, máu khó đông hay dị ứng thuốc không. Sau đó, bác sĩ sẽ giải thích về những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Nguyễn Văn Phùng - bộ môn phẫu thuật tạo hình, Đại học Y dược TP.HCM - nhận định về vụ việc cô gái 22 tuổi tử vong sau khi nâng mũi, nguyên nhân đầu tiên là do người thực hiện phẫu thuật không phải là bác sĩ được cấp phép hành nghề. 

Thời gian qua, bác sĩ Phùng cũng đã tiếp nhận nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở "chui" phải can thiệp lại.

Ai cũng có thể làm phẫu thuật thẩm mỹ?

"Rất nhiều người từng phẫu thuật hỏng ở các cơ sở thẩm mỹ "chui" sau đó tìm đến chúng tôi để "cứu chữa". Việc này ngày càng phổ biến và đáng báo động. Điều đáng nói, qua khai thác nhận thấy nhiều người không phải là bác sĩ nhưng vẫn thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ như vậy.

Một bác sĩ để có thể được cầm dao phẫu thuật thực hiện các can thiệp chuyên khoa là cả một quá trình đào tạo 3-5 năm sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Nhưng hiện nay, nhiều người không phải là bác sĩ, chỉ cần học 1 - 2 khóa học ngắn hạn nhưng đã làm phẫu thuật thẩm mỹ. 

Khi có những phản ứng ngoài kiểm soát, họ không thể xử lý được dẫn đến hậu quả đáng tiếc" - bác sĩ Phùng nói.

Còn theo bác sĩ Tuấn, Bộ Y tế đã có quy định, chỉ cần là can thiệp có chảy máu phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Trong đó, ngay cả phun xăm thẩm mỹ cũng là can thiệp có chảy máu, vẫn có nguy cơ nhiễm trùng, nhưng thực tế rất nhiều cơ sở phun xăm thẩm mỹ do các "kỹ thuật viên" thực hiện.

"Tôi thấy nhiều người chỉ học trong vài tháng đã có thể phun xăm thẩm mỹ, lăn kim, cắt môi…, thực trạng này rất đáng lo ngại. Chỉ khi có những sự việc đáng tiếc như vừa qua nhiều người mới thấy bản thân liều lĩnh khi đến những cơ sở "chui" như vậy" - bác sĩ Tuấn nhận định.

Bác sĩ Phùng khuyến cáo, đầu tiên chính người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ phải tự bảo vệ bản thân mình. Bất kỳ phẫu thuật nào cũng phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện, ở những cơ sở y tế được cơ quan quản lý cấp phép, không nên tìm đến những cơ sở y tế không rõ ràng để phẫu thuật.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần siết chặt quản lý các cơ sở này. Rất nhiều vụ việc, chỉ khi có trường hợp tử vong xảy ra, khi điều tra mới biết cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép. 

"Chúng ta nên ngăn ngừa ngay từ ban đầu, không để các cơ sở này hoạt động sẽ tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Phùng nhấn mạnh.

Cô gái 22 tuổi tử vong sau khi nâng mũi: Cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép Cô gái 22 tuổi tử vong sau khi nâng mũi: Cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép

TTO - Lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định cơ sở thẩm mỹ Hoàng Minh P., nơi thực hiện phẫu thuật nâng mũi cho cô gái 22 tuổi dẫn đến tử vong, hoạt động không phép.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên