Phật tử đến được phát tờ chú để ngồi đọc trước tam bảo - Ảnh: T.THẮNG
Hiện dư luận cũng đang xôn xao, hoài nghi trước tình trạng tư nhân đầu tư xây chùa, quảng bá hình ảnh của chùa, kêu gọi khách thập phương quyên góp.
Có hay không xu hướng thương mại hóa? Đây là vấn đề lớn cần các cơ quan nhà nước xem xét, hoàn thiện cơ chế quản lý.
Hòa thượng Thích Thanh Điện (phó tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN):
Đến chùa chỉ cầu an và sức khỏe
Chủ trương của giáo hội là không đồng tình các hoạt động dâng sao giải hạn, thỉnh vong báo oán... trong chùa chiền.
Đạo Phật không có quan niệm về số phận cũng như đặt cuộc đời mình vào bất kỳ ai, chỉ có bản thân mình mới làm chủ việc chuyển hóa nghiệp (những hành vi, lời nói, suy nghĩ mình tạo ra: từ xấu sang tốt), từ đó có sự chuyển biến trong cuộc sống của bản thân.
Thế nhưng, đâu đó vẫn có nơi lợi dụng sự mê tín, chưa hiểu biết của quần chúng để trục lợi, gây mất tín tâm cho mọi người.
Để xảy ra những hiện tượng đó là do thầy trụ trì, có chùa quá tin tưởng vào Phật tử hay đệ tử và buông lỏng quản lý để Phật tử lạm quyền làm sai - lợi dụng sự tin tưởng của người dân để thực hiện điều không đúng với giáo lý Phật dạy.
Qua đây tôi nhắn nhủ với người dân và Phật tử khi đi lễ chùa, thấy những hiện tượng mê tín, những hình thức trục lợi tâm linh thì cần báo ngay với các cơ quan chức năng hoặc phản ảnh về Trung ương Giáo hội Phật giáo VN.
Ngoài ra, người dân và Phật tử đi chùa phải tìm hiểu, thực hành những lời Phật dạy để làm tốt cho mình và cho người, đến chùa chỉ cầu an và sức khỏe.
Riêng vụ việc ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN sẽ có buổi họp xem xét vụ việc vào ngày 26-3 và sẽ có thông báo chính thức cho các cơ quan thông tấn, báo chí, ai lợi dụng niềm tin tôn giáo để trục lợi phải xử lý theo quy định.
Đại biểu Quốc hội, TS Lê Thanh Vân:
Cần điều tra, xử lý nghiêm minh
Vụ việc xảy ra ở chùa Ba Vàng cho thấy người ta đã lợi dụng đức tin mê muội, lệch lạc của những tín đồ đến đây để cầu mong tránh khỏi những tai ương ập đến với bản thân và gia đình họ. Đó là hành vi mê tín dị đoan.
Hành vi ấy tác động tiêu cực đến việc hoằng dương Phật pháp, đến đời sống tâm linh lành mạnh, là biến tướng của tự do tín ngưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và quản lý nhà nước về tôn giáo.
Vụ việc ở chùa Ba Vàng không những xâm phạm nghiêm trọng đến giáo lý, giáo pháp của đạo Phật mà có dấu hiệu vi phạm cùng một lúc nhiều quy định trong các đạo luật mà Nhà nước ta đã ban hành.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc để làm rõ hàng loạt hành vi sau: Có hay không phá hoại tài sản công là rừng quốc gia để mở rộng phạm vi của chùa Ba Vàng?
Có hay không sự cấu kết có tổ chức hành vi truyền bá mê tín dị đoan? Có hay không hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân bằng thủ đoạn đe dọa, gieo rắc nỗi sợ hãi của các tín chủ thông qua việc gọi vong?
Và đặc biệt là hành vi lăng mạ, xúc phạm linh hồn những người đã khuất, trong đó có anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã xả thân hi sinh vì Tổ quốc?
Đây là vụ việc nghiêm trọng, cần phải điều tra, xử lý nghiêm minh để chấn chỉnh các hoạt động tín ngưỡng để đưa đời sống tâm linh lành mạnh, quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân trở về đúng nghĩa.
Đây là trách nhiệm không chỉ của ngành văn hóa, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, và mọi người dân.
Giáo hội Phật giáo VN cũng cần đẩy mạnh công việc hoằng dương Phật pháp để các Phật tử hiểu được bản chất của đạo Phật.
Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi có tính tà đạo ở những nơi thờ Phật; hướng dẫn Phật tử để tránh sa đà vào u mê, lầm lạc của con đường tu hành.
Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc:
Phải minh bạch hóa quản lý tiền bạc trong chùa
Đây là một sự việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của Giáo hội Phật giáo VN, đến thanh danh của các bậc chân tu, các nhà tu hành và Phật tử.
Tôi thấy rằng sau khi báo chí vào cuộc phản ánh hành vi thu tiền, truyền giảng những điều trái giáo lý, mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng, nhiều nhà tu hành trong giáo hội đã kịp thời lên tiếng phê phán, yêu cầu chấn chỉnh, làm rõ.
Tôi cũng rất mong rằng từ sự kiện này, Giáo hội Phật giáo VN cần rà soát, xem xét tất cả các cơ sở tu tập, hành trì của Phật giáo trên cả nước xem còn những "chùa Ba Vàng" nào nữa?
Giáo hội sẽ phải có các biện pháp tuyên truyền để Phật tử, người dân hiểu rõ các hoạt động của Phật giáo chân chính.
Các hành vi vi phạm pháp luật cần được kiểm tra, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc, bởi người tu hành cũng là công dân với đủ quyền và nghĩa vụ theo pháp luật quy định.
Các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật là những điều tối thiểu mà bất cứ con người nào cũng phải tuân thủ, trong đó có nhà tu hành.
Câu chuyện thu tiền, chi tiền tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở thờ tự lâu nay vẫn là câu hỏi lớn, ở một số địa điểm đã xảy ra tranh chấp, bức xúc.
Tôi cho rằng việc quản lý cơ sở vật chất, tiền bạc trong các cơ sở tôn giáo, thờ tự phải minh bạch.
Chị Nguyễn Thị Thắm (quê Hải Phòng, đang tu tập tại chùa Ba Vàng theo pháp thỉnh "oan gia trái chủ"):
Ai lợi dụng sẽ nhận quả báo
Tôi và gia đình trước kia chưa bao giờ tin vào vấn đề tâm linh nhưng khi có việc xảy đến với gia đình mình, khi đó mọi người mới hiểu và nghĩ khác.
Tôi chỉ muốn chia sẻ ngắn gọn việc pháp thỉnh "oan gia trái chủ" hay là gì thì điều quan trọng là đều hướng con người ta đến việc thiện và giúp điều chỉnh những hành vi xấu.
Riêng về vấn đề cúng dường ít hay nhiều, cách thức nào thì đâu quan trọng nếu mình thực tâm muốn làm điều đó, còn ai lợi dụng vào cúng dường của Phật tử để làm việc sai trái, tự khắc họ sẽ nhận lấy quả báo trong tương lai.
Anh Phạm Minh Toàn (29 tuổi, trú tại Quỳnh Phụ, Thái Bình):
Không phải là nơi để cầu xin
Tôi không theo tôn giáo nào nhưng cũng thích đi chùa và tự thấy tinh thần của đạo Phật rất thiết thực trong cuộc sống.
Nên khi thấy việc nhà chùa thực hiện pháp thỉnh "oan gia trái chủ", thỉnh vong giải nghiệp bằng cách thu tiền cúng dường hoặc làm công quả của Phật tử là không phù hợp.
Tôi nghĩ đạo Phật hướng tới sự giải thoát, với tinh thần từ bi hỉ xả và đặc biệt là buông xả để tìm đến an nhiên, tự tại chứ không phải là nơi để con người cầu xin, mong muốn được thỏa mãn những xúc cảm thường thấy trong đời sống xã hội...
TS Vũ Chiến Thắng (trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ):
Đi ngược tinh thần nhà Phật
Sự việc ở chùa Ba Vàng đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo trong lòng nhân dân.
Đây là những hình ảnh không thể chấp nhận được trong các cơ sở thờ tự thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo VN.
Phật giáo mang mục tiêu tốt đẹp truyền bá đạo đức tốt đẹp của Đức Phật để thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, nhưng nay đã bị chùa Ba Vàng đi ngược lại hoàn toàn tinh thần ấy.
Xét về công tác quản lý nhà nước của Ban Tôn giáo Chính phủ và công tác quản lý hành chính của giáo hội thì chúng tôi thấy rất đáng tiếc khi để xảy ra những hiện tượng như ở chùa Ba Vàng.
Tuy nhiên, hiện nước ta có hàng nghìn cơ sở thờ tự, về quản lý nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ quản lý trên cơ sở của pháp luật, còn các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các nhà chùa thì Nhà nước tôn trọng, không can thiệp sâu.
Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ hướng dẫn các chùa thực hiện đúng luật pháp thông qua bộ máy của Giáo hội Phật giáo VN và thông qua tu chỉnh các hiến chương để hướng dẫn Giáo hội Phật giáo VN quản lý các chùa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận