08/09/2019 11:11 GMT+7

Từ vụ cháy Công ty Rạng Đông: Ai được quyền ban bố cảnh báo khẩn cấp?

LAN ANH - TUẤN PHÙNG
LAN ANH - TUẤN PHÙNG

TTO - Vòng vèo trách nhiệm, mạnh ai nấy làm, thông tin bất nhất, đó là những gì có thể cảm nhận được sau hơn 10 ngày Hà Nội xử lý vụ cháy ở Công ty Rạng Đông. Vụ việc cũng đặt ra nhiều câu hỏi về hành xử trong tình trạng khẩn cấp.

Từ vụ cháy Công ty Rạng Đông: Ai được quyền ban bố cảnh báo khẩn cấp? - Ảnh 1.

Quan trắc môi trường sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông (Hà Nội) - Ảnh: DANH TRỌNG

Ngày 7-9 là ngày thứ 2 Hà Nội tổ chức khám miễn phí cho người dân sống trong vùng ảnh hưởng của vụ cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông) ngày 28-8.

Đây đã là ngày thứ 10 kể từ vụ cháy làm thất thoát 15,1-27,2kg thủy ngân ra môi trường, nhiều chuyên gia đánh giá Hà Nội đã lúng túng và ứng phó quá chậm một "sự cố môi trường quy mô trung bình" ("quy mô trung bình" là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân).

Chính quyền lúng túng, vòng vèo trách nhiệm

Trong những ngày sau vụ cháy, trong lúc người dân rất lo lắng, phải đeo khẩu trang khi ngủ.

10 ngày sau sự cố, một khu chung cư hàng trăm hộ gia đình trong phố Hạ Đình (Q.Thanh Xuân) hiện còn chưa đầy 10 nhà sáng đèn, hầu hết các gia đình đã phải tạm "sơ tán" để bảo vệ người già, trẻ em.

Không thấy cơ quan chức năng nào giữ vai trò điều phối, tổ chức giải quyết sự cố, mà "mạnh ai nấy làm".

Có những ngày 3 cơ quan ra 3 phát ngôn với nội dung khuyến cáo khác nhau, nơi nói 2 cơ quan khác nhau lấy mẫu, test nhanh bằng "máy hiện đại nhất" đều cho kết quả an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Nơi nói "tầm ảnh hưởng tới 1,5km theo hướng gió", phải thau rửa nhà cửa, không sử dụng nước và thực phẩm nuôi trồng trong vùng ảnh hưởng!

Trong lúc đó, UBND TP Hà Nội, nơi chịu trách nhiệm xử lý sự cố chính do vụ cháy xảy ra trong địa bàn, hoàn toàn không lên tiếng, cũng không thấy giới chức của TP có mặt tại địa điểm xảy ra vụ việc để động viên những người dân bị ảnh hưởng, buộc phải rời nhà cửa tạm lánh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về hóa học đã nhận xét Hà Nội chưa đánh giá đúng tầm mức vụ việc nên lúng túng trong xử trí.

Cũng vì do chưa có cơ quan điều phối, nên các cấp chính quyền Hà Nội đã chậm trễ trong việc thực hiện các biện pháp phù hợp: không có khuyến cáo khiến Công ty Rạng Đông cho công nhân đi làm bình thường ngay hơn một ngày sau vụ cháy, 9 ngày sau vụ cháy mới khám sức khỏe, không có hướng dẫn phòng vệ từ những ngày đầu tiên, không bàn thảo sớm với các viện chuyên môn và chuyên gia để có phương án xử lý thống nhất.

Hỏi Sở Y tế thì sở này cho biết trách nhiệm chính trong xử lý vụ việc phải là Sở Tài nguyên và môi trường.

Sở Tài nguyên và môi trường thì bị một "cú dội" khi lấy mẫu quan trắc và thông báo kết quả là bình thường, trong khi thực tế môi trường không khí, nước mặt, trầm tích trong khu vực đã nhiễm thủy ngân hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép.

Từ vụ cháy Công ty Rạng Đông: Ai được quyền ban bố cảnh báo khẩn cấp? - Ảnh 2.

Khu vực nhà kho Công ty Rạng Đông bị cháy đã được phủ bạt - Ảnh: VĂN HUẾ

Quy trình xử lý sự cố, bao giờ?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một nguyên lãnh đạo văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết về nguyên tắc khi xảy ra sự cố cháy nổ, sập đổ công trình, phát tán phóng xạ, hóa chất độc hại... chủ cơ sở xảy ra sự cố và cơ quan chủ quản là đơn vị đầu tiên có trách nhiệm thông báo, phối hợp chính quyền địa phương để cảnh báo, khắc phục, cứu nạn.

Khi vụ việc vượt quá khả năng ứng phó của địa phương thì đề nghị Chính phủ, văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện phối hợp ứng phó.

Lúc đó, Chính phủ, ủy ban, các bộ liên quan sẽ điều những đơn vị chuyên biệt, có kinh nghiệm, phương tiện phù hợp để tham gia ứng phó.

Ví dụ, với vụ cháy ở Công ty Rạng Đông hay nhà máy hóa chất nào đó khiến hóa chất độc hại lan ra gây nguy hiểm cho người dân và môi trường, Chính phủ, ủy ban sẽ điều lực lượng của Bộ tư lệnh hóa học ứng phó, xử lý.

Bởi vì đây là lực lượng có phương tiện, nhân lực, kinh nghiệm nên được xác định là đơn vị có chức năng nòng cốt trong ứng phó sự cố độc hại, phóng xạ.

Về nguyên tắc tiếp nhận xử lý thông tin, thông báo, báo động khi có sự cố, vị này cho biết theo nghị định số 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông tin liên quan đến sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được báo cáo về cơ quan thường trực ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp để kiểm tra và xử lý.

Sau khi nhận được thông tin liên quan đến sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xảy ra, các bộ, ngành, UBND cùng cấp có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, tổ chức thuộc quyền và nhân dân, đồng thời báo cáo cơ quan thường trực ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên theo quy định.

Các phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm thông tin kịp thời đến tổ chức, cá nhân và nhân dân biết những tin tức liên quan đến sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Từ vụ cháy Công ty Rạng Đông: Ai được quyền ban bố cảnh báo khẩn cấp? - Ảnh 3.

Nguồn: Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế - Đồ họa: N.KH.

Trách nhiệm ứng phó

ảnh 4 ksjdf 5(read-only)

Nhiều loại bóng đèn bị thiêu rụi trong vụ cháy - Ảnh: DANH TRỌNG

Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định: Tình huống sự cố và tìm kiếm, cứu nạn xảy ra tại cơ sở (xã, phường, thị trấn) phải chủ động tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả.

Trường hợp tình huống xảy ra vượt quá khả năng tự ứng phó của cơ sở phải báo cáo ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động lực lượng đến hỗ trợ ứng cứu.

Tình huống xảy ra trong phạm vi rộng bao gồm nhiều địa phương thì các ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương nơi xảy ra tình huống cùng phối hợp ứng phó.

Khi tình huống xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo ngay Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (qua văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) để chỉ đạo ứng phó.

Trường hợp cần thiết, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ thành lập ban chỉ đạo ứng phó bao gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất huy động lực lượng của các bộ, ngành, địa phương khác đến hỗ trợ ứng cứu.

Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn báo cáo Thủ tướng quyết định các biện pháp ứng phó.

Khi nào ban bố tình trạng khẩn cấp?

Về thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, chuyên gia trên cho biết Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội là cơ quan quy định về tình trạng khẩn cấp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Bên cạnh đó, Luật tổ chức Quốc hội quy định "Quốc hội quy định về tình trạng khẩn cấp";

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo đề nghị của Thủ tướng.

Gần 500 người đi khám bệnh sau vụ cháy Công ty Rạng Đông Gần 500 người đi khám bệnh sau vụ cháy Công ty Rạng Đông

TTO - Hôm nay 7-9, ngày thứ 2 Hà Nội thực hiện khám miễn phí cho người sống trong vùng ảnh hưởng sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Tính đến chiều 7-9, đã có gần 500 người đến khám, trên 200 người được chuyển bệnh viện xét nghiệm đánh giá kỹ lưỡng.

LAN ANH - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên