TT - Câu chuyện ồn ào về tin tức cho rằng ca sĩ Mỹ Tâm đòi giá catsê ngất ngưởng cho một chương trình ở Ðà Nẵng thu hút nhiều khía cạnh tranh luận trong xã hội (Tuổi Trẻ ngày 10, 11 và 12-4). Nhưng điều cần thấy rõ hơn hết, tiềm ẩn trong đó là sự nhếch nhác của nền showbiz có quá nhiều bất cập, đồng thời cũng bộc lộ ít nhiều "luật chơi" của giới tổ chức mua bán giải trí tại Việt Nam.
Phóng to |
Tham gia In the spotlight - một trong những chương trình mà nghệ sĩ thật sự được nâng niu bởi tài năng của mình, có những ca sĩ chủ động giảm giá catsê để chương trình có thể đi được đường dài. Trong ảnh: ca sĩ Tùng Dương, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Tuấn Ngọc trình diễn tại đêm nhạc Trịnh Công Sơn In the spotlight - Gọi tên bốn mùa - Ảnh: T.T.D. |
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Ngay khi tin tức này lan đi, dư luận rộ lên khá nhiều ý kiến phê phán việc "làm giá" của ca sĩ Mỹ Tâm, và thậm chí có những bình luận truy bức đến tận giá trị đạo đức cá nhân. Áp lực này lớn đến mức những thông tin đáp trả từ phía cô ca sĩ này bộc lộ nhiều sự bối rối.
Nhưng có một câu hỏi sẽ rất khó trả lời chính xác cho tất cả mọi người, mọi giới rằng "giá đúng cho một người trình diễn là bao nhiêu?". Và làm sao để biết như thế nào là "không thể chấp nhận được" giá catsê của một người trình diễn?
Ảo giác của sai lầm
"Định giá như thế nào cho bản thân mình với cuộc đời lại là một chuyện khác. Giả như đó là một định giá sai lầm, nhưng lại có người vẫn muốn mua sự sai lầm đó thì đó là chuyện của một thị trường tồi" |
Cần phải nói rõ rằng những cái giá được gọi là "cao" mà báo chí vẫn đề cập về các ca sĩ như Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Ðàm Vĩnh Hưng... là hệ quả của một thị trường biểu diễn có tính nghiệp dư, không hệ thống liên kết giữa các nhà tổ chức cả nước. Rất nhiều trường hợp cho thấy giá cả bị đẩy cao bất thường, bởi cách làm muốn độc quyền tạm thời hoặc để giành giật chương trình của các nhà tổ chức, và không ít ca sĩ nhìn thấy đó là một cơ hội để làm giá và định lại giá trần mới cho mình.
Cách làm đó đã trở thành một thói quen mà nhiều nhà tổ chức khi bật lên tiếng "rên xiết" về giá cả dành cho những người trình diễn, họ cũng không nói hết mọi thứ từng diễn ra. Chỉ có một phần sự thật - phần lớn là những ảo giác sai lầm - luôn đổ về phía những người biểu diễn khi chuyện bày ra công luận. Ca sĩ hay bất kỳ người trình diễn giải trí nào dần dà cũng bị cuốn theo kiểu "nâng giá theo thời" mà chính các nhà tổ chức là người thỏa hiệp.
Nữ ca sĩ M., từng rộ lên trong một chương trình thi ca nhạc truyền hình, ngay sau khi bước ra cánh gà của buổi diễn cuối đã được một bầu sô chào mời một tour diễn dài với giá 10 triệu đồng/sô diễn. Nhưng bầu show này không quên nói thêm: "Nhưng từ giờ nếu có ai hỏi, em phải nói là giá của em 20 triệu đồng/sô nhé vì em đang hot lắm". Kết quả là ngay sau đó, cứ qua tay một bầu sô, giá của cô M. cứ thỏ thẻ tăng vọt với cấp số nhân.
Một câu chuyện khác, như một bài học về thị trường biểu diễn có quy luật bên ngoài Việt Nam. D. - một nam ca sĩ nổi lên với một bài hát thị trường - tạm thời được một nhà tổ chức ở Mỹ mời đi diễn cho cộng đồng người Việt tại nhiều tiểu bang. Bước qua biên giới, D. nằng nặc đòi giá phải tăng gấp đôi vì đang có người mời anh với giá cao hơn, bất chấp hợp đồng đã ký, tiền đặt cọc đã nhận. Nhà tổ chức này ngậm đắng nuốt cay trả gấp đôi tiền, nhưng trả đũa bằng cách nhờ 3-4 bầu sô khác gọi đến nâng giá đến mức ca sĩ D. tự tin rằng giá mình đã gấp 10 lần so với ban đầu.
Sau chuyến đi bị rút ngắn đó, D. hào hứng kêu cái giá ngất ngưởng đó với mọi bầu sô nhưng đều bị từ chối. Ðơn giản vì quy luật thị trường biểu diễn chuyên nghiệp đã hình thành, không cho phép ai mời ai đến giá đó, và cũng không ai muốn phá giá của một hệ thống có liên kết bất thành văn với nhau trong một thị trường. Cuối cùng, D. mờ nhạt dần vì không có sô diễn, và rồi thậm chí ngay trong nước cũng mất dạng.
Luật ngầm của nhà tổ chức
Có một câu hỏi thường đặt ra là rất nhiều chương trình ca nhạc ở Việt Nam "rõ là thấy lỗ sao người ta vẫn trả giá ca sĩ rất cao để mời cho bằng được?".
Ðó là "bí mật" của thị trường Việt Nam. Ngoài những nhà tổ chức tự phát dư dả tiền bạc muốn đóng vai nhà sản xuất để làm đình đám một sự kiện cho vui (nhưng luôn luôn là lỗ lã), thì rất nhiều chương trình khác mang danh nghĩa là phục vụ, hoạt động cho chương trình của cấp quốc gia, cấp thành phố, cấp quận... Thường thì các nhà tổ chức một mặt gọi tài trợ bù đắp, một mặt nhận kinh phí thầu chương trình từ hệ thống nhà nước, và cũng nhân danh nghĩa đó để mời các ca sĩ với giá thấp hoặc trả giá cò kè với ý nghĩa "làm việc xã hội", "làm từ thiện"... Nhưng nhất định là các nhà tổ chức phải mời cho bằng được các "sao", vì chỉ cớ đó mới có thể nhận những giá thầu chương trình cao.
Nghề làm tổ chức sự kiện, nhà sản xuất, bầu sô cũng là một câu chuyện dài về việc kết nối quan hệ, đường dây làm ăn bên trong. Khi thất bại trong việc mời tiết mục trình diễn nào đó, vẫn có trường hợp các nhà tổ chức làm "luật" bằng cách tiết lộ số tiền chào giá thất bại, cùng với các "ý nghĩa" của công việc để đẩy người đưa giá vào phía bị dư luận tấn công. Việc tiết lộ giá cả của mỗi cá nhân vẫn được xem là một điều tối kỵ trong nghề tổ chức biểu diễn, thậm chí người cùng diễn trong một chương trình vẫn không biết giá thật của nhau. Tiết lộ giá tiết mục, trong nghề bầu sô ở Việt Nam, đôi khi vẫn được coi là một cách làm có mục đích riêng, đặc biệt khi không còn muốn giữ nghề với nhau.
Định giá bản thân
Trở lại câu chuyện ca sĩ Mỹ Tâm, việc bối rối phản ứng lại các thông tin tấn công mình của cô hiện nay là điều khá dễ hiểu. Nhưng việc đưa ra một giá cho mình, thực tế là "quyền" của Mỹ Tâm. Hoàn toàn không thể phê phán bất cứ điều gì về quyết định riêng của cô với nhà tổ chức. Khi một chiếc váy hàng hiệu hay một cái ví có thể lên đến chục ngàn USD giữa thời buổi này, thì chuyện Mỹ Tâm kêu một mức 6.000 USD cho một đối tượng yêu thích mình, có thể có nguồn lợi từ mình ngẫm lại cũng là chuyện bình thường.
Ðịnh giá như thế nào cho bản thân mình, với cuộc đời lại là một chuyện khác. Với nhiều sao ca nhạc khác cũng vậy. Họ có quyền ra giá, nhưng giá trị nghệ thuật họ cống hiến cho khán giả có tương xứng hay không trong hiện trạng âm nhạc Việt Nam lúc này, đó lại là một câu chuyện khác. Và giả như đó là một định giá sai lầm, nhưng lại có người vẫn muốn mua sự sai lầm đó thì đó là chuyện của một thị trường tồi.
Chuyện kể rằng trong cuộc đời của họa sĩ tài danh Van Gogh (1853-1890), ông đã vẽ khoảng 1.500 bức họa ở nhiều thể loại nhưng đến chết vẫn không bán được bức nào, mà chỉ được sự an ủi tinh thần từ em trai của mình mà thôi. Trong những lúc tuyệt vọng và đói khổ nhất, Van Gogh chỉ mong ai đó định giá một bức tranh của mình bằng giá một bữa ăn tối đạm bạc. Hơn 100 năm sau khi ông qua đời, nhân loại đột nhiên nhận ra rằng mọi thứ của ông đều là tuyệt tác. Bức Hoa diên vỹ của ông từng được tranh mua vào năm 1987 với giá 53,9 triệu USD, bức Chân dung bác sĩ Gachet vào năm 1990 được bán với giá 82,5 triệu USD. Khi còn sinh thời, Van Gogh chưa bao giờ mơ nổi điều này.
Trong cuộc sống, giá của mỗi người là một điều thú vị, và cũng thú vị không kém khi tìm được, hiểu được giá trị của người xung quanh. Giá của mỗi người có thể không phải bằng con số vật chất, mà có thể bằng tháng năm của cuộc đời để lại. Giá của mỗi chúng ta, có thể được ngầm hiểu rằng là sẽ được đón nhận từ nhân gian với nụ cười hay sự im lặng thở dài.
Ca sĩ chia sẻ với nhà tổ chức Có những chương trình được đầu tư cao về mặt nghệ thuật mà ca sĩ khi được mời đều cảm thấy rất vinh dự, như Không gian âm nhạc trước đây, Âm nhạc trên tầng cao (In the spotlight) và gần đây nhất có Việt Nam concert... Không ít ca sĩ vẫn "treo giá" cao trong một chương trình mà bao người cất công gần như chỉ để tôn vinh giọng hát và các ca khúc của mình. Nhưng cũng có không ít ca sĩ rất "hiểu chuyện" và giảm giá một cách chủ động khi được mời. Ðại diện truyền thông của chương trình In the spotlight cho biết ban tổ chức rất cảm kích trước cái tình mà Tuấn Ngọc, Mỹ Linh, Tấn Minh... (chủ động giảm đến 50% catsê), Tùng Dương (chỉ lấy 1/3 catsê) dành cho chương trình. "Là người làm nghề, tôi hiểu các đơn vị tổ chức phải gồng gánh thế nào để có một sô tử tế trong thời điểm hiện tại. Việc các ca sĩ tham gia chương trình chủ động giảm catsê cũng là một cách chia sẻ khó khăn với đơn vị sản xuất với mong muốn duy trì được những chương trình như thế này dài lâu" - ca sĩ Tùng Dương bộc bạch. Q.N. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận