16/08/2017 20:23 GMT+7

Từ vụ BOT Cai Lậy, cần minh bạch thông tin

HOÀNG TRÍ DŨNG - MẬU TRƯỜNG
HOÀNG TRÍ DŨNG - MẬU TRƯỜNG

TTO - Trước sức ép của tài xế, trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) phải xả trạm và trong ngày 16-8, Bộ Giao thông vận tải phải yêu cầu nhà đầu tư giảm giá thu phí. Nhưng vì sao giới tài xế lại phản ứng như vậy?

Trạm thu phí BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo các chuyên gia, ngoài lý do đặt trạm bất hợp lý, giá thu phí cao ngất ngưởng còn có nguyên nhân phần lớn các dự án BOT không được nhà đầu tư công khai minh bạch trong quá trình triển khai dự án.

Doanh nghiệp và người dân đia phương rất mù mờ về dự án dù lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải luôn khẳng định quá trình thực hiện các dự án BOT phải được nghiên cứu, xem xét kỹ trên các khía cạnh và phải có tham vấn, lấy ý kiến cơ quan, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các đối tượng sử dụng đường bộ.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ tại trạm thu phí Cai Lậy, nơi phát sinh mâu thuẫn lợi ích giữa đơn vị cung cấp dịch vụ là chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy và người trực tiếp thụ hưởng là giới tài xế xe bốn bánh, cho tới thời điểm hiện tại, khi trạm thu phí đã hoạt động được nửa tháng nhưng các doanh nghiệp vận tải và giới tài xế cho hay họ hoàn toàn không được lấy ý kiến, mù mờ về các thông tin liên quan đến dự án này.

Do mù mờ thông tin nên ngày 13-8, khi các tài xế đồng loạt đưa tiền lẻ để gây kẹt trạm, nhân viên tại đây mới trưng ra các quyết định, thông tư có liên quan đến dự án cho tài xế đọc!

Hàng trăm câu hỏi được tài xế đưa ra chất vấn nhân viên tại trạm nhưng trong giờ phút dầu sôi lửa bỏng đó, liệu cả người nói lẫn người nghe có đủ kiên nhẫn để hiểu nhau?

Ngay cả ông Huỳnh Văn Nguyện - chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Tiền Giang cũng đã phải thốt lên giữa buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam sáng 14-8 rằng: “Lái xe và doanh nghiệp có quá ít thông tin về việc nhà đầu tư BOT đầu tư và xây dựng tuyến đường này. Do đó họ đã so sánh với các tuyến BOT khác cũng như so sánh với đường đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương”.

Không chỉ mù mờ về thông tin dự án mà lai lịch của dự án này cũng khá rắc rối, bổ sung tới lui.

Phương án ban đầu của dự án chỉ làm tuyến tránh thị xã Cai Lậy, nhưng cuối cùng lại lòi ra thêm phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy.

Quyết định của Bộ Giao thông vận tải cho nhà đầu tư thực hiện 2 hợp phần này cũng chính là khởi điểm của mọi vấn đề phát sinh hiện nay.

“Nếu nhà đầu tư chỉ làm tuyến tránh và thu phí những xe chạy trên tuyến tránh thì sẽ không có chuyện trạm thu phí Cai Lậy “thất thủ” như hôm nay. Hoặc giả trước khi đưa hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 với vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng vào dự án BOT, Bộ Giao  thông vận tải phối hợp với địa phương và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp lấy ý kiến rộng rãi thì chắc chắn không còn cảnh vừa thu phí vừa cầm văn bản giải thích cho tài xế như hiện nay”, một chuyên gia giao thông nhận định.

Việc thu hút vốn đầu tư theo hình thức BOT đã góp phần đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy quá trình luân chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, việc hình thành các trạm thu phí của các dự án BOT đối với các tỉnh nghèo, kinh tế - xã hội chưa phát triển như khu vực  Đồng bằng sông Cửu Long cần được tính toán tổng thể các tác động đối với phát triển kinh tế xã hội khu vực và minh bạch trong việc triển khai dự án và trong suốt quá trình thu phí.

HOÀNG TRÍ DŨNG - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên