Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của TS Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) đề xuất một số giải pháp để không còn xảy ra chuyện bỏ quên học sinh trên xe.
Không thể phó thác hết trách nhiệm cho lái xe
Tôi đã khóc khi đọc vụ việc, quá phẫn nộ trước sự việc đau lòng này. Nghĩ đến cháu bé đã hoảng sợ, đau đớn thế nào trên chiếc xe buýt ấy là tôi không kìm được nước mắt.
Đây không phải lần đầu tiên trẻ em trả giá bằng sinh mạng của mình vì sự cẩu thả, tắc trách của người lớn.
Trước đó, vụ việc bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón của Trường Gateway từng khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.
Nhưng, có lẽ chúng ta chỉ đau lòng lúc ấy, rút kinh nghiệm tại thời điểm ấy, sau đó thì mọi việc lại để bị trôi vào quên lãng. Giờ đây, một lần nữa sự việc đau lòng lại xảy ra.
Để ngăn chặn tình trạng bỏ quên học sinh trong ô tô, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp công nghệ và quy trình giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận: Việc đảm bảo an toàn cho học sinh trên xe đưa đón là trách nhiệm của cả nhà trường, phụ huynh và cả xã hội.
Nếu chỉ phó thác hết trách nhiệm cho lái xe và người đưa đón học sinh thôi thì chưa đủ yên tâm.
Vì thế, trước khi có quy định xe đưa đón học sinh phải đảm bảo an toàn, mỗi người lớn, trường học, nhà xe đưa đón học sinh cần nghiêm túc tuân thủ quy trình. Xin đừng bao giờ để có thêm một đứa trẻ nào phải trả giá bằng cả mạng sống chỉ vì sự tắc trách của người lớn.
Trang bị cho trẻ đồng hồ định vị
Trong điều kiện kinh tế Việt Nam chưa cho phép áp dụng được những công nghệ cao hiện đại như nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng một số giải pháp đơn giản như trên, ít nhiều sẽ giảm được những chuyện thương tâm tương tự.
Thứ nhất, nhà trường cần phải ban hành quy định cụ thể trách nhiệm từng cá nhân, bộ phận và yêu cầu thực hiện nghiêm túc trách nhiệm theo mô tả công việc mỗi người.
Thứ hai, nhà trường chọn những người có trách nhiệm, có uy tín, đạo đức, đề cao việc bảo đảm an toàn cho trẻ để thực hiện nhiệm vụ đưa, đón trẻ tới trường.
Thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn về công tác quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ khi đưa, đón.
Thứ ba, giáo viên phụ trách đưa đón trẻ nên sử dụng danh sách liệt kê các công việc cụ thể cần làm, mỗi khi hoàn tất, bạn sẽ đánh dấu vào ô đó.
Mỗi khi học sinh lên hoặc xuống xe, tài xế hoặc giáo viên phụ trách sẽ đánh dấu vào danh sách. Điều này giúp đảm bảo rằng không có học sinh nào bị bỏ quên.
Thứ tư, Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, trong đó có xe chở học sinh.
Hệ thống còi báo động phải được kiểm tra định kỳ, những xe không đảm bảo thì sẽ cấm lưu hành và phạt nặng bên cung cấp dịch vụ.
Thứ năm, Luật Đường bộ cần quy định chặt chẽ về hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng ô tô nhằm tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan như đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe, người quản lý học sinh...
Thứ sáu, lắp đặt hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe, người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe quá 15 phút.
Thứ bảy, lắp đặt ứng dụng hỗ trợ theo dõi hành trình xe đưa đón học sinh. Các ứng dụng này thường có chức năng thông báo đẩy (push notification), giúp cảnh báo ngay lập tức khi có sự cố xảy ra.
Thứ tám, xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, giám hộ học sinh, học sinh trên xe.
Thứ chín, để yên tâm hơn, cha mẹ có thể trang bị thêm cho con đồng hồ định vị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận