Hàn Ni từng bị bà Phương Hằng nhiều lần tố giác
Vào khoảng tháng 9-2021, bà Đặng Thị Hàn Ni vướng vào lùm xùm với bà Nguyễn Phương Hằng. Bà Hàn Ni thường xuyên bị bà Phương Hằng "gọi tên" trong các livestream triệu view của bà.
Sau đó, bà Hàn Ni làm đơn tố giác bà Phương Hằng vu khống, làm nhục và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của bà.
Phía ngược lại, bà Phương Hằng cũng nhiều lần gửi đơn tố giác bà Hàn Ni xúc phạm, vu khống, chống phá quỹ Hằng Hữu...
Ngày 24-3-2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Phương Hằng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong vụ án này, bà Đặng Thị Hàn Ni được xác định là bị hại.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm kể từ khi bà Phương Hằng bị bắt, ngày 24-2-2023, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Đặng Thị Hàn Ni cùng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong vụ án này, bà Nguyễn Phương Hằng được xác định là bị hại.
Có lẫn lộn tư cách tố tụng không?
Như vậy, bà Phương Hằng và bà Hàn Ni sẽ là bị cáo trong vụ án này và là bị hại trong vụ án kia.
Nhiều người thắc mắc việc hoán đổi tư cách tố tụng từ bị hại thành bị can và ngược lại có xảy ra mâu thuẫn, xung đột hay không?
Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), trong một vụ án hình sự thì một người có thể tham gia vụ án với nhiều tư cách tố tụng khác nhau, có thể vừa là bị hại, vừa là bị can.
Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định cấm về việc này. Trên thực tế, chuyện một người vừa là bị hại, vừa là bị cáo không phải là hy hữu.
Do đó, ngay cả khi cơ quan tố tụng gộp vụ bà Phương Hằng "nói xấu" bà Hàn Ni và vụ bà Hàn Ni "nói xấu" bà Phương Hằng thành một vụ án thì cũng không có sự mâu thuẫn về tư cách tố tụng.
Còn nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác định đây hai vụ án độc lập thì tư cách người tham gia vụ án đều rõ ràng, không lẫn lộn, cơ quan tố tụng sẽ dễ giải quyết hơn.
Luật sư Nhật cũng cho rằng mỗi người cần phải tự trang bị kiến thức pháp luật cơ bản để tự bảo vệ mình đúng cách.
Pháp luật không cho phép thực hiện một hành vi trái pháp luật để chống lại một hành vi trái pháp luật khác.
Đối với hành vi đôi co trên mạng xã hội như bà Phương Hằng và bà Hàn Ni thì rất dễ dẫn đến tình trạng mình là bị hại nhưng hành vi của mình cũng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận