Ai được bảo lĩnh cho bị can đang bị tạm giam?
Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
Trong vụ bà Phương Hằng, để bảo lĩnh thì cá nhân nhận bảo lĩnh phải là người thân thích của bà Hằng và ít nhất phải có hai người (có thể là chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột).
Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trong giấy cam đoan, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định như: có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại...
Bên cạnh đó, bà Phương Hằng cũng phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ như trong giấy cam đoan của cá nhân nhận bảo lĩnh như nêu trên.
"Theo tôi, thời gian bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam đến nay cũng đã tròn 1 năm, trong khi tội danh mà bà phải đối mặt với khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thể xem xét áp dụng biện pháp bảo lĩnh cho bà Hằng tại ngoại nếu thấy rằng việc tạm giam là không còn cần thiết" - luật sư Nhật nêu.
Bà Nguyễn Phương Hằng có được tại ngoại hay không còn phụ thuộc vào sự đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) thì cho rằng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho bị can, bị cáo áp dụng biện pháp ngăn chặn như: bảo lĩnh hay đặt tiền để bảo đảm… để thay thế cho biện pháp tạm giam.
Hiện nay, bà Nguyễn Phương Hằng đang bị khởi tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 2 điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Theo quy định tại điều 9 Bộ luật hình sự thì tội phạm trên là tội nghiêm trọng.
Luật sư Lĩnh cho rằng việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú… sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo để quyết định.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, khi đáp ứng đủ điều kiện thì bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ có thể làm đơn để xin áp dụng biện pháp như: bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú để thay thế cho tạm giam.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp có đơn xin áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thay thế cho tạm giam đều được chấp nhận.
Cụ thể như nếu như thay đổi biện pháp tạm giam mà bị can có khả năng gây khó khăn cho việc điều tra hoặc sẽ tiếp tục phạm tội thì biện pháp tạm giam vẫn được áp dụng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng) vừa làm đơn gửi Công an TP.HCM, Viện KSND TP.HCM xin bảo lãnh cho mẹ tại ngoại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận