Phóng to |
Lê Văn Luyện tại tòa |
Xin giới thiệu ý kiến của một tiến sĩ tâm lý:
Hầu như ngày nào chúng ta cũng đọc và nghe thấy những vụ án dã man ở nhiều góc độ, nhiều hình thức khác nhau... Đọc mà thấy xé lòng. Tại sao? Sao các vụ án lại khủng khiếp và nhiều thế? Sao nhiều người lại trở nên vô cảm và tàn ác thế?
Vụ án Lê Văn Luyện còn nóng hổi, làm rơi lệ và nhức nhối biết bao nhiêu con tim! Trong vụ án này, có lấn cấn giữa luật và thực tế, giữa sự bảo vệ trẻ và tác hại ngay trên giới trẻ, giữa những hành vi tội phạm và mức án. Tại sao trước vụ án này mọi tầng lớp đều bàn tán và phản ứng? Bởi vì Luyện phạm tội có sự tính toán, thảm sát bốn mạng người (bé Bích không chết là do may mắn). Cướp tài sản với số lượng và quy mô lớn, chạy trốn...
Điều tôi băn khoăn ở đây là do đâu Luyện nảy sinh lòng tham? Ít nhất là nhìn từ bên ngoài thì Luyện không phải ở trong một gia đình phân ly, bạo lực và nghèo túng. Do đâu mà Luyện đã dám cầm dao chém người không gớm tay, kể cả chém trẻ em? Trường hợp này không phải giết người để tự vệ hay do bốc đồng, do tức giận, khó kiểm soát bản thân như một số trường hợp khác.
Ảnh hưởng của vụ án Luyện chắc sẽ còn kéo dài dưới nhiều hình thức, mà e rằng phần tiêu cực sẽ nhiều hơn. Thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng “hội chứng Luyện” cho thấy suy nghĩ lệch lạc của một số người trẻ tuổi. Vụ án với hành vi khủng khiếp, vô nhân tính như thế nhưng nhiều trẻ vị thành niên đem ra trêu đùa, thậm chí còn xem Luyện như “anh hùng”. Đúng là vì “chưa đủ nhận thức và suy nghĩ để hành động” mà vụ án Luyện đã tạo nên những lệch lạc ở giới trẻ trên diện rộng, nhất là qua phương tiện truyền thông. Thật đáng lo thay!
Tuổi thơ như tờ giấy trắng, người lớn “vẽ” gì sẽ in rất đậm nét lên. Người trẻ lại rất nhạy cảm với những điều cao đẹp cũng như rất dễ nhiễm “bụi bặm”. Có lẽ hơn lúc nào hết, “tính bản thiện” trong mỗi người đang cần được chăm sóc, hay ít nhất chúng ta không làm chúng chết ngạt!
Một lần tôi được mời nói chuyện với các bạn trẻ nghiện game online. Tôi nói về tình cha, nghĩa mẹ, kể những câu chuyện về sự hi sinh của cha mẹ cho con cái. Thật tình khi nói, tôi cũng băn khoăn, không biết người nghe có cảm được, vì nghĩ những điều mình nói quá “già”, kinh điển. Thế nhưng thật bất ngờ, sau đó ban tổ chức cho tôi xem ghi chép cảm tưởng của một số bạn tham dự, các bạn nói rằng đã hiểu cha mẹ, thương cha mẹ hơn.
Năm ngoái, trong một tiết dạy của tôi về tâm lý, thật bất ngờ một em sinh viên khi đứng lên phát biểu đã bật khóc. Em nói nhiều lúc mẹ em cần vài ngàn đồng để mua gói mì ăn đỡ đói mà không có, trong khi bản thân em luôn đổi điện thoại mới mà vẫn cảm thấy không hài lòng...
Nhiều bạn trẻ bây giờ sống cho mình nhiều quá, không thấy được tình thương bao la của cha mẹ dành cho mình, không thấy được trách nhiệm của mình với cha mẹ, với những người đã yêu thương, chăm lo cho mình. Những cuộc nói chuyện của tôi chỉ như là tác nhân khơi gợi, nhắc nhở những cảm xúc đó. Tôi nhớ một em học sinh tiểu học, sau khi nghe tôi giảng bài, đã đến thú tội: “Thưa cô, con đã bứt cánh con chuồn chuồn” với nước mắt thương cảm và hối tiếc. Làm sao để cả xã hội chung tay cùng nhau tạo cho con trẻ một nền giáo dục và môi trường sống, trong đó lòng từ tâm, tình thương yêu được lan tỏa. Như vậy mới chính là xây dựng cái gốc chống lại tội ác.
Các bản án gây tranh cãi ở Mỹ * Vụ án Kevin Golphin (17 tuổi) và anh trai Timon (19 tuổi) cướp xe, dùng súng bắn chết hai cảnh sát ở Bắc Carolina năm 1997 đã gây rúng động dư luận Mỹ. Cảnh sát tuần tra Ed Lowry đã yêu cầu hai người tấp xe vào bên lề khi thấy họ không thắt dây an toàn và phát hiện là xe ăn cướp. Ed Lowry đã gọi phó cảnh sát trưởng hạt Cumberland là David Hathcock đến tiếp ứng và cả hai bị bắn chết.
Trong phiên tòa, luật sư Ed Grannis - cầm quần áo dính máu của nạn nhân - nói: “Nếu có một án tử hình nào được cho là thích hợp, đó chính là bản án này”. Tháng 5-1998, bồi thẩm đoàn đồng ý và phán quyết cả hai anh em Kevin lãnh án tử hình. Năm 2000, Tòa án tối cao Bắc Carolina cũng đồng ý tử hình. Tuy nhiên đến năm 2005, Tòa án tối cao Mỹ đã cho rằng án tử hình đối với những tội phạm chưa đến 18 tuổi là vi phạm Tu chính án số 8. Cho dù hành vi giết người của Kevin Golphin cực kỳ tàn nhẫn, việc tử hình Kevin lại bị coi là “tàn nhẫn và không bình thường”. Kevin Golphin, khi đó đã 25 tuổi, được giảm án tù từ tử hình xuống chung thân. Timon thì vẫn bị tử hình vì đã 19 tuổi. Phán quyết này của Tòa án tối cao đã ngăn lại chuyện tuyên án tử hình tại 19 bang của Mỹ - nơi còn cho phép án tử hình - đối với trẻ vị thành niên. * Năm 1993, Christopher Simmons (ảnh), 17 tuổi, ở bang Missouri, đã quyết định cùng với bạn giết ai đó cho “oách”, và nghĩ là sẽ thoát tội vì còn tuổi vị thành niên. Tuy nhiên Simmons đã bị tù chung thân, không bao giờ được thả. * Trong một vụ án mới nhất, theo Hãng tin AP ngày 11-1-2012, Alyssa Bustamante (ở bang Missouri, 17 tuổi) đã nhận tội giết người, đâm chết một bé gái hàng xóm mới 9 tuổi cách nay hai năm. Ngày 6-2, thẩm phán hạt Cole của bang là Patricia Joyce sẽ quyết định mức án, thấp nhất là 10 năm, cao nhất là tù chung thân (có thể được ân xá sau khi chấp hành án 25 năm). Gia đình nạn nhân đã rất thất vọng khi thấy kẻ thủ ác có khả năng sẽ được ân xá. Sally Satel, bác sĩ tâm lý và giảng viên tại ĐH Y khoa Yale, cho rằng quyết định của Tòa án tối cao Mỹ dỡ bỏ án tử hình đối với tội phạm vị thành niên là hành động “xúc phạm tới trách nhiệm của mỗi cá nhân”. Satel nhận định thanh thiếu niên có thể có hành vi không cẩn thận, như có xu hướng thích lái xe nhanh và ẩu, thích uống nhiều rượu bia, hay chơi các trò mạo hiểm. Nhưng dù não của đứa trẻ 6 tuổi ít phát triển hơn nhiều so với não của thiếu niên, chúng cũng hiểu giết người kiểu bịt mắt và đẩy xuống cầu như Simmons là sai. Những người phản đối án tử hình với trẻ vị thành niên cho rằng tử hình trẻ em là vô đạo đức và không văn minh. Nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ vị thành niên chưa phát triển đầy đủ về não bộ. Đa số những đứa trẻ này bị lạm dụng tinh thần, thể xác, nghiện ma túy, bị bỏ rơi, bị nghèo đói. Án tử hình với trẻ vị thành niên bị cấm theo công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Hiến chương Mỹ về quyền con người, Hiến chương Geneva liên quan tới bảo vệ công dân thời chiến, Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận