Như Tuổi Trẻ Online thông tin, liên quan vụ hai cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu đồng trong đám cưới ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, các luật sư đã có những nhận định ban đầu về khả năng vi phạm pháp luật.
Ở góc độ tâm lý, hành vi này tạo ra hiệu ứng gì và cách nào để ngăn chặn lối ứng xử tùy tiện, ỷ vào đám đông để ức hiếp người khác?
Chia sẻ của tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công gửi đến Tuổi Trẻ Online, góp thêm góc nhìn xung quanh vụ việc.
Ảnh hưởng đến danh dự, tâm lý 2 cô gái
Vụ việc xảy ra ngay tại đám cưới nhà chú rể và những người tham gia đều đổ dồn nghi ngờ vào 2 cô gái trang điểm.
Điều này cho thấy sự bất cẩn của gia đình chú rể đối với việc quản lý tài sản, đồng thời thể hiện tâm lý đám đông ức hiếp người khác khi không có đủ căn cứ.
Hành vi này thể hiện sự tùy tiện, thiếu văn minh, ứng xử bất lịch sự và đổ lỗi vô lối cho người khác, cũng như xem thường các chuẩn mực đạo đức, không cần phân biệt đúng sai, phải trái khi nghi ngờ ai đó mà họ cho là thủ phạm.
Việc bắt ép 2 cô gái còn rất trẻ phải cởi đồ để chứng minh sự trong sạch là hành động thiếu tôn trọng nhân phẩm người khác và không thể chấp nhận được của những người tham gia.
Không chỉ bị đàm tiếu, đánh giá bởi dư luận xã hội khi hình ảnh bản thân lại bị đưa lên mạng xã hội, điều đó còn ảnh hưởng rất lớn đến danh dự của các cô gái và tác động đến trạng thái tâm lý lâu dài về sau.
Hành vi của một số người nhà chú rể biểu hiện cho lối sống tùy tiện, coi thường người khác. Đồng thời cho thấy trong cộng đồng hiện có một bộ phận mắc bệnh ngông cuồng, tự cho ta có quyền nói xấu hoặc làm nhục người khác.
Vì thiếu hiểu biết, chỉ cần một kích thích vừa đủ họ đã lập tức áp đặt, ép buộc, thậm chí a dua, mượn gió bẻ măng để xâm phạm nhân phẩm người khác bất chấp chuẩn mực đạo đức, quy định của pháp luật.
Luôn sống trong nỗi nghi ngờ, bản thân cũng không phải là người tử tế?
Điều đáng nói những người tham gia vụ việc trong gia đình chú rể còn thể hiện thái độ thô lỗ, hằn học khi vừa lục lọi đồ đạc vừa có những lời nói không chấp nhận được. Thậm chí còn dọa đánh cô gái. Tuy nhiên, người nhà lại lấy lý do người say xỉn không rõ sự việc nên mới có chuyện xảy ra.
Sự thiếu cân nhắc của gia đình chú rể đã có thể gây tai họa cho chính cô gái và nếu tỉnh táo hơn, khi có nghi ngờ, chủ nhân tài sản bị mất có thể trình báo công an, mời họ đến lập biên bản kiểm tra.
Dẫu biết rằng cuộc sống có nhiều điều phức tạp nhưng nếu chúng ta luôn nghĩ đến những cái xấu, cái tiêu cực, cái không tốt ở người khác và luôn sống trong nỗi nghi ngờ thì mặc nhiên bản thân chúng ta cũng không phải là người tử tế.
Cùng sự việc trên nếu có niềm tin tích cực vào người khác, gia đình chú rể sẽ có cách ứng xử phù hợp, vừa được việc cho bản thân mà không ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tin vào sự lương thiện của những người xung quanh ta sẽ giúp cho chúng ta sống nhẹ nhàng, lạc quan hơn.
Và cuối cùng để tránh cổ xúy cho lối ứng xử tùy tiện, xem thường người khác, phải xử lý đến nơi đến chốn.
Có dấu hiệu vi phạm vào tội làm nhục người khác
Một luật sư của Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang chia sẻ sau khi xem clip, có thể thấy người nhà chú rể có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trong vụ này, muốn xử lý tội làm nhục người khác cần chứng minh thêm ý thức của người thực hiện hành vi có mong muốn làm tổn hại uy tín, danh dự của bị hại hay không.
Tuy nhiên, có thể thấy việc chứng minh những người tham gia biết rõ hành vi của mình sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, danh dự của bị hại nhưng vẫn để xảy ra vụ việc không khó, vì đám cưới đông người và clip sau khi quay được phát tán rộng rãi lên mạng xã hội.
"Nếu xét các yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi đủ, chủ thể đủ năng lực, khách thể đã bị xâm phạm, ý thức có thể chứng minh được đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tội này vẫn có thể khởi tố theo yêu cầu bị hại" - vị luật sư này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận