Trương Thanh Hằng cầm cờ ăn mừng và nhận HCB 1.500m ở ASIAD 2010 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Đây là chuyện xảy ra phổ biến đối với nhiều tài năng của thể thao Việt Nam. Trước đó, kình ngư Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng) phải chờ đợi hàng chục năm để được mua đất theo diện ưu đãi của thành phố. Mới đây nhất, VĐV marathon Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi) cũng chỉ được mua đất sau khi báo Tuổi Trẻ lên tiếng.
Hai nhà vô địch SEA Games được cấp đất... trên giấy
Trương Thanh Hằng là một trong những tượng đài của điền kinh VN ở cự ly chạy 800m, 1.500m. Trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, Thanh Hằng từng mang về cho thể thao Việt Nam 7 HCV và 1 HCB ở 4 kỳ SEA Games từ năm 2005 đến 2011. Năm 2009, cô chuyển từ TP.HCM đầu quân cho ngành thể thao Ninh Bình và được biên chế 2 năm sau đó. Mười năm qua, cô lập gia đình, sinh con và là HLV điền kinh của Ninh Bình.
Bốn ngày trước, Trương Thanh Hằng liên hệ với báo Tuổi Trẻ và cho biết cũng giống trường hợp của VĐV Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi), cô đã được UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định cho mua đất giá rẻ. Nhưng 11 năm qua Thanh Hằng vẫn mòn mỏi chờ đợi vì đất không thấy đâu.
Theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình ban hành ngày 15-1-2010 do Phó chủ tịch tỉnh Trần Hữu Bình ký: "Đồng ý chủ trương giao đất có thu tiền sử dụng đất để làm nhà ở cho VĐV điền kinh Trương Thanh Hằng do đạt thành tích xuất sắc với thể thao thành tích cao của tỉnh. Giao UBND thành phố Ninh Bình giao đất cho bà Trương Thanh Hằng 1 lô. Diện tích giao đất không quá 100m2, mức thu tiền sử dụng đất không quá 30% giá quy định của lô đất được giao".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thanh Hằng nói: "Cách đây vài năm tôi có liên hệ với chú Trần Hữu Bình, người đã ký quyết định giao đất cho tôi, nhưng chú Bình đã chuyển công tác. Tôi cũng có hỏi người nọ, người kia và được thông tin là quyết định giao đất cho tôi có một số vấn đề pháp lý nên tôi chưa nhận được".
Không chỉ Hằng, kỷ lục gia SEA Games cự ly 800m, 1.500m Nguyễn Đình Cương cũng gặp tình cảnh tương tự. Nguyễn Đình Cương là tài năng đặc biệt của thể thao Ninh Bình, đã mang về 4 HCV SEA Games ở các năm 2007- 2009. Đình Cương cho biết trong giai đoạn này anh cũng được UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định cho mua đất giá rẻ, thế nhưng đến giờ vẫn chưa được nhận. Nguyễn Đình Cương hiện là trưởng bộ môn điền kinh của Sở VH-TT&DL Ninh Bình.
Không có hành lang pháp lý ưu đãi cho tài năng thể thao
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc của Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương, một lãnh đạo Sở VH-TT&DL Ninh Bình cho biết đã nắm được sự việc từ rất lâu. Tuy nhiên, vì có nhiều vấn đề pháp lý vướng mắc nên Hằng và Cương chưa nhận được đất.
Ông Tần Lê Minh, chánh văn phòng Tổng cục TDTT, cho biết hiện không có quy định nào của Nhà nước về việc khen thưởng cho tài năng đặc biệt của thể thao như việc cho mua nhà, mua đất giá rẻ. Cũng rất khó để xây dựng, ban hành các quy định về việc này.
Qua tìm hiểu, gần như toàn bộ các tỉnh, thành trên cả nước không có quy định về việc đưa VĐV tài năng mua nhà đất giá rẻ. Dù vậy, vẫn có hướng ra về đãi ngộ cho các VĐV có thành tích đặc biệt trong việc mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Hướng ra từ nhà ở xã hội
Năm 2011, rơi vào tình cảnh khó khăn khi chồng và con bị bệnh nặng, nhà vô địch SEA Games cự ly 100m rào Vũ Bích Hường xin được mua nhà ở xã hội cho đối tượng người có thu nhập thấp. Với sự "giúp sức" của lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội, truyền thông lên tiếng, chị đã mua được căn hộ tại khu đô thị Việt Hưng. Thời điểm đó Vũ Bích Hường là một trong năm cán bộ của Sở VH-TT Hà Nội được xét hồ sơ mua nhà thu nhập thấp.
Với biệt danh "Hoàng tử ếch", kình ngư Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng) đã mang về cho thể thao VN 3 HCV tại ba kỳ SEA Games vào các năm 2005, 2007, 2009 ở nội dung 100m ếch. Năm 2007, anh được UBND thành phố Hải Phòng quyết định cho mua đất giá rẻ. Nhưng cũng phải đến 9 năm sau (năm 2016), Hữu Việt mới được nhận 88m2 đất tại huyện Thủy Nguyên. Trong suốt gần một thập niên đó, báo chí cũng phải tốn nhiều giấy mực để "đòi" đất cho Hữu Việt.
Thực chất cũng không thể đổ hết lỗi cho lãnh đạo các địa phương bởi ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết hành lang pháp lý cho việc thực hiện cấp đất hay bán đất nhà nước cho VĐV đạt thành tích cao chưa có. Nhưng nói vậy không phải là để cho các VĐV tài năng phải mòn mỏi chờ đợi.
Cách làm của Quảng Ngãi mới đây là một ví dụ. Vài ngày trước, sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh cuộc sống nghèo khổ của "nữ hoàng chân đất" Phạm Thị Bình - người giành HCV SEA Games nhưng sau 7 năm vẫn chưa được cấp đất, phối hợp với một doanh nghiệp trong tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết cho Bình mua đất giá rẻ, thực hiện lời hứa suốt 7 năm bị quên lãng. Giải quyết của tỉnh Quảng Ngãi cũng là lối đi cho các địa phương muốn thực hiện chính sách đãi ngộ cho VĐV đạt thành tích cao.
Một lãnh đạo Tổng cục TDTT nói: "Để ra một nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh, hay chờ Chính phủ ban hành một nghị định riêng để đãi ngộ VĐV có thành tích đặc biệt là vô cùng khó bởi nguồn lực nhà nước có hạn, xã hội còn rất nhiều thành phần khó khăn, gia đình chính sách, người có công với Tổ quốc cần phải chăm lo. Khi chưa có hành lang pháp lý cho việc cho VĐV đạt thành tích cao mua nhà đất giá rẻ thì các địa phương có thể kêu gọi các nguồn lực xã hội để hỗ trợ VĐV.
Cách làm của Hà Nội trong việc giúp VĐV giành thành tích cao được mua nhà ở xã hội cũng mở ra hướng đi cho các địa phương. Nếu lãnh đạo địa phương linh hoạt, quan tâm thì vẫn có cách thực hiện đãi ngộ cho các VĐV có thành tích đặc biệt".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận