
Một góc Trường Quốc tế Saigon Pearl. Trường này vừa thông báo sẽ đóng cửa vào tháng 6-2025 - Ảnh: Nhà trường cung cấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng không chỉ với Trường Quốc tế Saigon Pearl, một số trường quốc tế khác cũng gặp thách thức tương tự về tuyển sinh, đặc biệt từ sau dịch COVID-19.
Thị trường nhiều biến đổi
* Là người theo dõi rất sát mô hình trường quốc tế tại TP.HCM, ông có cảm thấy rằng mô hình này đang mất dần sức hút với phụ huynh không, thưa ông?
- Phần nào như thế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút này với các trường thực sự "quốc tế" tức giảng dạy chương trình quốc tế và có nhiều học sinh quốc tế theo học.
Thứ nhất, các trường dạng này chịu ảnh hưởng khá lớn sau dịch COVID-19, khi có một làn sóng của những người lao động nước ngoài rời Việt Nam. Họ có xu hướng trở về quê hương và nhận những công việc ít đòi hỏi phải xa gia đình hơn.
Thứ hai, thu nhập và phúc lợi của nhiều lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng có phần bị ảnh hưởng. Các công ty hay các tập đoàn lớn trước đây thường bảo trợ những gói học trường quốc tế cho con em của lao động, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam, nay cũng cắt giảm một số phúc lợi nhất định.
Thêm vào đó, các trường quốc tế cũng gặp khó khi thu hút giáo viên nước ngoài trở lại Việt Nam. Các giáo viên này có xu hướng về lại quê nhà hoặc tìm những quốc gia gần nhà, và họ sẽ không đồng ý di chuyển xa nếu các gói lương bổng, phúc lợi cho họ và gia đình không hấp dẫn.
Với đối tượng học sinh tại chỗ, tức học sinh Việt Nam, các em có xu hướng chuyển sang các trường song ngữ nhiều hơn. Nhiều trường song ngữ cũng đã tiến tới dạy và cấp bằng quốc tế. Nghĩa là, học sinh Việt Nam không nhất thiết phải vào trường quốc tế hoàn toàn mới lấy được bằng cấp quốc tế như IGCSE hay A-Level, mà có thể chỉ cần học trường song ngữ với chi phí khoảng bằng 60%.
Khi học song ngữ, phụ huynh cảm thấy an toàn hơn, chẳng hạn về tiếng Việt và văn hóa Việt. Tùy vào kinh tế gia đình, họ có thể lựa chọn "tiến lên" một trường quốc tế hẳn, hoặc lùi lại trường công lập một cách linh hoạt. Thế nên, theo quan sát của tôi, trong khi nhiều trường quốc tế bị co hẹp, thì các trường song ngữ có xu hướng mở rộng tại TP.HCM.
Ngoài ra, một "đối thủ" đáng gờm khác của trường quốc tế "truyền thống" là những trường quốc tế "online". Với học phí có thể chỉ bằng 1/10 trường quốc tế truyền thống, một số trường quốc tế online vẫn có thể dạy từ xa và cấp những bằng cấp hàng đầu như bằng trung học phổ thông của Mỹ, Úc, bằng IB hay A-Level...
Cuối cùng là phong trào cho con du học sớm từ bậc THPT. Có rất nhiều trường phổ thông ở nước ngoài có cơ sở vật chất và chất lượng dạy tốt hơn khá nhiều so với một trường quốc tế trung bình tại Việt Nam. Nên nhiều phụ huynh thấy rằng cho con đi du học sớm cũng là một lựa chọn đáng giá nếu so sánh với các chi phí học trường quốc tế tại chỗ.
Lưu ý gì khi chọn trường?
* Với bức tranh hiện nay, theo ông, phụ huynh cần cân nhắc những yếu tố gì khi lựa chọn trường học cho con, nhất là những người có ý định cho con học trường quốc tế?
- Tôi nghĩ ngoài trải nghiệm học hành, mục tiêu của việc học tập sẽ đóng vai trò quyết định để phụ huynh cân nhắc cho con nên học theo hướng nào.
Ví dụ, nếu đã có định hướng cho con du học, lựa chọn những trường mang tính quốc tế nhiều hơn sẽ giúp đứa trẻ được chuẩn bị kỹ lưỡng cho học đại học ở nước ngoài.
Ngoài ra, một số phụ huynh có kinh nghiệm sẽ nhận ra với một số ngành, việc học ở trong nước hay nước ngoài không tạo nhiều khác biệt. Ví dụ, một bạn học quản trị kinh doanh ở Mỹ so với các sinh viên Trường đại học Ngoại thương hay Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn chung sẽ không quá khác nhau, nhất là khi các em có ý định trở về Việt Nam làm việc.
Còn với những ngành thuộc công nghệ cao, nếu các bạn học ở nước ngoài, lợi thế sẽ rõ ràng hơn, khi được tiếp xúc với công nghệ tiên tiến và tiếp xúc với nhiều chuyên gia hàng đầu hơn. Một số quốc gia cũng ưu tiên cơ hội việc làm cho ngành kỹ thuật hơn, ví dụ tại Mỹ sinh viên STEM có thể ở lại 3 năm làm việc, trong khi ngành kinh doanh hay khoa học xã hội - nhân văn chỉ có thể ở lại 1 năm.
* Phụ huynh nên cân nhắc lộ trình từ trường quốc tế đến đại học cho con từ khi nào, thưa ông?
- Tôi nghĩ thường là ở bậc THCS, nếu sớm có thể bắt đầu ở lớp 6, còn trung bình sẽ khoảng độ lớp 9, lớp 10. Lớp 11, lớp 12 là trễ. Tốt nhất là trước lớp 9. Phụ huynh nên tìm hiểu trước quá trình tuyển sinh vào đại học ở một số quốc gia.
Quá trình này thường khác nhau nhưng nhìn chung 4 năm cuối phổ thông thường có vai trò quyết định với việc vào đại học, khi các em phải đáp ứng điểm số trung bình (GPA) và cả một số bài thi tốt nghiệp, bài thi chuẩn hóa và bằng cấp cuối trung học.
* Theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước có thể tham gia thêm vào việc quản lý các trường quốc tế như thế nào để mang đến sự an tâm hơn cho phụ huynh?
- Trong những vụ trường tư thục đóng cửa trước đây, tôi quan sát thấy Sở GD-ĐT cũng vào cuộc hỗ trợ học sinh chuyển trường. Tôi đánh giá cao thiện chí của các cơ quan nhà nước khi hỗ trợ cho các trường tư để đảm bảo không gián đoạn việc học của học sinh.
Tuy nhiên, tôi nghĩ có một số điểm cơ quan quản lý có thể làm tốt hơn nữa. Một trong số đó là yêu cầu về minh bạch thông tin của trường học. Ví dụ trước đây có những vụ lùm xùm liên quan đến gói huy động tài chính thu học phí trước nhiều năm.
Nếu cho phép những gói thu học phí lâu như vậy trong trường học, cần có một cơ chế quản lý đặc biệt, như trường phải có báo cáo tài chính hằng năm gửi cho phụ huynh và báo cáo ấy phải được kiểm toán độc lập để bảo vệ người tham gia, cũng đồng thời bảo vệ quyền học tập ổn định của học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận