​Tự vệ trong thế giới mạng 

TS LÊ THANH HẢI 16/06/2015 18:06 GMT+7

TTCT - Cơ chế bảo vệ trẻ vị thành niên đã được các trang mạng thay đổi và pháp luật bắt đầu có những điều chỉnh để đối phó với các hành vi bắt nạt qua mạng, nhưng cho đến nay lá chắn hiệu quả nhất để tự vệ vẫn ở nơi các em và nhất là phụ huynh.

James Willmert (thứ tư từ trái qua), một cậu bé ở Minnesota (Mỹ) gặp khó khăn trong việc học và thường xuyên bị bắt nạt, đã được năm cậu bé khác đứng ra bảo vệ. Cùng nhau, các em học, ăn trưa và chơi thể thao. Trường học của các em đã vinh danh các cậu bé bằng giải thưởng danh dự “Tinh thần của tuổi trẻ” vì sự đoàn kết và chính trực này

Giữa tháng 5 vừa rồi, một giáo sư nổi tiếng ở Hà Nội bị mạ lỵ ồn ào trên mạng vì những lời bình luận không được lòng dư luận mà ai đó đã cẩn thận gán ghép cho ông. Vài ngày sau, một tiến sĩ có uy tín trên mạng lên tiếng bác bỏ chuyện ông giáo sư đã nói như vậy, một số người đã phải xin lỗi về những nhận xét gay gắt của mình trước đó.

Nhưng không phải ai cũng may mắn được một “hiệp sĩ mạng” đứng ra bênh vực như vậy, và không phải ai cũng vượt qua nổi áp lực tâm lý trong những vụ tai bay vạ gió ấy.

Đừng để cô đơn trên mạng

Trước hết, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ đông bắt nạt người thân đơn thế cô là hiện tượng rất thường gặp trong xã hội và đang thật sự bùng nổ trong môi trường mạng. Thời Trung cổ, một đám đông thiếu giáo dục thì thích xem cảnh hành hình để tiêu khiển.

Nhưng, giống như kinh Thánh từng có bài học về câu hỏi của Chúa Giêsu khiến cả đám đông chuẩn bị ném đá phải sững người suy nghĩ (“Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7), một tiếng nói có uy tín sẽ can ngăn và cảnh tỉnh được ngay cả đám đông cuồng nộ nhất.

Và ngay cả khi đơn độc thì người bị bắt nạt cũng đừng quá lo lắng, vì đám đông thường hay ăn hiếp người có điểm gì đó khác mình chứ chưa hẳn là yếu hơn mình. Ví dụ rất phổ biến, ở trường học các em bị ăn hiếp lại thường có đặc điểm thể chất hoặc có tài năng gì đó hơn các bạn khác. Cách hóa giải hiệu quả nhất trong trường hợp này là hãy tìm ra kẻ đầu têu và “hạ gục” đối tượng, khi đó đám đông sẽ tự động giải tán.

Có khá nhiều kiểu ức hiếp trên mạng, nhưng thường gặp nhất và dễ khiến nạn nhân bị sốc nặng nhất là những cú tấn công dồn dập với cấp độ càng lúc càng gia tăng theo cấp số nhân của hiệu ứng truyền miệng.

Các em có thể chỉ đang tranh cãi với nhau về một chuyện gì đó và bỗng nhiên có thêm người ở nơi nào khác kéo vào xỉa xói. Họ có thể là người được nhóm các em chuyên bắt nạt bạn lôi kéo vào, hay chỉ là người ngoài thích mượn diễn đàn mạng để chửi mắng người khác cho sướng miệng, hoặc có khi họ chính là một băng nhóm chuyên kéo nhau đi bắt nạt người khác để thỏa mãn nhu cầu tiêu khiển thấp hèn của cá nhân.

Bị vây xung quanh bằng những thành phần như vậy, nạn nhân bất ngờ bị đưa vào tình thế tưởng rằng mình là người xấu duy nhất trong xã hội vì tất cả mọi người xung quanh đều chỉ trích, chê bai mình. Tình trạng cô lập sẽ dần chuyển thành tâm lý ức chế, tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực và thường lối thoát là tự tử.

Ở nước Anh, chuyện bảo vệ trẻ em trên mạng trở thành trách nhiệm của chính phủ và khá nhiều tổ chức xã hội đã tích cực giới thiệu những cách ứng phó cơ bản cho các em và phụ huynh, chẳng hạn trang mạng nobullying.com.

Hơn hết, các bậc cha mẹ cần biết cách nhận diện những biểu hiện tâm lý nguy hiểm nơi con trẻ, thường không chỉ do bị ức hiếp trên mạng mà còn do cả những vụ việc bế tắc trong cuộc sống đời thường. Đến lượt họ cũng phải biết luyện tập để chống đỡ các đòn tấn công trên mạng và không bị lôi kéo vào một vụ ức hiếp ai khác.

Bất kể ai trong chúng ta cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, không chỉ các thiếu niên. Một phụ nữ 62 tuổi ở Anh mới đây vừa bỡ ngỡ vào Facebook để thỉnh thoảng nói chuyện với con cháu, đã trở thành một người già cả tin - mục tiêu dễ dàng bị lừa đảo trên mạng.

Hình thức bị chiếm tài khoản mạng để từ đó khai thác cuộc sống riêng tư của những người mà họ kết bạn, tức là con cháu hay bạn bè của con cháu họ, thật ra là nhẹ nhất. Vì chỉ cần tìm được một bức ảnh nhạy cảm hay một chi tiết riêng tư là câu chuyện có thể được tung lên thành một vụ việc gây ồn ào dư luận.

Phản ứng của các bậc phụ huynh lớn tuổi ít tiếp xúc xã hội thường là trầm cảm ở mức độ nghiêm trọng và mặc dù họ không dễ dàng tự tử nhưng trầm cảm có thể gây sốc khiến họ mắc bệnh nặng, có trường hợp đã bị trụy tim và xuất huyết não.

Bỏ đói thị phi

Một số phụ huynh do không biết cách giúp đỡ con đã tạo thêm áp lực tâm lý cho trẻ. Cơn sóng mạng có thể kéo đến rất bất ngờ và với những lý do nhiều lúc rất vớ vẩn: một kiểu tóc mới, một câu nói hớ, thậm chí có khi chẳng có dấu hiệu hay lý do gì rõ ràng, giống như ở ngoài đời nhiều lúc cả góc phố đánh chửi nhau chẳng vì chuyện gì cụ thể.

Trên mạng, đám đông có thể kéo đến từ bất kỳ nơi nào trong chốc lát, và luân phiên nhau chửi mắng - khi nơi này đi ngủ lại là buổi sáng thức dậy ở nơi khác. Mệt mỏi khi phải một mình đáp trả “xa luân chiến”, các nạn nhân dính chặt cuộc sống thực của mình vào Internet, nếu không tự mình bước ra được khỏi cuộc chiến vô vọng này, họ rất cần sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.

Một trong số những cách đối phó đơn giản nhất lại chính là “mặc kệ nó”. Cơn đói khát đàm tiếu trên mạng luôn cần được chính nạn nhân “tiếp thức ăn”. Cuộc thị phi sớm hay muộn cũng tự nó chết nếu nạn nhân khước từ tham gia một cách triệt để. Bất chấp dư luận xã hội là điều khó khăn nhưng trong nhiều trường hợp lại là phương pháp hữu hiệu, dù ích kỷ, để một cá nhân tự giải thoát khỏi búa rìu dư luận.

Hàng chục năm qua người ta cũng bàn nhiều đến vai trò và hoạt động của cảnh sát mạng, nhưng giải pháp này kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm khi quyền lực tập trung vào tay một nhóm nhỏ có quyền kiểm soát cả đám đông. Và cũng cần nhớ rằng ức hiếp trên mạng không phải lúc nào cũng cần đến cả một đám đông.

Những người yếu đuối, thiếu kinh nghiệm sống dễ trở thành nạn nhân của duy nhất một cá nhân, từ bị lừa đảo tiền bạc cho đến tình dục, nặng hơn là bị đưa vào một mạng lưới khai thác có tổ chức. Hiểu rõ những đặc tính này và trang bị/tự trang bị khả năng tự vệ trên mạng, giống như dạy võ phòng thân, là nhu cầu cấp thiết ở trường học, trong gia đình và rộng khắp ngoài xã hội.           

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận