Phóng to |
Binh sĩ Nhật trong đợt tập luyện ở Susono, phía tây Tokyo, ngày 8-7 - Ảnh: Reuters |
Một loạt động thái trong tuần vừa rồi của nội các Abe như thủ tướng thăm chớp nhoáng ba ngày đến ba nước Đông Nam Á, Bộ Quốc phòng ra báo cáo về khả năng mua vũ khí tấn công cũng như cân nhắc khả năng tấn công phủ đầu, chuyển giao thêm 10 tàu tuần tra cho Philippines... đều cho thấy an ninh là trọng tâm hàng đầu, đặc biệt trong vấn đề đối trọng với Trung Quốc.
Cả ba nước ông Abe ghé thăm đều nhằm mục tiêu củng cố quan hệ với ASEAN: Malaysia - một nước có tranh chấp ở biển Đông, Philippines - một nước đồng minh của Mỹ, có lập trường chống đối Bắc Kinh mạnh nhất nhưng quân sự yếu và Singapore - dù là nước trung lập nhưng là nơi tàu quân sự Mỹ thường xuyên trú lại.
Tờ Yomiuri Shimbun hôm 29-7 có bài viết nói ASEAN có vai trò quan trọng cả về an ninh và kinh tế đối với các kế hoạch của ông Abe. Chuyến đi tuần trước của ông Abe là chuyến thăm thứ ba tới khu vực kể từ đầu năm tới nay. Trước khi rời Manila, ông Abe nhấn mạnh: “Tôi cảm thấy có nhiều mong đợi việc Nhật đóng vai trò lớn hơn ở ASEAN”. Ông cũng khẳng định “một ASEAN phát triển sẽ có lợi cho nước Nhật”.
Trên đường công du ở Đông Nam Á, một trong những chủ đề được ông Abe nhắc đến là “quyền tự vệ tập thể” của Nhật. Khái niệm tự vệ tập thể được hiểu là “một quốc gia có thể hỗ trợ quốc gia khác trong trường hợp bị tấn công quân sự”.
Theo Kyodo, trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Abe khẳng định việc dùng quyền tự vệ tập thể là để “bảo vệ an ninh cho nước Nhật và đóng góp cho liên minh Nhật - Mỹ, cho hòa bình và ổn định ở khu vực”.
Chủ đề này cũng được nhắc đến trong cuộc gặp với Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore. Dù chưa công khai, có vẻ Nhật muốn hướng tới một thỏa thuận về “an ninh tập thể” với một số nước tại khu vực.
Đây là một trong những chủ đề Thủ tướng Abe từng tránh né trước bầu cử thượng viện hôm 21-7. Khi sức ép bầu cử đã qua (liên minh của Đảng LDP thắng lớn), ông Abe có vẻ sẵn sàng theo đuổi chủ đề này.
Đề phòng những lo ngại về quá khứ quân phiệt tại Đông Nam Á, ông Abe cho biết Tokyo sẽ giải thích cặn kẽ lập trường này và khẳng định Nhật là đối tác tin cậy có thể giúp đối trọng với ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc. Theo ông, Nhật chỉ đơn giản làm những gì mà hầu hết các nước khác đều làm: tự phòng vệ.
Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cũng tuyên bố Nhật Bản đang xem xét mua vũ khí tấn công, máy bay do thám không người lái và sẽ theo đuổi vai trò tích cực hơn trong an ninh khu vực.
Dù Cục Phòng vệ Nhật đến giờ vẫn bị ràng buộc bởi hiến pháp hòa bình từ sau Thế chiến II, nhưng vẫn là lực lượng quân sự mạnh và hiện đại vào hàng bậc nhất châu lục.
Theo giới phân tích, việc cởi trói cho quân đội Nhật sẽ cho phép quân đội nước này linh động hơn trong việc đối phó với điểm nóng Senkaku/Điếu Ngư cũng như với Bình Nhưỡng.
Theo giới phân tích, thông điệp về củng cố quân sự của ông Abe đang được lòng dân chúng Nhật, vốn ngày càng lo lắng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
“Trong vài năm vừa rồi, suy nghĩ của người Nhật về an ninh quốc gia, về Bộ Quốc phòng và lực lượng phòng vệ đã thay đổi” - Bộ trưởng Onodera phát biểu khi đưa ra báo cáo. “Nhật Bản có 6.800 hòn đảo - ông Onodera nhấn mạnh - Bất cứ quốc gia nào cũng nên đủ sức bảo vệ lãnh thổ của mình”.
Nhưng đến lúc này Nhật vẫn cố giữ mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc. Trong khi một mặt thúc đẩy quan hệ với ASEAN, Thủ tướng Abe đã đánh tiếng về một cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc (nhưng báo China Daily hôm qua cho biết Bắc Kinh bác thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh này).
Reuters hôm qua cũng đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc tiếp Thứ trưởng ngoại giao Nhật Akitaka Saiki ở Bắc Kinh nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước trong thời gian gần đây.
Thái độ của Trung Quốc giúp Mỹ thắt chặt quan hệ với đồng minh Chỉ huy lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương - tướng Herbert Carlisle hôm 29-7 cho biết thái độ của Trung Quốc ở biển Đông đang giúp Mỹ thắt chặt thêm mối quan hệ với đồng minh châu Á. Báo Philippines Philstar dẫn lời tướng Carlisle cho biết các quốc gia bị Trung Quốc dọa nạt đang mua khí tài từ các nguồn khác nhau nhằm nâng cao năng lực quốc phòng. Chính Trung Quốc đã khiến các quốc gia này hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Một số hành vi hung hăng (của Trung Quốc) đã thật sự mang những người bạn lại gần nhau hơn và họ trông cậy vào sự hiện diện của chúng tôi” - tướng Carlisle phát biểu trước các phóng viên tại Washington. Tướng Carlisle đồng thời bày tỏ lo ngại trong môi trường phức tạp và luôn thay đổi này, một số hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến sự đáp trả lớn hơn. Ông cũng cảnh báo việc Trung Quốc ra sức xây dựng quân đội và cho rằng điều này sớm muộn sẽ dẫn đến các hậu quả không lường trước được. Ông Carlisle đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm sang châu Á bất chấp những biện pháp cắt giảm chi tiêu quân sự mạnh mẽ. Đông PHƯƠNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận