TTCT - Mỹ đang có những điều chỉnh lớn về chính sách kinh tế và thương mại trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Điều đó sẽ tác động ra sao tới các nền kinh tế mới nổi? Di sản lớn nhất của tổng thống Bill Clinton với kinh tế toàn cầu là dịch chuyển tư duy thế giới từ "chiến tranh lạnh" sang kỷ nguyên toàn cầu hóa. Đỉnh cao là sự kiện GATT chuyển thành WTO (thành lập năm 1995) và trong suốt gần 30 năm, Mỹ và phương Tây luôn thuyết phục các nước nghèo (bao gồm Trung Quốc) về lợi ích của hệ thống này.Giờ khi bối cảnh thay đổi, Washington có vẻ lại đang tìm cách đảo ngược tiến trình đấy. 5 năm qua, bắt đầu từ chiến tranh thương mại, Mỹ đang quyết liệt thúc đẩy dịch chuyển về đầu tư, mà mới nhất là chiến lược "friend-shoring" (đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện).Ảnh: Financial TimesTháng 4-2022, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương, lần đầu nói tới khái niệm "friend-shoring" như một chiến lược chính thức. Khi thăm Hàn Quốc và Ấn Độ năm ngoái, bà Yellen lại nói hai nước này sẽ trở thành tâm điểm của hoạt động "friend-shoring" nhằm giảm thiểu nguy cơ phụ thuộc vào các nước không thân thiện với Mỹ. Thông điệp tương tự được bà Yellen đưa ra khi tới Hà Nội tuần trước. Vòng cung bạn bè của Washington trải dài từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á tới Ấn Độ với đối tượng ngày một rõ.Trong hệ thống toàn cầu của WTO, chi phí sản xuất và lợi nhuận của các tập đoàn sẽ là yếu tố quyết định để đầu tư. Nhưng với "friend-shoring", Mỹ đang muốn chuỗi cung ứng sẽ được quyết định bởi yếu tố điểm đến đầu tư có phải là bạn bè của Mỹ không, hay các mặt hàng sản xuất có mang tính chiến lược với Mỹ và phương Tây không. Thương mại toàn cầu thay vì chỉ chịu ảnh hưởng bởi chi phí, thì vì tác động chính trị, có thể sẽ trở thành nhiều khối thương mại nhỏ phân tách để bảo vệ lợi ích chiến lược các nước lớn.Từ phòng thủ sang tấn côngDù ít khi nói thẳng, ai cũng hiểu những nước được coi là không thân thiện với Mỹ trước hết là Nga và Trung Quốc. Chính sách mới của phương Tây là để ngăn hai nước này lợi dụng lợi thế thị trường về một số nguyên liệu nhất định (như đất hiếm), sản phẩm (năng lượng, thực phẩm, phân bón), hay nhân lực, để tác động tới kinh tế Mỹ.Từ dưới thời Donald Trump và giờ tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã gây áp lực để các tập đoàn dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Các nhà sản xuất thiết bị lớn đã thiết lập nhà máy sản xuất mới, mở rộng các điểm sản xuất khác ở châu Á, hoặc dịch chuyển sang Đông Âu và Mexico theo mô hình "Trung Quốc + 1". "Friend-shoring" cũng được coi là bớt cực đoan hơn so với dịch chuyển "về bờ" - tức mang các chuỗi sản xuất về lại Mỹ, như chính sách của ông Trump giai đoạn đầu.Nhưng gần đây hơn, "friend-shoring" được nhìn nhận như một chính sách tấn công, chứ không chỉ là phòng thủ, theo Hung Tran, nguyên phó giám đốc IMF. Viết trên trang web của Hội đồng Đại Tây Dương, ông nói Mỹ "vũ khí hóa" khái niệm "friend-shoring" khi mở rộng mục tiêu của chiến lược này. Bà Janet Yellen ở Ấn Độ. Ảnh: The HinduThay vì chỉ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo diễn giải mới của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, chiến lược này giờ là để Mỹ "chiến thắng trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc". Điều này xuất phát từ đánh giá trong Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2022 rằng Trung Quốc là "đối thủ duy nhất có cả ý đồ vẽ lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để theo đuổi mục tiêu này"."Friend-shoring" do đó không còn là duy trì ưu thế của Mỹ trước Trung Quốc (như đi trước Trung Quốc hai thế hệ trong lĩnh vực chip), mà đã trở thành gia tăng khoảng cách càng lớn càng tốt bằng cả động thái kìm hãm lẫn cản trở quá trình hiện đại hóa kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Về bản chất, chiến lược này nhằm "gây tổn thất cho đối phương và theo thời gian làm suy yếu khả năng trên chiến trường của đối thủ".Những ràng buộc khó gỡSau giai đoạn đàm phán căng thẳng, Mỹ thuyết phục được Hà Lan và Nhật tham gia lệnh cấm một số thiết bị quan trọng, như hệ thống in quang khắc cực tím chính xác cao để làm chip tối tân (nhỏ hơn 14nm). Hiện Nhật vẫn muốn có phương án hạn chế nhẹ hơn so với mong muốn của Mỹ (Hà Lan cũng nghiêng về phương án như Nhật). Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều có Trung Quốc là một đối tác thương mại và kinh tế quan trọng, nên chính sách của Mỹ càng quyết liệt thì càng khó thuyết phục các nước đồng minh tham gia.Mỹ và Ấn Độ gần đây cũng đã đồng ý nâng cấp và mở rộng sáng kiến chung về các công nghệ lõi quốc phòng, bao gồm AI, công nghệ lượng tử, công nghệ không gian, hệ thống quốc phòng và chuỗi cung ứng về chip. Mỹ cũng đưa ra sáng kiến liên minh CHIP 4 với Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc để phối hợp củng cố chuỗi cung ứng chip hiện đại. Tuy vậy, đề xuất này đang gặp sự lưỡng lự đáng kể từ các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, khi Seoul có gắn kết kinh tế lớn với Trung Quốc.Về căn bản, mục tiêu của những chính sách này là loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng quốc tế quan trọng với sản xuất chip tối tân và các sản phẩm công nghệ cao. Dù vậy, Tập đoàn TSMC của Đài Loan (chiếm hơn 90% thị phần toàn cầu các loại chip tối tân) hiện chưa thể hoạt động độc lập. Tập đoàn TSMC của Đài Loan chiếm hơn 90% thị phần toàn cầu các loại chip tối tân. Ảnh: tsmc.comTSMC phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong thiết kế và phát triển phần mềm chip, phụ thuộc Hà Lan và Nhật Bản về thiết bị sản xuất, và phụ thuộc các nước khác (bao gồm Trung Quốc) về nguồn nguyên liệu thô. TSMC sẽ không thể hoạt động nếu không hợp tác với các tập đoàn và nhà cung cấp ở nhiều nước. Phía ngược lại, rất khó và tốn kém (nếu không muốn nói là không thể) cho Trung Quốc để có thể một mình xây dựng các hệ sinh thái chip tối tân này.Cho tới nay, Trung Quốc chủ yếu đáp trả Mỹ bằng các biện pháp phòng thủ. Ngoài việc kiện lên WTO vì "các biện pháp bảo hộ thương mại" của Mỹ, Trung Quốc cũng đang lên gói hỗ trợ 143 tỉ USD cho lĩnh vực chip nội địa để có thể tự chủ về công nghệ.Trung Quốc cũng đã tăng việc sản xuất các loại chip kích thước trên 14nm, vốn không chịu lệnh cấm của Mỹ nhưng cần trong hầu hết các sản phẩm hiện đại, để tăng thị phần toàn cầu của mình. Năm 2010, Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 10% và giờ là 15%, nhưng vẫn kém Đài Loan (22%) và Hàn Quốc (21%). Gần đây nhất, hai học giả Trung Quốc viết trên bản tin của Học viện Khoa học nước này rằng Trung Quốc nên phản công bằng cách sở hữu "một loạt sáng chế mới kiểm soát việc sản xuất chip thế hệ mới, từ chất liệu cho tới công nghệ".Những tiếng nói phản đốiĐã có những nước trực tiếp phản đối chiến lược "friend-shoring" cho rằng chính sách này sẽ gây tổn thất với tất cả các bên. Tại hội nghị lãnh đạo châu Á của Nikkei hồi tháng 5, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói: "Luật chơi không thể thay đổi một cách tùy tiện. Người thua sẽ là các nước thu nhập trung bình của châu Á". Phó thủ tướng Thái Lan Don Pramudwinai cũng nói việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chiến lược "friend-shoring" cho thấy quan ngại của các nước lớn đặt trọng tâm vào an ninh quốc gia hơn là sản xuất với chi phí rẻ hơn. Theo ông, việc dịch chuyển này sẽ làm tăng chi phí cho tất cả. "Nó sẽ dẫn thế giới tới kỷ nguyên kinh tế mới, nợ công và lạm phát cao kéo dài", ông cảnh báo.Cho tới giờ thì chưa rõ chiến lược này sẽ dẫn tới dịch chuyển thế nào. Apple đang muốn giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ, trong khi nhà cung cấp lớn của họ Foxconn đang mở rộng cơ sở ở Việt Nam. Nhưng con đường thì không hề dễ dàng. Tính toán của Bloomberg hồi tháng 9-2022 cho thấy Apple sẽ cần 8 năm để dịch chuyển được tầm 10% công suất khỏi thị trường Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đại lục chiếm 98% số lượng iPhone sản xuất ra. Báo cáo của Allianz cho thấy Mỹ hiện có 276 mặt hàng quan trọng vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, gồm đồ điện tử, may mặc, hóa chất và kim loại.Tác động của "friend-shoring" cũng sẽ ảnh hưởng tới những nước không thuộc, hoặc tìm cách không phụ thuộc, vào cả hai phe. WTO tính toán rằng quá trình phân rã hệ thống thương mại quốc tế thành các khối riêng biệt sẽ làm giảm GDP toàn cầu khoảng 5% về dài hạn. Thương mại toàn cầu thậm chí có thể trở về mức trước khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001!Với Đông Nam Á, giáo sư Ann Marie Murphy, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại của Đại học Seton Hall, cho rằng đang có sự thống nhất chung của giới nghiên cứu rằng môi trường an toàn nhất cho các nước nhỏ và vừa như ở Đông Nam Á là trạng thái cân bằng quyền lực tương đối để có thể có lợi ích chính trị, kinh tế từ các bên.Thông điệp của các nước ASEAN mấy năm gần đây hầu như luôn là "đừng bắt chúng tôi chọn bên". Lựa chọn căn bản là các nước châu Á hướng tới Mỹ cho các vấn đề an ninh và nhắm tới Trung Quốc về kinh tế. Với các nước, dàn xếp để hợp tác được với cả Mỹ lẫn Trung Quốc vẫn là phương án tối ưu.■ Mỹ và Trung Quốc đã thành lập các khối kinh tế loại trừ nhau. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của Trung Quốc có hiệu lực từ 2022 hiện là khu vực FTA lớn nhất thế giới, dù không có Mỹ. Mỹ thì đang thúc đẩy "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng" (IPEF) không có Trung Quốc. Bản thân các nước châu Á - Thái Bình Dương có thêm một hiệp định thứ ba là CPTPP (không có cả Mỹ và Trung Quốc, dù Trung Quốc đã đệ đơn chính thức xin gia nhập, và mới đây đã kết nạp Anh). "(Friend-shoring có thể) ngắt đứt các nguồn tăng trưởng và hợp tác khu vực, khoét sâu hơn chia rẽ giữa các nước, đẩy các nước vào những xung đột mà tất cả chúng ta đều mong tránh"Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long Tags: Lợi bất cập hạiChiến tranh LạnhBill ClintonTrung Quốc đại lụcKinh tế MỹChuỗi cung ứngBộ trưởng Tài chínhAn ninh quốc gia MỹFriend-shoringChính sách kinh tếToàn cầu hóaChi phí sản xuấtĐông Nam ÁSản xuất chipThị trường MỹThị trường Trung Quốc
Bầu cử Mỹ: Ông Trump sắp bỏ phiếu DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.