Máy đo nhịp tim loại dây đeo ngực - Ảnh: Wareable |
Theo trang tin công nghệ Arstechnica, biết được thông số nhịp tim của bản thân trong khi tập thể thao và trong các hoạt động thông thường mỗi ngày sẽ giúp bạn nắm được tình trạng sức khỏe tương đối chính xác.
Việc theo dõi thay đổi của nhịp tim theo thời gian cũng giúp bạn có thêm thông tin cần thiết để duy trì nếp sống lành mạnh.
Hiện nay, trên thị trường phổ biến nhất là hai loại thiết bị đo nhịp tim: loại dây đeo ngực và loại theo dõi nhịp tim quang học.
Nắm được nguyên lý hoạt động cũng như đặc điểm thiết kế của từng loại, bạn có thể tự quyết định nên chọn dùng loại nào phù hợp với mình |
Loại dây đeo ngực
Hầu hết các thiết bị loại này đều được làm từ một dải băng có tính đàn hồi có hình dáng giống như thắt lưng, dài, quấn quanh vừa vặn vòng ngực. Một phần điện cực được đặt ở vị trí sát với da người dùng và một thiết bị phát tín hiệu.
Đồng hồ có tích hợp máy đo nhịp tim quang học - Ảnh: Wareable |
Các thiết bị loại này hoạt động khác hơn so với thiết bị đo nhịp tim đeo tay vì sử dụng điện tâm đồ để ghi lại hoạt động điện tim. Phần điện cực trong thiết bị cần có hơi nước hoặc mồ hôi để bắt các tín hiệu điện tim.
Do đó, khi bạn đang vận động và đổ mồ hôi, các điện cực sẽ bắt những tín hiệu điện tim trong cơ thể, sau đó gửi dữ liệu vào bộ phận phát.
Bộ phận phát này về cơ bản là phần duy nhất trong thiết bị đo nhịp tim dây đeo ngực có thể tháo rời. Bên trong nó là một vi xử lý có chức năng ghi lại và phân tích nhịp tim từ các tín hiệu điện tim.
Sử dụng công nghệ Bluetooth và một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối, bộ phận phát này có thể liên tục chuyển các dữ liệu nhịp tim tới điện thoại của bạn lúc này đóng vai trò như một thiết bị thu.
Với nhiều loại máy đo nhịp tim dây đeo ngực hiện nay, người dùng còn có thể kết nối chúng với một thiết bị đeo trên người khác, hoặc đơn giản là sử dụng một ứng dụng tương thích trên điện thoại di động để ghi lại và lưu trữ thông tin nhịp tim.
Thiết bị đo nhịp tim quang học
Các thiết bị đo nhịp tim quang học phổ biến nhất là các loại cảm biến đo nhịp tim trong các thiết bị đeo trên người. Hầu hết các thiết bị này đều thu thập dữ liệu nhịp tim thông qua thể tích đồ (photoplethysmography - PPG), là quá trình sử dụng ánh sáng để đo lưu lượng máu.
Các thiết bị đeo trên người có máy đo nhịp tim quang học đều có những bóng đèn LED nhỏ ở mặt dưới, chiếu ánh sáng xanh lên bề mặt da trên cổ tay người dùng.
Các bước sóng khác nhau của ánh sáng sẽ có những tương tác và khúc xạ khác nhau với mạch máu dưới da ở cổ tay. Khi ánh sáng được khúc xạ, một cảm ứng khác trong thiết bị điện tử sẽ ghi nhận thông tin này.
Từ các thông tin thu thập được, các thuật toán cài đặt trong thiết bị theo dõi sức khỏe trên người sẽ xử lý để đưa ra thông số về nhịp tim cụ thể trong từng trường hợp.
Vì hầu hết các loại máy theo dõi sức khỏe đều được thiết kế dạng đeo tay, nên nhìn chung các thiết bị theo dõi nhịp tim quang học cũng thường nằm trên cổ tay người dùng. Tuy nhiên gần đây cũng xuất hiện một số biến thể khác như các máy đặt trên thái dương hay đặt trong tai.
Dù đặt ở vị trí nào thì các thiết bị loại này đều hoạt động trên nguyên lý đo nhịp tim thông qua việc phân tích ánh sáng khúc xạ trở lại từ mạch máu chảy dưới da.
Các máy đo nhịp tim có thể kết nối với điện thoại thông minh giúp người dùng theo dõi sức khỏe rất dễ dàng, thuận tiện - Ảnh: Askmen |
Loại nào chính xác hơn?
Lý do lớn nhất khiến các vận động viên thường thích các loại máy đo nhịp tim dây đeo ngực hơn là đeo cổ tay vì nó chính xác hơn. Nhìn chung có những lý do cụ thể khiến các loại máy đo nhịp tim dây đeo ngực chính xác hơn.
Điểm quan trọng trước hết là vì bộ phậm cảm ứng của thiết bị này được đặt gần tim hơn các loại đeo tay, do đó nó bắt được tín hiệu nhịp tim rõ ràng hơn.
Thứ hai, các loại máy dây đeo ngực có những đặc điểm khiến người dùng ít thao tác sai hơn. Miễn là bạn mua loại dây đeo đúng kích cỡ, còn thì rất khó để một thiết bị loại này bị lỏng tuột và rơi xuống eo trong khi dùng.
Các điện cực cũng được gắn cố định trên dải đeo, đo đó bạn có thể thoải mái vận động với nó mà không lo bị xê xích bộ phận này.
Nhìn chung khi sử dụng loại máy đo nhịp tim dây đeo ngực, bạn hầu như phải tuân thủ cách thức thiết đặt hoạt động của họ, không mấy linh hoạt. Điều này có thể khiến một số người khó chịu, nhưng nó lại là lý do đáng kể khiến thiết bị loại này thường xuyên giữ được độ chính xác.
Còn với máy đo nhịp tim quang học, tuy thuận lợi và thoải mái hơn trong sử dụng, nhưng độ chính xác của nó lại kém hơn, cũng do nhiều yếu tố cụ thể liên quan tới thiết kế và nguyên lý hoạt động.
Mặc dù dễ đeo lên tay, nhưng loại thiết bị này cũng dễ bị trượt ra khỏi vị trí thích hợp của nó. Thông thường các thiết bị này nên được đeo ở vị trí ngay phía trên xương cổ tay, tức là điểm cách phần tiếp nối giữa bàn tay và cổ tay một khoảng cách bằng độ rộng hai ngón tay chập lại. Nếu thiết bị tuột lên cao hay xuống thấp hơn vị trí đó đều có thể dẫn tới kết quả sai.
Đó là chưa kể việc đeo thiết bị này ở mức vừa vặn là vô cùng quan trọng. Nếu đeo chật quá, đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới sự vận hành của mạch máu, và thiết bị không thể đo nhịp tim chính xác khi máu không chảy ở tốc độ tự nhiên. Nếu đeo quá lỏng, khoảng cách và không khí có thể khiến thiết bị không bắt được tín hiệu nhịp tim.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận