Giữa niềm hạnh phúc mà sự tôn vinh "Tự hào nghề giáo", "Nghề giáo là nghề cao quý nhất" mang lại, một điều cũng khiến không ít người trăn trở: Làm sao để có thể tự hào về nghề của mình một cách chính đáng nhất, chứ không phải là "tự hào mặc định"?
"Tự hào mặc định" nghĩa là ngộ nhận rằng hễ dạy học thì tôi mặc nhiên là người đi khai sáng cho người khác, hễ làm nghề giáo thì là cao quý, và hễ đến 20-11 thì xã hội luôn tôn vinh nhà giáo và nhà giáo có thể mặc nhiên đón nhận điều đó như một lẽ thường.
Sự tự hào kiểu ấy rõ ràng là có gì đó không ổn. Bởi khi nhìn thẳng vào bức tranh giáo dục, chúng ta vẫn thấy còn đây đó những giáo viên thờ ơ, vô cảm hay thậm chí là lạm dụng vị thế "cao quý mặc định" của mình để chèn ép học sinh, làm lợi cho bản thân mình.
Tôi vẫn thường nói với đồng nghiệp mình rằng không có nghề cao quý, chỉ có người cao quý. Không ai cao quý bởi làm nghề giáo, chỉ có những người thầy trở nên cao quý bởi những lựa chọn họ đưa ra khi đứng trên bục giảng.
Như nhà giáo - học giả Forest E. Witcraft từng trăn trở: "Liệu thế giới này có trở nên khác đi, nhờ những thay đổi mà chúng ta đã tạo ra trong cuộc đời một học sinh nào đó hay không?".
Vì vậy, ngày 20-11 hằng năm nên là ngày mà nhà giáo tự vấn rằng trong năm qua tôi đã làm gì để có thể tự hào chính đáng về nghề của mình, để xứng đáng với hai chữ "cao quý" mà xã hội dành tặng hay chưa?
Có lần tôi may mắn được cùng một tập thể giáo viên tham gia một hoạt động ý nghĩa. Mỗi thầy cô viết câu trả lời cho câu hỏi tự vấn trên vào một tấm thiệp nhỏ và treo lên một cái cây có tên là "Cây tự hào".
Những dòng sau đây của một giáo viên nào đó đã viết và treo lên cái cây ấy khiến tôi thật xúc động khi đọc: "Mình tự hào khi trong mình vẫn luôn nuôi dưỡng niềm tin ở con người. Mình vẫn chọn cách sống tích cực và tử tế. Mình vẫn chọn cách sống chân thành và yêu thương".
Giữ vững được những lựa chọn như vậy trong bối cảnh mà xã hội ngổn ngang muôn vàn "cơn sóng", khiến niềm tin và sự chính trực của người làm nghề giáo bị xô đẩy, quả thật là điều đáng để tự hào lắm thay!
Tự vấn về "tự hào mặc định" cũng là để chúng ta chiêm nghiệm về một câu hỏi lớn hơn: Làm gì để nhà giáo có được niềm tự hào chính đáng về nghề của mình, chứ không chỉ là một vài ba khoảnh khắc chúc tụng trong ngày 20-11 rồi mọi thứ lại đâu vào đó?
Làm sao để nhà giáo tự hào rằng mình hoàn toàn có thể sống tốt bằng thu nhập chính đáng mà nghề mang lại?
Làm sao để nhà giáo thực sự có tiếng nói trong các quyết sách lớn của giáo dục nước nhà? Làm sao để văn hóa "tôn sư trọng đạo" được giữ gìn và không bị xâm lấn bởi văn hóa "mua - bán", "xin - cho" trong các nhà trường đây đó?...
Ngày 20-11 chỉ thật sự có ý nghĩa khi mỗi giáo viên có thói quen giữ gìn và chăm sóc cho cái "cây tự hào" của chính mình.
Và chỉ khi Nhà nước, xã hội chú trọng việc vun trồng cho cái "cây tự hào" của nhà giáo, đó là lúc những hạt mầm đổi mới giáo dục mới thực sự được gieo xuống một cách chắc chắn, vững vàng từ gốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận