24/07/2016 08:53 GMT+7

Từ túi áo bà ba của bà Sáu Trầu

NGUYỄN VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)
NGUYỄN VIỄN SỰ ([email protected])

TTO - 13 kỳ Quốc hội đã chứng kiến nhiều đại biểu tạo ra không khí sôi động, dân chủ trong các kỳ họp. Quốc hội XIV đã khai mạc, Tuổi Trẻ giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện về một số đại biểu như thế.

Bà Sáu Trầu đang têm trầu - Ảnh: VIỄN SỰ
Bà Sáu Trầu đang têm trầu - Ảnh: VIỄN SỰ

Với bức xúc của nhân dân, chúng tôi phải nói hết, nói thật những cái đã thấy, đã hiểu của mình, mong góp phần đấu tranh xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội...

Bà ĐÀO THỊ BIỂU

“Vì sao dân chủ mà các đại biểu dân cử và lãnh đạo các đoàn thể không được biết những nội dung cần thiết để làm tốt vai trò làm chủ? Thế thì trong chế độ ta, dân hoặc chỉ chờ chính quyền ban bố phúc lợi, hoặc chỉ đợi gánh lấy hậu quả của việc cán bộ làm sai thôi hay sao?”.

Những lời gan ruột đó là của bà Sáu Trầu (Đào Thị Biểu), đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long (Vĩnh Long, Trà Vinh), ở phiên họp ngày 15-9-1985 tại Quốc hội, nói về đợt cải cách giá - lương - tiền. Bài phát biểu được xem là cuộc “cách mạng”, bởi trước đó những bài phát biểu tại Quốc hội đa số đều chỉ tán thành, đồng ý với chủ trương, được nộp để duyệt trước. Còn bài phát biểu này bà Sáu Trầu bất ngờ rút ra từ túi áo bà ba, nội dung khác hoàn toàn với bài đã duyệt.

Bài phát biểu đọc “chui”

31 năm, Quốc hội từ nhiệm kỳ thứ VII nay đã vào nhiệm kỳ thứ XIV. Bà Sáu Trầu từ tuổi tứ tuần nay đã “thất thập cổ lai hi”, nhưng nhắc chuyện xưa bà vẫn nhớ như in. Bà kể sau hồi đổi tiền, ngay tại Cửu Long dân tình điêu đứng vì giá cả tăng 5-7 lần, hằng ngày phải chứng kiến cảnh bắt và tịch thu hàng của người tự sản, tự tiêu vì bán giá thấp hơn giá nhà nước quy định.

“Đạo lý nào cho làm vậy?”. Mang câu hỏi đó từ miền Nam ra nhưng tới hồi vô họp, các đại biểu đoàn Cửu Long bị giội cho gáo nước lạnh khi nghe rằng sau đổi tiền, tỉ giá công nông đã hợp lý, nông dân đã có lãi 30-40%. Còn tình hình khó khăn chung quy là do các địa phương không biết phát huy lợi thế đổi tiền.

Cả đoàn Cửu Long sôi lên, ngặt là hồi nghe tới câu đó thì bài phát biểu của đoàn Cửu Long đã nộp cho đoàn thư ký, nộp bài mới thì không ai nhận nữa. Bà Sáu Trầu kể thêm thời đó đại biểu nào phát biểu đều phải nộp bài phát biểu cho thư ký đoàn, rồi đọc đúng bài đã nộp chớ không được đọc khác đi.

Nhưng hành trang từ miền Nam mang nặng gánh tâm tư của cử tri, giờ không kiến nghị được mà còn mang thêm kết luận trật với thực tế về xứ thì ăn nói sao đây? 10 thành viên của đoàn góp ý, trưởng đoàn Trịnh Văn Lâu chấp bút viết bài phát biểu mới bảy trang, nói hết tâm tư của cử tri và nói thẳng vào những sai sót của Nhà nước trong đợt đổi tiền. Viết xong phải lén qua văn phòng Trung ương Đoàn, đóng chặt cửa thay nhau đánh máy trên 7 tờ giấy pơluya mỏng tang vì sợ lộ.

Nhưng ai sẽ đọc? Nhiều người xung phong, nhưng trưởng đoàn chọn bà Sáu Trầu vì theo trưởng đoàn, vấn đề gay gắt phải có giọng nữ nhẹ nhàng, nói năng từ tốn, thành tích kháng chiến tốt, phải dũng cảm, có thể “hi sinh”. “Tôi nghĩ mình phát biểu là đem ý dân gửi cho Đảng, để dân mất lòng tin vào Đảng là mình có tội. Nhà tôi sáu người đi kháng chiến, năm người hi sinh, có gì thì chắc cũng không sao” - bà Sáu Trầu kể.

Vậy là bà Sáu Trầu lĩnh ấn tiên phong. Buổi chiều 15-9-1985, là người cuối cùng lên phát biểu, nhiều đại biểu lạ lùng nhìn một đại biểu Nam bộ vận đồ bà ba, túi áo cộm bịch trầu cau bước lên bục. Nhưng ngay những dòng đầu tiên, bài phát biểu đã phủ nhận hoàn toàn đánh giá của báo cáo tình hình kinh tế - xã hội: “Chúng tôi cho rằng trong 10 năm qua chưa bao giờ nhân dân xao xuyến, bất bình, thậm chí phẫn nộ bằng đợt giá - lương - tiền vừa qua”.

Mở ra kỷ nguyên nói thẳng, nói thật?

Cả hội trường lặng ngắt, bà Sáu Trầu đọc tiếp: “Trung ương nói địa phương không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền, nhưng ưu thế gì mà phát huy?... Sau đổi tiền, ta còn một số tiền dự trữ nhưng không còn hàng, thương buôn vừa có hàng vừa có tiền. Ta lại tăng giá, làm cho ngành thương nghiệp cần lượng tiền mặt khá lớn để nắm hàng, thế là lại tiếp tục lạm phát với tốc độ nhanh và quy mô lớn hơn, trong khi cơ chế quản lý tiền tệ chưa có tí gì đổi mới, thế là các ngành sản xuất kinh doanh lại vẫn bế tắc, không có ưu thế gì để phát huy”.

Nghe đúng ý, đại biểu vỗ tay rần rần. Nhưng ai vỗ tay cứ vỗ, bà Sáu Trầu cứ đọc vì chỉ cho phát biểu có 7 phút mà hồi ở nhà đọc thử đã mém 10 phút. Bà Sáu Trầu tiếp tục: “Tóm lại, chúng tôi cho rằng nhận xét của đồng chí chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là không đúng... Còn đổ lỗi cho khách quan và bên dưới chưa nói rõ, chỉ đúng ai chịu trách nhiệm để công khai xử lý trước dân...”.

“Với bức xúc của nhân dân, chúng tôi phải nói hết, nói thật những cái đã thấy, đã hiểu của mình, mong góp phần đấu tranh xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội...”.

Dứt lời phát biểu, bà Sáu Trầu đi xuống trong tiếng vỗ tay rần trời, hai bên lối đi đại biểu chìa tay ra bắt tay tới tấp. Có đại biểu níu vạt áo bà ba của bà cảm kích: “Thấy chị trầu cau vậy mà dũng cảm quá!”.

Nhưng tối đó về tới nơi nghỉ, cả đoàn Cửu Long nuốt cơm không nổi vì lo lắng. Bà Sáu Trầu vừa thay cái áo bước ra mâm cơm thì thư ký đoàn gõ cửa, cự nự bà đọc không đúng bài đã nộp, đòi lại bài phát biểu, bà nói liều: “Tui nộp cho chủ tịch Quốc hội rồi!”.

Lát sau lại có nhóm người gõ cửa, nhưng lần này là nhóm đại biểu của các đoàn miền Bắc: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa... đến tâm sự. Họ nói chuyện bà Sáu Trầu phát biểu tỉnh họ cũng có nhưng không dám nói ra. Xong còn tặng lại bà bịch trầu cau têm sẵn cánh phượng, nói “thưởng” cho bà vì đã nói giúp những điều họ không dám nói.

Nhà thơ Nguyễn Hải Trừng sau đó đã tặng bà tập thơ với lời đề: “Tặng người em gái quê hương, người mở ra kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên nói thẳng và nói thật”. Một năm sau, bà Sáu Trầu có dịp gặp ông Nguyễn Văn Linh, ông chỉ nói ngắn gọn: “Bài phát biểu của đoàn Cửu Long nói thẳng nói thật, tốt chứ có gì đâu”. Còn bà Sáu Trầu tiếp tục trúng cử Quốc hội khóa VIII, khi nghị trường đã thật sự trở thành một diễn đàn. Và những con sóng bà khởi xướng ở nghị trường từ đó đã không còn lạc lõng.

Sống đẹp tuổi 80

Mười mấy năm từ hồi về hưu, xóm giềng ở đường Phạm Thái Bường (TP Vĩnh Long) vẫn thấy bà Sáu Trầu sáng sáng vận đồ bà ba, túi cộm trầu cau, cuốc bộ 3 cây số tới sở làm. Nơi bà đến là Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long mà bà làm chủ tịch. Sắp sửa bước qua tuổi 80, nhưng mỗi ngày bà cuốc bộ từ nhà đến hội, xong lại tất tả ngược xuôi khắp các tỉnh để vận động tài trợ, thăm hỏi, giúp đỡ người nghèo, bệnh tật...

Tuổi cao nhưng bà vẫn nhờ con cháu chỉ dẫn, rồi mày mò lên mạng để tiện bề liên lạc với mạnh thường quân ở nước ngoài giúp cho hoạt động của hội. Nhờ vậy mà suốt thời gian bà làm ở Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long, số tiền vận động được đã tròm trèm 400 tỉ đồng.

Đầu tháng 1-2016, bà đã được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng giải thưởng Kova ở hạng mục Sống đẹp.

“Tao tính năm nay đủ 80 tao nghỉ mà mấy đứa nhỏ không cho tao nghỉ, kêu tao kiếm được người thay mới cho” - bà Sáu Trầu chia sẻ. Dường như sóng nhiệt huyết trong bà Sáu Trầu vẫn vẹn nguyên như hồi ở nghị trường hơn 30 năm trước.

___________________________________

Kỳ tới: Những giọt nước mắt thương dân

NGUYỄN VIỄN SỰ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên