Ðó là mục Dọn vườn trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Phóng to |
Ảnh: Nguyễn Khánh |
Hai tập sách với gần 1.000 trang chọn nhặt lại những sạn, những cỏ dại, những hoa trái mùa, quả độc đủ loại từ hài hước, quen miệng đến dị hợm, khó lường trong cách sử dụng tiếng Việt suốt 50 năm (1955-2005) đã được những người làm vườn kỳ công, nghiêm nhặt và phải nói là khá uyên bác của tuần báo Văn Nghệ cần mẫn nhặt ra trong vườn văn nước nhà.
Nhặt ra, và dẫn dắt bằng những lời bình dí dỏm, hài hước, nhiều khi hơi cay nghiệt, riết róng nhưng chính xác, chính là một trong những cách làm cho mục Dọn vườn trở nên có sức hút lâu bền như thế, dù chỉ là một chuyên mục rất nhỏ trên một tờ báo lớn (một thời). Chẳng từ một ai, từ cây đa cây đề như Nguyễn Công Hoan, Huyền Kiêu, Trinh Ðường, Tô Hoài... đến những cây bút “thời danh” Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Nguyễn Minh Châu, Ðoàn Giỏi. “Luật chơi” rất đẹp: ai cũng có thể sai, ai cũng có thể bị giễu và ai cũng có quyền sửa.
Cũng có thể dễ dàng nhận thấy dòng chảy ngôn ngữ đã đổi thay như thế nào khi đọc từ tập 1 qua tập 2, ngôn ngữ của đầu tập 1 và cuối tập 2 đã xa cách nhau nhiều. Và cách “dọn vườn” cũng khác nhiều. Thủ phạm gieo cỏ dại, xả rác ngôn từ thường là: “một tờ báo”, “tác giả LXT”, “mục điểm sách trên VTV1”, không còn cụ thể, không còn đích danh, và lời bình cũng trung tính hơn, đồng nghĩa với ít ấn tượng hơn.
Dẫu thế, Dọn vườn (NXB Trẻ) thật sự là một cuốn sách cần, với những người “phu chữ” (Lê Ðạt), và là một tổng kết thú vị với tất cả những ai yêu “tiếng nước tôi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận