TỪ "PHUBBING" TỚI TỘC CÚI ĐẦU
Vào khoảng năm 2006, người Nhật đã tạo ra tên gọi mới “Oyayubi Zoku” - có nghĩa là “Bộ tộc Những ngón tay cái” - để chỉ những người trẻ tuổi chuyên thoăn thoắt xài hai ngón cái của hai bàn tay mà nhắn tin, chat chit hay gởi email, giải trí qua điện thoại di động.
Cụm từ “Oyayubi Zoku” trong tiếng Nhật đã dẫn tới phiên bản tiếng Trung là “Mu Zhi Zu” (Mẫu Chỉ Tộc) với cùng nghĩa: Bộ tộc Ngón Cái.
Nhờ vô mạng Internet di động mọi lúc mọi nơi, càng lúc càng dễ dàng và tiện lợi qua điện thoại thông minh, người ta dần dần rời bỏ mạng Internet cố định cùng cái bàn phím với máy tính để bàn truyền thống. Huống chi điện thoại thông minh ngày càng... hấp dẫn với nhiều chức năng mới nên người ta càng... ghiền.
Rồi người ta kết nối di động hầu như suốt ngày đêm để làm việc, giải trí, giao tiếp, mua sắm... qua mạng. Thậm chí người ta “chìm đắm” dần vô thế giới ảo, nói chuyện với... trợ lý ảo để ra lệnh cho điện thoại mà phớt lờ dần những cuộc nói chuyện trực tiếp với người thân và bạn bè, mặt đối mặt nhau ở ngoài đời.
Từ đó, xuất hiện thêm “Phubbing” - một từ mới trong tiếng Anh, ghép từ “phone” (điện thoại) với từ “snubbing” (phớt lờ) vào tháng 5-2012, để chỉ hành vi quá mải mê với cái di động mà... phớt lờ mọi người xung quanh.
Một nghiên cứu của Đại học Kent ở Úc, khảo sát trên 251 người ở độ tuổi 18-66, cho biết: những người càng “ghiền” điện thoại thông minh càng có xu hướng phubbing với người khác. Có ba nguyên nhân tạo nên hành vi phubbing: nghiện Internet di động, sợ bỏ lỡ sự kiện và... thiếu khả năng kiểm soát bản thân.
Trên thực tế, rõ ràng tộc Ngón Cái dần dần không cần xài tới... hai ngón tay cái trên điện thoại di động nữa, mà chỉ cần dùng... ngón trỏ quẹt quẹt trên màn hình điện thoại thông minh. Rồi họ ngày càng... chúi đầu vô cái màn hình nhỏ ấy. Bên Trung Quốc, nay cái tên tộc Ngón Cái (Mẫu Chỉ Tộc) đã trở thành... dĩ vãng, nhường chỗ cho một tên gọi mới: “Di Tou Zu” (Đê Đầu Tộc), tức tộc... Cúi Đầu. Ở Hong Kong, cái tộc ấy được gọi là “Dai Tau Juk” - vẫn là Đê Đầu Tộc nhưng nói theo tiếng Quảng Đông.
Bên Nhật Bản, năm 2016 đã rộ lên những bài viết báo động về hành vi “Aaruki Sumaho”, tức vừa đi đường vừa cứ cắm cúi chúi đầu vô điện thoại thông minh của cái “tộc” ấy.
Mời các bạn cùng so sánh hai trong những ghi nhận sinh động, mà buồn làm sao, về tộc Cúi Đầu ở Hong Kong và hành vi Aaruki Sumaho ở Nhật Bản:
- Hãng tin AFP, ngày 12-11-2014: “Khi đèn tín hiệu thay đổi tại một ngã tư ở Shibuya - một trong những phố đi bộ đông nhất thế giới, hàng trăm người Nhật bước xuống đường trong khi mắt vẫn không rời màn hình điện thoại. Dù đang hăng say cày “level” mới ở trò Candy Crush hoặc bận tán gẫu với bạn bè qua các ứng dụng nhắn tin, họ vẫn có thể luồn lách và tránh những người đi xe đạp hoặc trượt ván xung quanh. Tuy nhiên, không chỉ Tokyo mà cả các thành phố lớn như London, New York và Hong Kong đều ngày càng trở thành những khu vực nhiều rủi ro vì tỉ lệ người nghiện điện thoại di động ngày càng gia tăng”.
- Báo Hong Kong South China Morning Post, ngày 2-3-2015: “Những xác sống (zombie) ở khắp nơi. Họ lang thang trên đường phố, ở các trung tâm mua sắm và hành lang tàu điện ngầm, đầu chúi xuống và lãng quên thế giới xung quanh. Chúng tôi né tránh vì ngại va chạm với họ, còn họ cứ gõ và vuốt vô thiết bị thông minh của mình... Họ sẽ không ăn thịt bạn nhưng họ có thể gặm nhấm dây thần kinh của bạn”.
LỐI RIÊNG CHO "SMOMBIE": CHƯA ỔN!
Ở phương Tây đã nảy sinh một thuật ngữ mới toanh: “Smombie”, là từ ghép giữa “smartphone” (điện thoại thông minh) với “zombie” (xác sống). Theo đó, smombie là kẻ cứ như “xác sống nghiện điện thoại”, thường đi bộ với... tốc độ của ốc sên và không chú ý gì tới xung quanh vì cứ chúi đầu vô cái điện thoại của mình.
Theo Công ty viễn thông Nhật Bản NTT Docomo, tầm nhìn trung bình của một người đi bộ cứ chăm chăm vô cái điện thoại sẽ giảm 5% so với bình thường. Cuộc thử nghiệm mô phỏng trên máy tính, do NTT Docomo thực hiện với 1.500 người Nhật, cho kết quả như sau: có 446 vụ va chạm, 103 người bị té, 21 người làm rớt điện thoại, và chỉ khoảng 1/3 số người qua đường an toàn.
“Việc mải mê xài điện thoại chiếm tới 41% trong các nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn với người đi bộ hoặc đạp xe” - ông Tetsuya Yamamoto, một quan chức ở Sở Cứu hỏa Tokyo, nói với Hãng tin AFP.
Các loại tai nạn như vậy rất... đa dạng, từ mức nhẹ như cộp đầu vô cột đèn hay đạp nhầm đuôi chó, cho tới mức nghiêm trọng như trường hợp một người đàn ông trung niên đã mất mạng vì chúi mũi vô điện thoại mà đi thẳng vô đường ray lúc xe lửa băng qua. Theo Sở Cứu hỏa Tokyo, đơn vị điều hành dịch vụ xe cứu thương ở thủ đô Nhật Bản, từ năm 2009 tới năm 2013 đã có 122 người phải nhập viện vì các tai nạn do các smombie gây ra.
Báo Japan Today ngày 2-9-2016 cho biết: Đại học Tsukuba đã công bố kết quả một cuộc khảo sát rằng 50% những người ngồi xe lăn và 42% bà mẹ đi cùng con nhỏ từng bị va vào ai đó vừa đi vừa nhắn tin, và 47% người già trên 70 tuổi từng bị smombie xô đẩy.
Năm 2014, kênh truyền hình National Geographic đã đưa ra ý tưởng chia vỉa hè thành lối chung cho những người muốn đi nhanh và lối riêng cho người dùng điện thoại di động. Ý tưởng ấy đã được triển khai thử nghiệm ở một phố đông người qua lại tại thành phố Washington DC, bên Hoa Kỳ. Buồn sao, khi kết quả quan sát cho thấy: hầu như các smombie vẫn tiếp tục... cắm mặt vô điện thoại, không hề nhận ra những thông báo phân làn trên vỉa hè.
Cũng trong năm 2014, một công viên giải trí ở thành phố Trùng Khánh bên Trung Quốc cũng thử chia vỉa hè thành hai làn, với một làn dài 30m dành riêng cho những người thuộc tộc Cúi Đầu. Tới tháng 6-2018, thành phố Tây An ở Trung Quốc cũng tạo ra một lối đi dài 100m, rộng 80cm dành riêng cho người dùng điện thoại di động trên đường Yanta, đi qua một siêu thị luôn có nhiều xe hơi đậu phía trước.
Nhiều cư dân mạng ở Trung Quốc cho rằng đó không phải là một giải pháp tận gốc, mà chỉ là “sự chiều chuộng” dành cho người nghiện điện thoại. Thậm chí nếu họ vẫn cắm đầu vô điện thoại khi đi trên lối dành riêng cho mình, những người trong tộc Cúi Đầu vẫn có thể trở thành... nỗi nguy hiểm của nhau.
TRỊ "SMOMBIE" BẰNG LUẬT?
Ở Hàn Quốc, thủ đô Seoul đã cho lắp những bảng cảnh báo trên vỉa hè về việc dùng điện thoại thông minh lúc đi bộ, ở năm khu vực từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới smombie: City Hall, Hongdae, Đại học Yonsei, ga Gangnam, và ga Jamil.
Ở Đức, hai thành phố Augsburg và Cologne đã cho đặt các dải đèn LED màu đỏ trên các vỉa hè tại các nút giao thông, liên tục nhấp nháy báo cho các smombie kịp ngẩng đầu lên quan sát trước khi qua đường.
Trong khi đó, theo CNN, thành phố Honolulu, bang Hawaii ở Hoa Kỳ đã thông qua Luật an toàn cho người đi bộ với thiết bị điện tử, có hiệu lực kể từ ngày 25-10-2017. Luật ấy quy định: hành vi băng qua đường hoặc qua đường cao tốc mà vẫn xem thiết bị điện tử di động (gồm máy chơi video game, máy nhắn tin, máy tính xách tay và điện thoại thông minh) là bất hợp pháp. Mức phạt sẽ là 15-35 USD cho lần đầu vi phạm, 35-75 USD cho lần thứ hai và 75-99 USD với lần thứ ba, trong vòng một năm.
“Hầu như tất cả các bang ở Hoa Kỳ đều có luật cấm nhắn tin trong khi lái xe, nhưng có vẻ Honolulu là thành phố lớn đầu tiên có luật xử phạt những người đi bộ sử dụng các thiết bị cầm tay - ông Kirk Caldwell, thị trưởng thành phố Honolulu, nói - Đôi khi tôi ước có những dự luật mà chúng tôi không phải thông qua. Nhưng đôi khi chúng ta thiếu ý thức chung”.
Với Honolulu, có hai điều đáng chú ý. Thứ nhất, luật đã lường trước về sự... tái phạm của các smombie nên đã có các mức phạt nâng dần lên. Thứ hai, nếu người đi bộ nhìn vô điện thoại của mình lúc... đứng trên vỉa hè hoặc nói chuyện trên điện thoại khi băng qua đường, đó vẫn là hợp pháp.
Nghĩa là cũng như ở khắp Hoa Kỳ, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và nhiều nước khác, Honolulu vẫn chưa có cách chi ngăn ngừa triệt để và hiệu quả hành vi mải mê chúi đầu vô điện thoại khi di chuyển ở những nơi công cộng.
Thị trưởng Kirk Caldwell đã nhắc tới việc “thiếu ý thức chung” nơi các smombie. Về bản chất, đó chính là cội nguồn của hành vi phubbing - phớt lờ tất cả, kể cả chuyện tai nạn mình có thể gặp phải, hay do mình vô ý gây ra cho người khác vì thiếu khả năng kiểm soát bản thân, cứ cắm cúi chúi đầu vô màn hình điện thoại.
“Hãy nói không với Phubbing”, bạn có đồng ý như vậy chăng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận