Canxi dạng tiêm cần được tiêm vào tĩnh mạch, không được tiêm bắp hay dưới da, phải đúng liều lượng cần thiết và phù hợp với thể trạng của từng người bệnh. Không nên tự ý tiêm hoặc uống canxi nếu không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Tự tiêm canxi tại nhà, bệnh nhân 43 tuổi bị hoại tử khắp tay chân
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 43 tuổi (ở Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng khó thở, người mệt mỏi, chân và tay có nhiều nốt hoại tử…
Gia đình bệnh nhân cho biết bệnh nhân có tiền sử mổ tuyến giáp năm 2016. Sau mổ, bệnh nhân thường xuyên bị hạ canxi với các triệu chứng co quắp cơ tay chân và người yếu mệt, chóng mặt… Bệnh nhân đã mua canxi về để tự tiêm, do không biết và không tìm được ven nên đã tự tiêm vào bắp, các cơ ở chân, tay.
Sau tiêm, các vị trí tiêm xuất hiện đốm đỏ nâu, thâm đen, dần dần các nốt tiêm đã hình thành các nốt sẹo, hoại tử chi chít ở tay và chân.
Bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Việc tự tiêm canxi vào cơ có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, với nhiều rủi ro lớn như vi khuẩn xâm nhập vào gây viêm nhiễm, viêm tắc mạch máu, hoại tử mô, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Ngoài ra, việc tiêm canxi vào cơ không đảm bảo hấp thụ và sử dụng hiệu quả canxi trong cơ thể.
Bác sĩ khuyến cáo: Nếu bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe liên quan đến canxi hoặc bất kỳ vấn đề nào khác, cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách.
Tiêm tĩnh mạch canxi dễ gây trụy mạch
Theo dược sĩ Lê Quốc Thịnh - trưởng khoa dược Bệnh viện Trung ương 71, canxi tiêm tĩnh mạch được chỉ định trên các bệnh nhân bị co cứng cơ do hạ canxi huyết (bệnh tétanie) và các rối loạn thần kinh cơ liên quan;
Hỗ trợ trong các trường hợp xuất tiết da (ví dụ: mề đay cấp, chàm cấp), ngộ độc kim loại chì, fluoride, chứng tăng kali huyết nặng; và chỉ tiêm cho các bệnh nhân thiếu canxi mãn tính, còi xương, nhuyễn xương và loãng xương khi việc sử dụng canxi dạng uống không đạt hiệu quả tốt...
Khi dùng liệu pháp canxi liều cao cần phải kiểm tra chặt chẽ canxi huyết và canxi niệu, nhất là ở trẻ em và bệnh nhân đang sử dụng vitamin D. Ngưng điều trị ngay khi canxi huyết vượt quá 2,625 mmol/l (105 - 110mg/l) và khi canxi niệu vượt quá 0,125 mmol/kg (5mg/kg) trong 24 giờ.
Khi tiêm, truyền canxi, người bệnh thường có cảm giác nôn, mửa, bốc hỏa, vã mồ hôi, hạ huyết áp, loạn nhịp và trụy mạch, có thể xảy ra khi tiêm tĩnh mạch quá nhanh. Nhiều người do không hiểu biết, khi bị ho, loãng xương… đi tiêm canxi mà không biết thuốc tiêm canxi không được dùng để trị cảm hay ho hoặc loãng xương.
Khi tiêm tĩnh mạch, canxi đi vào đường máu sẽ làm giãn mạch và gây cảm giác nóng bừng. Người bị cảm cúm thường có cảm giác ớn lạnh, nhưng khi tiêm thuốc chứa canxi theo đường tĩnh mạch sẽ có cảm giác ấm người, vì vậy nhiều người nghĩ là... thuốc làm ấm người nên hết cảm.
Thực tế đó chỉ là cảm giác của người bệnh chứ chưa được khoa học chứng minh, trong khi tai biến thì luôn luôn chực chờ.
Nên lưu ý việc tiêm tĩnh mạch canxi là việc bất đắc dĩ, chỉ thật cần thiết mới dùng, nếu có thể thì dùng đường uống, tránh dùng đường tiêm, đặc biệt tiêm tĩnh mạch.
Tiêm canxi bắt buộc phải tiêm tĩnh mạch chậm, không được tiêm bắp hay tiêm dưới da vì chỉ cần tiêm tĩnh mạch chệch hay tiêm bắp nông sẽ gây dị ứng vùng tiêm dẫn đến tróc vảy hay hoại tử da và chỉ tiêm khi có chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp hạ canxi huyết nặng ở người lớn hoặc trẻ em, dùng canxi bằng đường truyền tĩnh mạch, điều chỉnh liều theo canxi huyết và canxi niệu. Việc điều trị sau đó được chuyển sang dạng uống.
Việc dùng quá chỉ định có thể dẫn tới tình trạng tăng canxi huyết: chán ăn, nôn mửa, táo bón, đau bụng, yếu cơ, đa niệu, khát, ngủ gật; trường hợp nặng: hôn mê, loạn nhịp, ngừng tim...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận