28/01/2016 19:24 GMT+7

“Tủ thuốc” du xuân

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC

TT - Mùa xuân ta đi chơi xa, xa ngôi nhà và môi trường thân thuộc. Chính sự thay đổi môi trường, khí hậu, nhịp sống, thậm chí là thay đổi về thức ăn thức uống hằng ngày làm cơ thể ta bị rối loạn, khiến dễ mắc một số bệnh như cảm sốt, rối loạn tiêu hóa, dị ứng...

“Tủ thuốc” du xuân
“Tủ thuốc” du xuân

Ở nơi đi du xuân, có khi ta không thể ra nhà thuốc để mua thuốc. Vì thế, rất cần đem theo thuốc để xử lý các rối loạn nhẹ mắc phải tạm gọi là “tủ thuốc” du xuân. Tủ thuốc này cần có những thuốc gì?

Các thuốc trong tủ thuốc du xuân có thể chia làm hai loại: thuốc trị bệnh ta mắc phải và thuốc trị các rối loạn nhẹ có thể gặp khi đang du xuân.

Bệnh mãn tính: chuẩn bị theo đơn bác sĩ

Các thuốc loại này cần biết rõ (nếu cần nên ghi lại trên giấy) dùng thế nào (mỗi lần uống mấy viên, ngày uống mấy lần, uống vào lúc nào, có điều gì cần lưu ý...). Xin nêu ba bệnh thường mắc.

Đái tháo đường: khi đi du lịch trong những ngày tết, cần chuẩn bị sẵn thuốc insulin có kèm bơm tiêm (cho người đái tháo đường týp 1), hoặc thuốc uống hạ đường huyết (cho người tiểu đường týp 2). Nếu có điều kiện nên đem theo dụng cụ thử đường huyết.

Không đi chân trần, dùng giày dép đúng tiêu chuẩn để tránh bị thương tích gây biến chứng “bàn chân người đái tháo đường” rất khó lành.

Người đái tháo đường cần chuẩn bị thức ăn sẵn như các sản phẩm dinh dưỡng y học (có đủ các thành phần như chất bột, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất) để mang theo, phòng khi đến giờ ăn nhưng chưa được ăn thì có thể dùng ngay để tránh hạ đường huyết.

Bệnh tim mạch: cần mang theo thuốc để sử dụng như thường ngày, không bao giờ được ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Những người bị suy tim mất bù, thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh tim có ngất và chưa được đặt máy thì không nên đi máy bay.

Những bệnh tim khác có thể đi nhưng cần lưu ý, nếu có cơn đau thắt ngực nên có sẵn thuốc dãn mạch như trinitrine trong túi để dùng. Nếu trước đây đã có sẵn những đợt suy tim nên mang theo thuốc lợi tiểu tác dụng nhanh để dùng kịp thời.

Tăng huyết áp: mức huyết áp sẽ thay đổi theo sự hoạt động của cơ thể và thời gian trong ngày, dù đi chơi xa cũng không nên bỏ thói quen đo huyết áp hằng ngày. Uống thuốc kiểm soát huyết áp đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ, không được bỏ thuốc dù huyết áp có vẻ luôn ổn định.

Bệnh cấp tính: mua tại nhà thuốc để đem theo

Cảm sốt: Biểu hiện chung ở người lớn và trẻ nhỏ là sốt và đau đầu. Thuốc để giảm triệu chứng này là aspirin và paracetamol. Dù giảm đau và hạ sốt nhanh nhưng aspirin gây nhiều tác dụng phụ hơn nên lựa chọn tốt nhất vẫn là paracetamol. Riêng với trẻ con chỉ nên dùng paracetamol.

Không nên lạm dụng thuốc trị cảm sốt, nếu dùng paracetamol ở liều cao trên 4.000 mg/ngày ở người lớn có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Nếu có trẻ nhỏ cần đem theo nhiệt kế.

Khó tiêu đầy bụng: nếu kèm theo đau gọi là đau dạ dày nên dùng thuốc kháng acid. Hoặc chỉ khó tiêu đầy bụng không thôi nên dùng thuốc là men tiêu hóa. Cũng có thể dùng gừng giã nhỏ hòa với nước âm ấm uống mà theo nhiều người cảm nhận thấy có thể làm giảm chứng khó tiêu.

Tiêu chảy: thường gặp là chứng tiêu chảy cấp. Người lớn là do ngộ độc thức ăn, còn trẻ nhỏ thường do nhiễm siêu vi rotavirus. Với trẻ nhỏ nên dùng gói Oresol để bù nước và chất điện giải. Người lớn có thể dùng các thuốc như loperamid.

Táo bón: thường gặp do khẩu phần ăn ngày tết thường thiếu chất xơ. Có thể cải thiện bằng cách ăn nhiều chất xơ, ăn các thực phẩm giúp dễ tiêu hóa, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không giảm có thể dùng các thuốc trị táo bón tạo khối hoặc dùng thuốc trị táo bón thẩm thấu.

Nôn ói: thường do say tàu xe, có thể dùng thuốc chống nôn hoặc dùng dạng thuốc dán vào da sau tai là scopolamine (trẻ dưới 8 tuổi không được dùng).

Ho: đi chơi xa, người già và trẻ nhỏ dễ bị ho do nhiễm lạnh. Có thể dùng kháng histamin trị dị ứng nhưng có tác dụng làm dịu và giảm ho; hoặc thuốc trị ho...

Dị ứng, nổi mẩn ngứa: có thể do dị ứng thức ăn hoặc dị ứng do thời tiết, côn trùng cắn đốt. Nếu ở mức độ nhẹ, chỉ nên dùng các kem bôi ngoài da, chống ngứa chứa tinh dầu như menthol...

Lưu ý: Các thuốc nêu trên có thể nhờ dược sĩ ở nhà thuốc hướng dẫn mua trữ và chỉ cách sử dụng. Nên chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ từ 5-7 ngày, nếu triệu chứng không đỡ phải đi khám ở bác sĩ.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên