Người ăn xin ở ngã tư Nguyễn Thái Sơn và Phan Văn Trị, Gò Vấp, TP.HCM. Ngoài việc xin tiền, người này còn bán hàng rong tăm bông, kẹo cao su - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Hai ý kiến của bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ cùng trăn trở về vấn đề này.
Những "gương mặt quen" ở ngã tư
Một chiều, tôi đang đứng chờ người quen gần Bệnh viện Thống Nhất (đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM). Từ bên kia đường, hai phụ nữ còn rất trẻ, tay bồng hai đứa trẻ, một nhóm trẻ chừng 6-7 đứa theo sau, lứa tuổi lên năm lên ba băng qua đường.
Họ nhanh chân tiến tới, vây quanh những người đứng trước cổng bệnh viện. Họ chìa tay, chìa nón xin tiền. Một số người khoát tay, tỏ vẻ khó chịu khi bị nhóm người đi xin tiền quấy rầy, không chịu rời, nhiều người móc ít tiền lẻ cho những đứa trẻ.
Góc ngã tư, giao lộ đông xe những ngày này cũng thường xuyên có một số nhóm vài ba trẻ em quần áo lấm lem, xộc xệch, tóc cháy, da đen... tay cầm những cái ca nhựa chìa ra xin tiền người đi đường. Các em không nói tiếng Việt, nhiều em chừng 7-8 tuổi, người bé như trẻ lên 5 bế em nhỏ vài tháng tuổi bên mình, không có người lớn bên cạnh. Những gương mặt quen vì ngày nào cũng gặp các em ở đó...
Đã nhiều tuần nay, góc đường Sư Vạn Hạnh nối dài giáp đường 3 Tháng 2, quận 10 có một bà lão lớn tuổi, đôi chân có lẽ bị khuyết tật, ngồi dưới trụ đèn chìa nón xin tiền. Đôi lúc, với đôi chân khập khiễng, bà đi xuống lòng đường, giữa dòng người và xe cộ đông đúc, rất nguy hiểm cho cả bà và những người lái xe.
Tôi đã gọi điện thoại báo cho cơ quan chức năng, trình bày ý kiến: nên tìm hiểu về hoàn cảnh bà cụ, nếu bà thật sự không có nơi nương tựa có thể đưa bà vào các cơ sở bảo trợ xã hội để đảm bảo sức khỏe cho bà... Mấy hôm nay, qua đoạn đường này, không còn nhìn thấy bà đi lang thang xuống đường nữa.
Nhưng khắp nơi vẫn còn nhiều trẻ nhỏ, phụ nữ ôm con nhỏ đứng ở ngã tư, vẫn kiểu tỉnh bơ đi lại giữa dòng xe đang chờ đèn xanh. Có khi đèn xanh đã bật nhưng họ vẫn thản nhiên đứng cản giữa dòng xe, không cần vội vã vào lề. Người lái xe hai bánh phải cẩn trọng, sợ lỡ va chạm với họ cũng phiền. Thỉnh thoảng có ai đó muốn cho tiền, cố tấp xe đến gần thành ra gây cản trở giao thông nhiều người khác.
Cận tết, người ăn xin có mặt nhiều nơi ở TP.HCM, có vẻ nhiều hơn trước. Cuối năm, nhiều người sẵn sàng mở ví. TP.HCM vài năm nay đã có nhiều hoạt động cũng như các biện pháp chấn chỉnh tệ nạn ăn xin như: lập đường dây nóng để người dân báo thông tin về người lang thang, ăn xin, nhiều đợt ra quân đưa người già, người tàn tật, người không có nơi cư trú rõ ràng vào các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Đó là biện pháp mang tính nhân văn, nhân đạo của thành phố, nhưng không giải quyết triệt để tình hình. Còn quá nhiều nhóm người lợi dụng sự thương cảm của mọi người, xin tiền giữa phố gây ra hình ảnh xấu xí, thậm chí gây mất trật tự, cản trở giao thông.
Người đi đường bình thường cũng có thể thấy rõ những người ăn xin hoạt động theo nhóm, họ có nơi trú ngụ rõ ràng ở thành phố này. Để thành phố không còn tệ nạn người ăn xin, rất mong ngoài các biện pháp hỗ trợ mang tính nhân văn, nhân đạo đối với người nghèo khó thật sự, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh đối với các nhóm đối tượng đi ăn xin.MINH VŨ
Còn người cho tiền sẽ còn người ăn xin
Ngày 17-12-2018, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa yêu cầu phòng LĐ-TB&XH 24 quận, huyện tập trung giải quyết người ăn xin không nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng.
Thông báo còn nói rõ: khi phát hiện người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng, người dân có thể điện thoại trực tiếp đến đường dây nóng tiếp nhận thông tin của phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM. Một tháng qua, "đội quân" này vẫn rất đông.
Vì sao tệ nạn ăn xin mãi tồn tại? Không ít người cầm những tờ giấy bạc 2.000-5.000 đồng cho ai đó là việc thiện "thương người như thể thương thân". Họ thấy vui vẻ, hạnh phúc khi giúp ai đó ở trong hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.
Nhưng cho tiền người ăn xin ngoài đường phố không đơn giản như vậy. Lòng từ thiện có đúng nơi không khi sự chia sẻ được gửi đến những nhóm người lười lao động, lợi dụng lòng nhân ái, thậm chí có chuyện chăn dắt người già, trẻ em xin tiền? Chuyện này báo chí đã nêu rất nhiều.
Xã hội tiến bộ không thể có người sống nhờ, lợi dụng sự tử tế của người khác. Thật vô lý khi số tiền thu nhập hằng ngày của họ gấp nhiều lần, thậm chí gấp hàng chục lần thu nhập của một công nhân miệt mài trong xưởng máy, người sẵn lòng mở ví ở ngã tư, gửi họ vài ngàn đồng với sự sẻ chia thật sự.
Tôi rất đồng quan điểm không nên cho tiền những người ngày nào cũng ra đường ăn xin. Còn người cho tiền sẽ còn người ăn xin. Vấn đề ở đây là: cần giải quyết dứt điểm vấn nạn ăn xin. Tuy rằng đường còn xa, nhưng ta không đi sẽ không thể đến. Đáng buồn là TP.HCM đã có chủ trương dẹp các nhóm ăn xin trước tết nhưng đến nay tình trạng vẫn còn, thậm chí rất nhiều.
Có thể chọn cách khác...
Mong một đô thị văn minh, không có tệ nạn ăn xin, tôi mong lòng thương cảm của mọi người cần được gửi đúng nơi đúng chỗ hơn. Khi thấy người ăn xin, nếu chỉ chia sẻ với họ ít tiền lẻ, hôm sau họ lại tiếp tục ra đường đi xin.
Còn một cách khác: tìm cách báo tin cho cơ quan chức năng. Đó cũng là cách bản thân mỗi người đã giúp đỡ người ăn xin một cách cụ thể, thiết thực nếu họ thật sự đáng thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận