Nếu ở vùng vịnh San Francisco của Mỹ có một Thung lũng Silicon là trung tâm nổi tiếng toàn cầu về công nghệ và đổi mới, thì tại Ấn Độ cũng có một nơi được ví như Thung lũng Silicon, đó là Bengaluru (hay còn gọi Bangalore) - thành phố với hơn 13 triệu dân thuộc bang Karnataka ở miền nam Ấn Độ.
Sức hút của Bengaluru
Vào thập niên 1960, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru từng tiên đoán Bengaluru sẽ là thành phố tương lai của quốc gia Nam Á.
Hành trình trở thành "Thung lũng Silicon" của Bengaluru được cho là bắt đầu từ những năm 1970, khi Chính phủ Ấn Độ bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) ở đây. Sau đó ngành công nghiệp IT của Bengaluru phát triển nhanh chóng.
Theo Hãng tin Bloomberg, khoảng 30 năm trước Bengaluru được biết đến là một thành phố yên tĩnh, nơi những người Ấn Độ giàu có thường tìm đến sau khi nghỉ hưu. Tại thành phố mát mẻ này, gần 200 hồ nước nối với nhau bởi vô số con kênh, những ngôi nhà nhỏ, thấp nằm cạnh nhau trong các khu dân cư và người ta có thể dễ dàng đạp xe đến bất cứ đâu.
'Thiên đường' nghỉ hưu ở Ấn Độ lột xác thành 'Thung lũng Silicon'
Nhưng hiện tại Bengaluru đã phát triển nhanh chóng và trở thành một trung tâm công nghệ của Ấn Độ - quốc gia sở hữu ngành IT trị giá 194 tỉ USD. Với sự bùng nổ kinh tế, dân số nơi đây đã tăng hơn 3 lần kể từ năm 1990 và hiện là hơn 13 triệu người. Với hơn 3.500 công ty công nghệ và các start-up, hàng triệu người lao động đã tìm đến đây, kéo theo sự bùng nổ của xây dựng bất động sản tại Bengaluru trong các thập niên qua.
Bengaluru là nơi hội tụ của các công nghệ quan trọng như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy... Đây cũng là nơi đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển của các công ty nổi tiếng nhất thế giới như Amazon, Microsoft, Facebook và Google.
Mỗi năm Ấn Độ có thêm 1,5 triệu kỹ sư tốt nghiệp và rất nhiều người giỏi trong số họ đã tới Bengaluru. Ngày nay nhiều nhân tài ở đây đang làm việc cho các start-up, các trung tâm nghiên cứu của nhiều tập đoàn toàn cầu hay trụ sở của các tập đoàn công nghệ Ấn Độ lớn như Infosys.
Ông Sanket Nayak, đồng sáng lập Công ty phần mềm Digio có trụ sở tại Bengaluru, cho biết: "Bengaluru cung cấp đội ngũ nhân tài với các kỹ năng đa dạng". Ông cho rằng có hai lý do tạo nên sức hút của thành phố này, đó là thời tiết và cơ hội lập nghiệp về công nghệ.
Còn ông Abhimanyu Saxena, đồng sáng lập Công ty Scaler, đánh giá mật độ nhân tài ở Bangalore rất cao. Ông chia sẻ: "Tôi biết rất nhiều người làm việc ở Bangalore kiếm được ít nhất 150.000 USD một năm".
Tắc đường và ngập lụt
Tuy nhiên đi đôi với sự phát triển, Bengaluru cũng đang gặp một số vấn đề. Ông Sanket Nayak nói: "Bengaluru từng là thiên đường của những người về hưu giống như bang Florida (Mỹ). Nhưng ngày nay thành phố này chỉ là một "rừng bê tông". Đó là mặt trái của sự phát triển".
Theo Viện Khoa học Ấn Độ, vào thập niên 1970 các tán cây bao phủ khoảng 70% diện tích Bengaluru nhưng ngày nay con số đó chỉ còn dưới 3%. Năm ngoái, nhà phát triển phần mềm TomTom xếp hạng đây là thành phố tắc nghẽn giao thông nhất Ấn Độ và đứng thứ 5 toàn cầu. Trong khi đó hoạt động xây dựng trái phép đã san lấp nhiều kênh mương ở Bengaluru, gây ngập lụt nặng nề khi mưa lớn.
Cây bút Bobins Abraham của trang India Times bình luận: "Trong vài năm qua, cảnh ngập lụt đường sá, nhà cửa đã trở thành vấn đề lớn với Bengaluru. Mọi thứ đã trở nên tồi tệ với "Thung lũng Silicon của Ấn Độ" đến nỗi chỉ một trận mưa cũng có thể làm ngập một phần thành phố".
Cách đây hơn một năm, truyền thông địa phương và mạng xã hội lan truyền những bức ảnh cho thấy nhà cửa sang trọng bị ngập nước và cảnh người dân đẩy xe chết máy sau mưa lớn. Khi đó mưa bão cũng đã buộc thành phố phải đóng đường vành đai ngoài (ORR) - nơi có văn phòng của các công ty như Microsoft, Intel, Goldman Sachs và Morgan Stanley.
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của hãng tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank cho rằng Bengaluru có thể cần gần 28 tỉ rupee (339 triệu USD) để khôi phục mạng lưới thoát nước vốn đã bị hư hại do tình trạng phát triển nhà cửa quá nhanh.
Những thách thức phía trước
Theo báo Financial Times, giờ đây Bengaluru sẽ cần giải quyết những thách thức mà các thành phố đang phát triển khác đã và đang phải đối mặt: kiểm soát giao thông, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và cho phép người nhập cư có thể hòa nhập cuộc sống ổn thỏa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận