Một quốc gia mạnh không phải nhờ dân đông quân nhiều mà nhờ vào cái chất, tức sức mạnh nội lực tiềm tàng của quốc gia đó.
Nội lực một quốc gia suy cho cùng vẫn là kinh tế phát triển bền vững, môi trường lành mạnh, quân dân một lòng, tự do dân chủ thật sự được luật pháp bảo vệ, nhà cầm quyền trọng dân, ngược lại, dân chúng tự giác thượng tôn pháp luật. Một quốc gia có dân bảo vệ bằng niềm tin và sức mạnh từ mỗi con người thì quốc gia ấy có thể nghèo nhưng không hèn, không bao giờ có thể mất.
Sau ý kiến của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trên Tuổi Trẻ ngày 2-9: “Không đủ nội lực sẽ khó giữ chủ quyền”, đã có nhiều ý kiến hưởng ứng chủ đề này như “Nội lực nằm trong sức dân” (thiếu tướng Lê Văn Cương), “Làm mạnh nội lực bằng ngoại lực” (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Mão), “Cải thiện năng lực của con người và năng lực của thể chế” (TS Nguyễn Sĩ Dũng), “Đánh thức nội lực thành sức mạnh dân tộc” (nhà sử học Dương Trung Quốc)...
Những ý kiến đó được đồng tình vì là chân lý xưa nay. Những kẻ đi tìm sức mạnh quốc gia bằng cách lấn đất láng giềng hay mở rộng biên giới bằng vũ lực hoặc những âm mưu chính trị bịp bợm đều phá sản thảm hại.
Lịch sử chứng minh con đường dân giàu nước mạnh phải là nuôi dưỡng sức dân (phát huy dân chủ, phát triển kinh tế cho dân chứ không phải cho vua quan hay nhóm đặc lợi nào), nâng cao trình độ và kỹ năng cho dân và người lãnh đạo dân, đặc biệt xây dựng được một tư thế sống xứng đáng (tức là nâng cao văn hóa để có thể ngồi chung chiếu với người ta).
Ai cũng phải thừa nhận nước ta sau khi có hòa bình và đổi mới đã có một bước phát triển đáng kể về nhiều mặt, nhất là kinh tế. Đời sống vật chất của nhiều tầng lớp nhân dân được cải thiện nhiều so với thời bao cấp hay chiến tranh. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận một sự thật là hiện nay chúng ta chưa có được một tư thế quốc gia tương xứng với lịch sử dân tộc cũng như tiềm năng đang có đòi hỏi. Vậy cái gọi là “tư thế quốc gia” ấy nằm ở đâu?
Cái tư thế chưa thể chấp nhận ấy nằm trong những đống rác không đáng có hoặc không thể có bên vệ đường các thành phố từng được coi là hoa lệ, xinh đẹp như Hà Nội, Sài Gòn.
Là phong cách lên xe máy, là biến đường phố thành cuộc đấu vật, là tai nạn giao thông giết chết hàng chục ngàn người mỗi năm như một cuộc chiến tranh. Là những mâm nhậu thâu đêm suốt sáng được gầy ở bất kỳ đâu, kể cả bên miệng cống. Là cách đối xử với nhau trên đường, nơi công cộng, có xu hướng lấy gây gổ, đâm chém thay lời cảm ơn, xin lỗi. Là tội ác dân sự, hình sự quái dị xảy ra hằng ngày làm sững sờ trái tim mỗi người.
Và quan trọng hơn, người dân không được hưởng một nền giáo dục ngang tầm với thời đại đến mức gây ra làn sóng “tị nạn giáo dục”, ra nước ngoài tìm kiến thức và đạo lý làm người, mất cả tiền lẫn chất xám. Không ít người trong thế hệ trẻ ở thành thị ra đời sau chiến tranh thiếu hoài bão để phấn đấu, thay vì đọc sách thì miệt mài vui chơi, đốt cháy tuổi xuân trong nhạc thảm họa. Không ít người trong lớp trẻ nông thôn nghèo tiêu hóa nỗi buồn chán, bế tắc trong rượu chè hoặc vì sinh kế mà lao vào bất kỳ việc gì...
Tư thế Đại Việt, tư thế Việt Nam từng được trọng thị với bài thơ bên bữa tiệc đầu người của Nguyễn Biểu, với vế đối hùng tráng “bất nhục quân mệnh” Đằng giang tự cổ huyết do hồng của Giang Văn Minh, sớ “Thất trảm” của Chu Văn An và bao anh hùng liệt sĩ hữu danh và vô danh trong lịch sử giành độc lập tự do của dân tộc. Đánh thức nội lực quốc gia, tạo một tư thế Việt Nam xứng đáng với thời đại là chuyện lớn nhưng nhiều khi được bắt đầu bằng việc nhặt một cọng rác trên đường phố.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận